Kinh tế cuối năm cẩn trọng với thách thức

Với việc kinh tế 9 tháng năm 2018 tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, GDP 3 quý đầu năm nay được đánh giá đang có mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, quý III và 9 tháng năm 2018, nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Phân tích cụ thể các nhân tố chính đóng góp cho tăng trưởng, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho rằng, động lực chủ yếu vẫn đến từ ngành chế biến, chế tạo với việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như điện tử, máy vi tính, quang học, xe động cơ...

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nông nghiệp và thủy sản cũng đạt mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2012 trở lại đây, khi thị trường tiêu thụ được mở rộng, thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định. Quá trình chuyển đổi theo hướng đầu tư vào sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã có kết quả tốt. Xét ở góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng, tích lũy và xuất khẩu đều phát triển tích cực.

“Tăng trưởng không chỉ cao mà chất lượng được cải thiện, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động ngày càng tăng. Nếu tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,7%, thì đóng góp của TFP là hơn 40%.

Điều này cho thấy đóng góp của khoa học công nghệ, quản lý được cải thiện hơn nhiều, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng“, ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khuyến cáo, trong quý IV và thời gian tới, nền kinh tế còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, tạo áp lực lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, lạm phát và sản xuất trong nước, nhất là khi nền kinh tế nước ta có độ mở tăng nhanh (9 tháng năm 2018 là 229,5%), nên dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động kinh tế thế giới.

Theo phân tích của ông Lâm, tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới kinh tế Việt Nam theo cả hai chiều thuận lợi và không thuận lợi. Việc Mỹ đánh thuế lên thêm 200 tỷ USD vào các ngành hàng xuất khẩu của Trung Quốc chắc chắn ảnh hưởng tới Việt Nam bởi độ mở của nền kinh tế quá lớn.

“Hiện Việt Nam đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu, thứ 5 về quy mô thương mại với Mỹ. Nếu Mỹ mở rộng bảo hộ thương mại, leo thang căng thẳng với Trung Quốc, nhiều khả năng Việt Nam bị tác động tiêu cực.

Bởi Mỹ sẽ đưa ra nhiều rào cản và biện pháp bảo hộ về thuế, kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhằm hạn chế tối đa xu thế chuyển dịch và mượn nguồn gốc xuất xứ Việt Nam của hàng Trung Quốc vào Mỹ.

Dự báo, với sự mở rộng quy mô cuộc chiến, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ hiện nay như dệt may, điện tử, điện thoại, da giày sẽ chịu tác động không mong muốn, có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng các ngành này“, ông Lâm khuyến cáo.

Bên cạnh đó, xung đột Mỹ - Trung sẽ đẩy mạnh xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang nước khác.

Trong xu thế này, không loại trừ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc và cả các quốc gia khác sẽ tới Việt Nam, mang theo những công nghệ lạc hậu, dây chuyền thải loại gây ô nhiễm môi trường.

“Có một thực tế là các dự án FDI quy mô nhỏ đang ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều dự án có công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp, gây ảnh hưởng tới môi trường và cả chất lượng sản phẩm. Cần ngăn chặn dòng đầu tư nước ngoài chất lượng thấp này, nhất là ở những dự án FDI quy mô dưới 1 triệu USD. Phải sàng lọc, không thu hút đầu tư bằng mọi giá“, đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thách thức lạm phát gia tăng tuy chưa thực sự hiện hữu nhưng cũng cần theo dõi sát sao để có giải pháp điều hành kịp thời. Nhất là khi việc tăng giá xăng, dầu cũng như việc tăng thuế môi trường kịch trần với mặt hàng này sẽ có nguy cơ đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tác động của 2 đợt tăng giá xăng dầu và nhóm giáo dục khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước.

CPI quý III/2018 tăng 0,72% so với quý trước và tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2018, CPI biến động tăng dần từ mức 2,65% ở tháng 1, lên 3,97% trong tháng 9.

“Những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng chính trị khu vực Trung Đông có thể khiến giá xăng dầu tăng, gây ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả trong cả nước. Do đó, các cơ quan quản lý cần kịp thời thực hiện các giải pháp kiểm soát lạm phát“, ông Lâm khuyến nghị.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/kinh-te-cuoi-nam-can-trong-voi-thach-thuc-244067.html