Kinh tế di sản

Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Trong số di tích quốc gia có 105 di tích quốc gia đặc biệt và 8 di sản thế giới. Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta có một 'sản nghiệp văn hóa' phong phú nhưng lại chưa có được một nền kinh tế di sản tương ứng?

Biểu diễn Đờn ca tài tử trên sông. Ảnh: CTV

Biểu diễn Đờn ca tài tử trên sông. Ảnh: CTV

Mặc dù, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, với tổng doanh thu năm 2018 đạt khoảng 620.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, với môi trường du lịch còn nhiều bất cập, du lịch Việt Nam đang được xếp hạng trung bình về năng lực cạnh tranh. Bởi, du lịch nước ta vẫn chú trọng tăng về số lượng khách mà chưa tập trung vào những phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao cùng các giải pháp và chính sách phối hợp liên ngành nhằm tăng chi tiêu cho khách.

Đáng lo ngại nhất là các di sản văn hóa chưa khai thác được hết thế mạnh để trở thành các sản phẩm du lịch đặc thù cho các điểm đến.Thực tế, hàng nghìn di sản thay vì trở thành động lực cho phát triển lại trở thành “gánh nặng”, khi hằng năm ngân sách Nhà nước và các địa phương phải bỏ ra hàng tỷ đồng để duy tu, bảo tồn...

Nhìn ra các quốc gia phát triển, du lịch văn hóa với điểm nhấn là các di sản văn hóa đã trở thành tác nhân làm tăng hiệu quả du lịch. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, khách du lịch văn hóa sử dụng trung bình 994USD mỗi chuyến đi so 611USD cho du khách du lịch giải trí khác. Ở Việt Nam, mới chỉ có phố cổ Hội An thành công trong định hướng đưa di sản trở về với cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng.

Vậy phải làm gì để di sản chuyển hóa thành động lực tăng trưởng của một vùng, địa phương, hay quốc gia?

Theo các chuyên gia, các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế di sản. Trước mắt, áp dụng thí điểm cho một số khu vực di tích, di sản, bảo tàng... tiêu biểu tại các khu vực thuận lợi trong xã hội hóa đầu tư. Các dự án kinh tế di sản phải kết hợp với các hoạt động đầu tư cho du lịch, các ngành kinh tế khác để gián tiếp đầu tư cho bảo tồn và khai thác di sản.

Chỉ khi chính quyền và người dân nhận thức đầy đủ về kinh tế di sản, xác lập các cơ chế, chính sách theo các nhóm và từng di sản cụ thể và bàn giao di sản cho cộng đồng có trách nhiệm quản lý, khai thác, chúng ta mới nhân rộng được các mô hình: “Mỗi di sản một quần cư”; “mỗi quần cư một sản phẩm”; “mỗi sản phẩm một cảnh quan”; “mỗi di sản một phong cách”; “mỗi sản phẩm một chuyên gia”. Từ đó hướng tới “mỗi di sản một doanh nghiệp”, “mỗi doanh nghiệp một cộng đồng” và liên kết nhóm di sản tương ứng với cộng đồng doanh nghiệp và dân cư sở tại.

Cùng với tái cơ cấu ngành du lịch, nhiệm vụ cấp bách lúc này là xã hội hóa hoàn toàn công tác bảo tồn và đưa kinh tế di sản vào chương trình phát triển mang tính phổ thông.Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân sẽ tìm các giải pháp phát triển kinh tế di sản của chính mình, thúc đẩy sáng kiến cộng đồng, chuyển hóa thành động lực phát triển kinh tế của đất nước.

Tin tưởng rằng, trong tương lai gần, kinh tế di sản sẽ là động lực tăng trưởng mới, tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế, nâng cao vị thế địa phương và quốc gia, hướng tới phát triển du lịch bền vững với yếu tố cốt lõi là sự tham gia của toàn xã hội, góp phần sớm đạt mục tiêu doanh thu từ du lịch đạt 45 tỷ USD vào năm 2025.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/kinh-te-di-san/