Kinh tế hợp tác-tiền đề thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, với yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, kinh tế hợp tác ở huyện Phong Điền đã có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Các tổ chức kinh tế hợp tác, cụ thể là hợp tác xã (HTX) không chỉ góp phần duy trì, nâng chất tiêu chí số 13, mà còn là điều kiện phát huy nội lực hiệu quả xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nền tảng kiến thiết nông thôn mới

Phong Điền hiện có hơn 10.500ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có hơn 6.500ha vườn cây cho trái bốn mùa. Đến nay, toàn huyện có 18 HTX, 80 tổ hợp tác sản xuất thu hút hơn 2.400 thành viên tham gia sinh hoạt. Với đủ các loại hình được thành lập và đi vào hoạt động, các mô hình kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện bước đầu đã thể hiện được vai trò là “bà đỡ” cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò của mình trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân. Điển hình như: HTX Dâu Hạ Châu (xã Nhơn Ái), HTX Chanh không hạt (xã Trường Long), HTX hoa kiểng (xã Tân Thới), HTX Quả an toàn (xã Trường Long), HTX Thủy sản Thuận Thiên (xã Giai Xuân)…

Xã viên HTX Chanh không hạt xã Trường Long thăm vườn. Ảnh: T. TRINH

Thành lập từ năm 2015, HTX Chanh không hạt ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long có 25 xã viên với diện tích là 12ha. Đến nay, HTX Chanh không hạt được mở rộng diện tích lên 15ha với 26 xã viên, chỉ tính riêng 9 tháng qua, thu hoạch 117 tấn, lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng. Chị Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc HTX Chanh không hạt tại ấp Trường Hòa, xã Trường Long, chia sẻ: Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề làm vườn, trồng trọt, chăn nuôi và một số ít buôn bán nhỏ. Trong đó, cây chanh không hạt cho thu nhập ổn định hơn. Người làm trước có hiệu quả, người sau cũng cải tạo vườn làm theo, dần dần cây chanh không hạt chiếm ưu thế trên địa bàn ấp. Do làm ăn riêng lẻ dẫn đến khó khăn về trao đổi kỹ thuật, thiếu sự giúp đỡ nhau về kinh tế, sức lao động hoặc nhân công khi thu hoạch, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp chính quyền địa phương vận động chị em tự nguyện đăng ký vào hợp tác xã. Theo đó, hằng tháng, họp định kỳ trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chị em hội viên được nâng cao kiến thức về trồng trọt, cách chăm sóc cây, kịp thời nắm bắt thông tin dịch bệnh, thiên tai… chanh trồng được mùa, kinh tế gia đình khấm khá hơn. Ai cũng phấn khởi!

Với định hướng phát triển kinh tế của huyện Phong Điền theo hướng đô thị sinh thái, HTX Hoa kiểng Tân Long A, xã Tân Thới thành lập phù hợp điều kiện địa phương. Nhờ trồng hoa Tết hầu hết hộ gia đình xã viên của HTX Hoa kiểng Tân Long A thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Anh Trần Văn Hưng, xã viên HTX Hoa Kiểng Tân Long A, cho biết: Tham gia HTX, anh được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, đồng thời có đầu ra ổn định. So với nhiều loại cây trồng khác, trồng hoa kiểng đem lại hiệu quả cao hơn, trong khi diện tích đất sản xuất không cần quá nhiều. Qua mỗi vụ hoa kiểng Tết, lợi nhuận anh thu được hơn 150 triệu đồng. Nhờ vậy, kinh tế gia đình được cải thiện, nhà cửa được sửa chữa khang trang hơn…

Hoạt động của HTX tại các địa phương huyện Phong Điền đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế nông thôn, thu nhập của thành viên và người lao động ổn định. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM. Ngoài ra, HTX còn tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội xây dựng hạ tầng nông thôn như: Làm đường bê tông, vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự… đây cũng chính là nền tảng kiến thiết NTM tại địa phương.

Phát huy kinh tế hợp tác

Trong xây dựng NTM, vai trò chủ thể chính là người dân. Sự liên kết giữa những người nông dân với nhau không chỉ là sự hợp tác đơn thuần, mà nó còn phát huy được mọi tiềm năng, thế mạnh của từng cá thể, góp phần làm cho quan hệ sản xuất ngày càng hoàn thiện hơn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở nông thôn. Thực tiễn xây dựng NTM ở Phong Điền thời gian qua cho thấy, thành phần kinh tế tập thể, chủ yếu là các HTX nông nghiệp nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố có tác động tích cực để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho người nông dân và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Song, theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, kinh tế tập thể chưa phát triển mạnh so với thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn ở quy mô nhỏ, chưa thực hiện phổ biến trên các loại hàng hóa nông sản…

Để kinh tế hợp tác ở Phong Điền phát triển, góp phần duy trì và nâng tầm huyện NTM, ngành nông nghiệp huyện Phong Điền quan tâm đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế hợp tác. Ông Nguyễn Út Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: Vừa qua, ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ HTX Trường Trung A, xã Tân Thới ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty Vườn trái Cửu Long và tiếp nhận chính sách hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ các thủ tục thành lập mới HTX nhãn Edor xã Nhơn Nghĩa. Ngành nông nghiệp tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng cây măng cụt, xoài, cây có múi, vú sữa, nhãn Edor, sầu riêng; thực hiện chương trình trợ giá giống cây trồng cho nông dân trên địa bàn. Đồng thời, tập huấn, vận động các HTX, tổ hợp tác áp dụng quy trình sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP, chuyển giao khoa học kỹ thuật… nâng cao giá trị sản xuất.

T. TRINH

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/kinh-te-hop-tac-tien-de-thuc-day-xay-dung-nong-thon-moi-a103260.html