Kinh tế hộ gia đình có cần thêm vòng kim cô?

Khi thời hạn để cán mốc 1 triệu doanh nghiệp đang tới gần, càng băn khoăn về những tính toán 'ép' hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp...

Chỉ vài năm gần đây, vai trò thực sự của khu vực kinh tế hộ gia đình mới được thừa nhận một cách đàng hoàng và công khai. Khi soi chiếu vào hoạt động của kinh tế tư nhân, bộ phận kinh tế đóng góp khoảng 40% GDP, số liệu năm 2015 chỉ rõ rằng, nhóm doanh nghiệp tư nhân chỉ thể hiện 7,88% GDP. Hơn 31% GDP được tạo nên nhờ sự lao động của các hộ gia đình, đồng nghĩa, đây mới thực sự là động lực phát triển của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Một điều dễ nhận thấy khác biệt là, tình trạng phá sản của doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, thậm chí số thành lập mới không bằng số phá sản, thì hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hộ gia đình lại tương đối ổn định. Khu vực kinh doanh này đang tạo ra việc làm cho khoảng 8 triệu lao động, tức là khoảng 16% số người trong độ tuổi lao động của Việt Nam tính tới hết năm 2018.

Hộ gia đình chưa mặn mà lên doanh nghiệp.

Hộ gia đình chưa mặn mà lên doanh nghiệp.

Về mức đóng góp, năm 2017, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước với 407,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,7% đóng góp của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, bằng khoảng 75% tổng mức đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI.

Trong khi đó, lao động ở khu vực tư nhân có thu nhập trung bình là 7,37 triệu đồng/tháng, thấp hơn tương đối nhiều so với đồng bạn làm việc cho nhà nước hoặc cho khối FDI với các mức thu nhập tương ứng là 11,91 triệu đồng/tháng và 9,04 triệu đồng/tháng. Nói một cách giản dị, khu vực kinh tế tư nhân với vai trò chủ đạo là kinh tế hộ gia đình đang làm nhiều, hưởng ít.

Lẽ dĩ nhiên, tư duy phải hỗ trợ để kinh tế gia đình phát triển và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế phù hợp cả về tình lẫn về lý.

Trên thực tế, khu vực đang gánh vác nhiều trọng trách này lại đang là nơi khó gõ cửa các nguồn lực tín dụng, chính sách nhất. Không phải ngẫu nhiên khi lời chào mời hộ kinh doanh lên doanh nghiệp lại là những ưu đãi về vốn vay, hỗ trợ về thông tin, quyền lợi về quảng bá hình ảnh, không bị thanh kiểm tra trong 1 năm… Dường như bàn tay quản lý nhà nước đang ân cần và ấm áp chìa cho kinh tế hộ gia đình những quyền lợi họ chưa từng được tiếp cận.

Về lý, không có lẽ nào bàn tay quản lý nhà nước lại bỏ qua thực thể kinh tế đang đóng góp vào GDP còn lớn hơn cả khu vực kinh tế nhà nước. Ở đây không chỉ là vấn đề quản lý nguồn thu ngân sách. Tưới nước, bón phân vào những cái cây với bộ rễ đang phát triển, có lá, có hoa, hứa hẹn tới ngày hái quả, thay vì chăm chắm lo lắng cho đám cây còi cọc, sống nay chết mai là lựa chọn đương nhiên. Cây có khỏe, quả có nhiều thì vụ mùa càng bội thu. Cứ căn theo những tính toán lạc quan, cuộc đầu tư này sẽ một vốn bốn lời.

Tiếc là, vẫn có những câu hỏi buộc phải giải đáp. Đầu tiên, vì sao từ trước tới nay chúng ta không ghi nhận sự chủ động, mặn mà lên doanh nghiệp của khu vực kinh tế hộ gia đình? Người Việt thuộc nằm lòng triết lý “con có khóc thì mẹ mới cho bú”, và khi điều này không được áp dụng, có thể hiểu, các ông chủ, bà chủ doanh nghiệp gia đình đã cân đếm thiệt hơn, không chấp nhận mạo hiểm theo cách ‘chưa được vạ thì má đã sưng’.

Rõ ràng, họ có lý. Mới đây, thanh tra TP.HCM đã làm việc với một doanh nghiệp để làm rõ phản ánh của doanh nghiệp này về việc bị thanh tra, kiểm tra 138 lần trong một năm. Dù có thừa nhận đây là một trường hợp cá biệt, khảo sát của VCCI năm 2017 cho biết, có đến 40% doanh nghiệp bị kiểm tra 2 lần mỗi năm. Lời hứa không thanh tra 1 năm có vẻ chưa đủ sức thuyết phục.

Kể cả khi chấp nhận sự quản lý sát sao này, khu vực kinh tế hộ gia đình vẫn phải đối diện với các khó khăn khác như vấn đề thuế, bảo hiểm xã hội cho người lao động, các loại quỹ đóng góp… Đặc điểm của kinh tế hộ gia đình là quy mô sản xuất nhỏ, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ, lao động kiểu tận dụng và giá lao động linh hoạt. Nếu bị siết bởi chiếc vòng kim cô như vậy, họ sẽ chỉ thấy hiện ra trước mắt toàn những điều bất lợi.

Đến đây, sẽ phải thẳng thắn đối diện với câu hỏi thứ hai, ngoài những đóng góp của khu vực kinh tế hộ gia đình, chúng ta đã hiểu rõ về họ? Sẽ rất phi lý khi đưa ra lời mời chào vay vốn ưu đãi tới những khách hàng không cần vay mượn vẫn có thể tồn tại và bản thân họ chưa hoặc không đặt tham vọng phát triển lên quy mô lớn hơn. Tương tự, quyền lợi quảng bá hình ảnh là vô nghĩa với những nhà kinh doanh đã có sẵn khách ruột cả chục năm trời. Có thể thấy, với cách thức kinh doanh hiện tại, những ưu đãi nói trên… tạm thời vẫn chưa phải là nhu cầu cấp thiết.

Vậy thì khu vực kinh tế hộ gia đình đang cần lực đẩy nào để có thể lớn mạnh hơn? Không thể giải đáp mối băn khoăn chính đáng này nếu không có một nghiên cứu đầy đủ và chi tiết về kinh tế hộ gia đình bao gồm quy mô, ngành nghề, đặc điểm thị trường, phương thức quản lý sản xuất kinh doanh, đặc điểm lao động và cách thức sử dụng lao động, tiềm năng phát triển trong tương lai và các thị trường ưu tiên…

Những dữ liệu thu thập được sẽ giúp phân chia khu vực kinh tế hộ gia đình thành các nhóm. Có thể tạm hình dung như sau: một là, nhóm hộ gia đình có thể tự tồn tại, giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho lao động tại địa phương, không nên đặt ra vấn đề quản lý cũng như hỗ trợ họ; hai là, nhóm hộ gia đình sản xuất theo mùa vụ, thị trường hạn chế; ba là, nhóm hộ gia đình có sản phẩm tốt, có thể tiếp cận nhiều thị trường.

Khi đã nhìn rõ họ là ai, họ cần gì, mới có thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ phù hợp, cần vốn thì rót vốn, cần giúp về kỹ năng quản lý thì hướng dẫn họ... Việc lên hay không lên doanh nghiệp cũng phải là lựa chọn của chính họ, dựa trên những tính toán rõ ràng và đương nhiên, phải có lợi cho con đường kinh doanh của khu vực kinh tế đặc biệt này.

Tiếp cận theo cách này, sẽ không thể khẳng định nền kinh tế sẽ cán mốc 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 hay 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Thay vào đó, khi hộ cá thể quyết trở thành doanh nghiệp, họ đã có đủ năng lực và trợ lực. Chúng ta có thể mơ về viễn cảnh khu vực kinh tế tư nhân được tiếp sức bởi những nhân tố mới sẽ vững chãi và dày thêm nội lực. Xét tới cùng, nền kinh tế Việt Nam vẫn cần chất nhiều hơn là cần lượng.

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/kinh-te-ho-gia-dinh-co-can-them-vong-kim-co-3385565/