Kinh tế hậu Covid-19: Indonesia có thật sự hấp dẫn các 'đại bàng' Mỹ?

Tin bổ sung từ báo giới Indonesia làm rõ hơn về câu chuyện Indonesia đã nhanh tay 'dọn sẵn' 4.000 hecta đất đón 27 công ty Mỹ nằm trong diện di dời sản xuất từ Trung Quốc.

Cơ sở hạ tầng yếu là một trong những vấn đề khiến Indonesia kém hấp dẫn. Trong ảnh là tình trạng tắc đường tại một đường cao tốc ở Brebes, tỉnh Trung Java.

Thực tế đến nay chưa có thông tin chính thức về việc công ty nào sẽ dọn tới 4.000 hecta đất nêu trên, cũng chưa bên nào chính thức xác thực thông tin. Sự việc mới chỉ dừng lại ở các “câu truyện truyền thông”, trong khi đại dịch Covid-19 lại đang làm khó Indonesia khi làm hé lộ những hạn chế về môi trường đầu tư của quốc gia Đông Nam Á này.

Tại Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với thương mại và đầu tư quốc tế, đi ngược lại tính liên kết vốn rất quan trọng đối với các chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là lý do khiến các tổ chức quốc tế liên tục đưa ra các dự báo không tươi sáng, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mới đây dự báo, thương mại quốc tế sẽ giảm từ 13%-32%; Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo FDI sẽ giảm 40%...

Dĩ nhiên, những thách thức này sẽ gây đặc biệt khó khăn đối với một quốc gia như Indonesia đang phải vật lộn để thu hút vốn FDI và vốn đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước khi Covid-19 bùng phát, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy các tập đoàn tìm kiếm các địa điểm kinh doanh thay thế để tránh gia tăng thuế quan. Tiếp đó, dịch Covid-19 bùng phát gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các công ty đa quốc gia chịu áp lực hơn khi nhận ra phải sớm xúc tiến đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc.

Các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Trung Quốc đang khuyến khích các tập đoàn hồi hương, trong đó, Mỹ đang cân nhắc khả năng chi trả các chi phí hồi hương, Hàn Quốc đang cung cấp khoản vay trị giá hơn 3,6 tỷ USD, Nhật Bản đang phân bổ gói cứu trợ trị giá khoảng 2 tỷ USD cho để giúp các công ty về nước.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia có xu hướng muốn chuyển dịch các cơ sở ở Trung Quốc sang Đông Nam Á, nơi có nguồn lao động dồi dào và chi phí đầu tư thấp. Các báo cáo cho thấy Apple và Google đang thăm dò địa điểm thay thế tại Việt Nam và Thái Lan.

Tốc độ hay chất lượng cải cách?

Sự chuyển hướng chuỗi giá trị toàn cầu như vậy lẽ ra là một tin được hoan nghênh với Indonesia. Tuy nhiên, so với các nước láng giềng, Indonesia hiện bị đánh giá tương đối kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng thống Indonesia Joko Widodo gần đây đã đệ trình dự thảo luật “Tạo việc làm” trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, dự luật khó có thể sớm giải quyết các vấn đề nút thắt, khiến Indonesia có thể bỏ lỡ các cơ hội đầu tư toàn cầu.

Do những hạn chế đối với FDI, tiêu biểu là danh sách các lĩnh vực không khuyến khích đầu tư, gần như đóng cửa hoặc giới hạn trần sở hữu đối với các nhà đầu tư quốc tế. Cơ sở hạ tầng yếu, chi phí lao động cao, quy định đầu tư kém minh bạch và rườm rà… đang là những yếu tố khiến Indonesia bị “bỏ qua” bởi phần lớn trong số 33 công ty niêm yết của Trung Quốc đang tìm kiếm địa điểm kinh doanh thay thế vào năm 2019.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá bối cảnh pháp lý phức tạp, với số lượng lớn các quy định ở cấp bộ, địa phương, ngành và sự mâu thuẫn giữa những quy định này ở Indonesia là một yếu tố gây trở ngại chính với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện có gần 15.000 quy định cấp bộ ở Indonesia, 95% trong số đó được ban hành kể từ năm 2010. Mỗi tỉnh, thành phố và từng ngành cũng có thể ban hành quy định riêng. Khi thoát khỏi "mê cung" quy định chính này, các nhà đầu tư cần phải xin thêm nhiều giấy phép con khác ở cấp quận/huyện.

Trong khi đó, dự thảo Luật do Chính phủ Tổng thống Jokowi đề xuất nhằm thu hồi hoặc sửa đổi hơn 1.200 điều khoản trong 79 luật được xem là trở ngại chính đối với các nhà đầu tư. Dự luật gồm nhiều sửa đổi, từ vấn đề lao động, môi trường đến thủ tục cấp phép nhằm gửi tín hiệu tích cực đến cộng đồng đầu tư. Tuy nhiên, các nội dung của dự luật đang bị đặt ra câu hỏi về mục tiêu đơn giản hóa.

Trước tiên, dự luật cắt giảm mức độ điều tiết cao nhất là bản thân luật do các bộ ban hành. Trong khi những trở ngại trong “mê cung quy định” thực sự không nằm ở cấp bộ.

Thứ hai, trong hệ thống pháp luật của Indonesia, việc thay đổi một điều khoản trong luật không tự động làm mất hiệu lực các quy định đã thực hiện của nó, mà có nguy cơ chồng chéo giữa các quy tắc cũ và mới.

Thứ ba, dự luật đề ra một mốc thời gian lập pháp và chính trị đầy tham vọng. Hàng trăm điều chỉnh và dự thảo phải được thực hiện trong vòng một tháng kể từ khi dự luật được thông qua, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng chung của các điều khoản cần sửa đổi.

Ngoài ra, dự luật vẫn chưa giải quyết quy định hiện đang là gánh nặng cho doanh nghiệp như trợ cấp cho người lao động lên đến 32 tháng nếu bị thôi việc.

Trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch Covid-19 với yêu cầu cải cách, tạo dựng môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi, Chính phủ Indonesia cần cân nhắc giữa tốc độ và chất lượng cải cách. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là áp lực phục hồi kinh tế nhanh chóng sau dịch bệnh. Chính phủ Indonesia không nên coi dự luật là mục tiêu cuối cùng của cải cách, mà là động lực khởi đầu để thúc đẩy mở cửa nền kinh tế trong tương lai.

(theo Straits Times, EastAsiaForum)

Khánh Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-hau-covid-19-indonesia-co-that-su-hap-dan-cac-dai-bang-my-116862.html