'Kinh tế Hưng Yên đứng trong nhóm tăng trưởng cao toàn quốc'

Thay mặt Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng biểu dương kết quả quan trọng Hưng Yên đạt được, như tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhóm tăng trưởng cao toàn quốc.

Sáng 25/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị của tỉnh, với sự tham dự của 339 đại biểu chính thức đại diện cho trên 69.000 đảng viên thuộc 13 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và chỉ đạo Đại hội.

Phát triển nhanh đi đôi với bền vững

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm theo dõi tình hình của tỉnh Hưng Yên và đánh giá cao nỗ lực phấn đấu, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên trong nhiệm kỳ qua.

Địa phương đã đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết chỉ tiêu nhiệm kỳ trước đề ra.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hưng Yên đứng trong nhóm tăng trưởng cao toàn quốc. Kể từ 2017, Hưng Yên trở thành một trong 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối thu - chi ngân sách và có điều tiết về Trung ương.

 Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng về dự, chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Hoàng Hà.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng về dự, chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài những kết quả về kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại của tỉnh có nhiều tiến bộ, thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Hưng Yên, quan hệ quốc tế được mở rộng với nhiều đối tác.

“Chúng ta rất tự hào về kết quả, thành quả ấy, song Đại hội cũng cần thảo luận, làm rõ những tồn tại, khuyết điểm đã được chỉ ra”, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Vấn đề được bà Phóng nêu ra là tại sao Hưng Yên phát triển kinh tế nhanh nhưng chưa đồng đều, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế? Tại sao GRDP đạt thấp hơn chỉ tiêu Đại hội? Tại sao thu ngân sách từ sản xuất và kinh doanh trong tỉnh chưa cao? Tại sao công nghiệp phát triển nhanh nhưng chưa có sản phẩm có thương hiệu Hưng Yên và sức cạnh tranh rõ nét?...

Những khó khăn trong việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp hay việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn bất cập cũng được đặt ra. Bên cạnh đó là vấn đề hạ tầng thương mại, dịch vụ chậm phát triển; ô nhiễm môi trường một số nơi còn bức xúc…

Hoan nghênh tinh thần thẳng thắn khi Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã nhận thấy trách nhiệm về những tồn tại, yếu kém trong nhiệm kỳ qua, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần làm rõ nguyên nhân, của những thiếu sót, yếu kém này để khắc phục.

Nhiệm kỳ tới, bà Phóng cho biết Bộ Chính trị nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị và việc nhận diện 6 vấn đề thách thức lớn đối với tỉnh, đặc biệt về 4 quan điểm, 3 khâu đột phá cùng hệ thống 19 chỉ tiêu tỉnh đã xác định.

Bà lưu ý Hưng Yên cần tập trung lãnh đạo phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cần thấy hết lợi thế của một tỉnh có vị trí thuận lợi là nằm ngay tại cửa ngõ phía đông nam thủ đô Hà Nội, thuộc khu tam giác động lực phát triển phía Bắc. “Nâng cao năng lực kết nối giao thông từ Hà Nội đến Hưng Yên càng làm gia tăng động lực phát triển mới cho vùng đồng bằng sông Hồng và Hưng Yên”, bà Phóng nói.

Nhắc đến nhiệm vụ bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa mới và đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng XIII, Phó chủ tịch Quốc hội kỳ vọng Đại hội sẽ cân nhắc, lựa chọn những người có uy tín cao, phẩm chất, đạo đức và năng lực thực tiễn, nói đi đôi với làm, được nhân dân tín nhiệm.

Hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu

Trước đó, phát biểu khai mạc Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ, cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần này có chủ đề: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”.

Theo ông Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, địa phương này đã và đang là địa bàn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội cho thấy nhiệm kỳ 2015-2020, Hưng Yên đã hoàn thành hầu hết chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra. Trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt cao, vượt sớm so với kế hoạch trong bối cảnh vừa tập trung giải quyết hiệu quả đối với những tình huống khó, mới, phức tạp như đại dịch Covid-19.

“5 năm qua, tỉnh duy trì phát triển kinh tế nhanh với chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,38%/năm, trong khi mục tiêu tăng từ 7,5-8%/năm”, ông Sỹ thông tin.

Một điểm đáng chú ý là kinh tế nông nghiệp có nhiều kết quả nổi bật khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao trong trồng cây có múi, cây vải, nhãn, hoa, cây cảnh, cây dược liệu… Nhiều nơi có số thu đạt từ 500-700 triệu đồng/ha canh tác.

Trong công nghiệp, có 816 dự án mới được thu hút đầu tư, nâng tổng số dự án trên địa bàn tỉnh là 1.985 dự án; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm trên 61% trong cơ cấu kinh tế.

“Hưng Yên đã và đang là địa bàn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư”, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhấn mạnh.

Chỉ tiêu đến năm 2025

Kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm 7,5-8%. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng 2-2,5%/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9-10%/năm. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 7-7,5%/năm. GRGP bình quân đầu người 130 triệu đồng/năm.

Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp, thủy sản 6%; công nghiệp - xây dựng 66%; thương mại, dịch vụ 28%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 250.000 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 21.500 tỷ đồng.

Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 47%; Thành phố Hưng Yên đạt đô thị loại II; thị xã Mỹ Hào đạt đô thị loại III, cơ bản đạt tiêu chí thành phố; phấn đấu huyện Văn Giang, Văn Lâm đạt tiêu chí đô thị loại III, khu vực đô thị trung tâm các huyện Yên Mỹ, Khoái Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%; Có 55-60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25-30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tầm nhìn đến năm 2030, 2045: Đến năm 2030: Xây dựng Hưng Yên thành tỉnh có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; GRDP bình quân đầu người trong nhóm dẫn đầu cả nước, đạt trên 8.500 USD/người, thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao gấp hơn 2 lần so với năm 2020; nền kinh tế số chiếm trên 30% GRDP…

Đến năm 2037, 2045: Trước năm 2037, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (thời điểm 40 năm tái lập tỉnh); năm 2045, là thành phố thông minh; phát huy đầy đủ giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến, là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa của trung tâm vùng ĐB sông Hồng.

Nguyễn Hưng - Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kinh-te-hung-yen-dung-trong-nhom-tang-truong-cao-toan-quoc-post1145729.html