Kinh tế cửa khẩu - Đổi thay nơi vùng biên xứ Lạng

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có mặt tại Lạng Sơn trong tiết trời se lạnh của miền biên ải. Đứng từ xa nhìn đoàn xe tải, container nối đuôi nhau xuất hàng nông sản sang nước bạn mới thấy được hết sự đổi thay trong chiến lược kinh tế cửa khẩu của vùng biên xứ Lạng hôm nay.

Hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: H.Nụ.

Phát huy thế mạnh

Với lợi thế là tỉnh biên giới, Lạng Sơn đã đặc biệt quan tâm đầu tư, nâng cấp các cửa khẩu trên địa bàn, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế cửa khẩu - vùng kinh tế động lực của tỉnh. Bằng các nguồn vốn khác nhau, những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để thúc đẩy hoạt động giao thương, XNK hàng hóa qua đây. Không chỉ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh đều được quan tâm đầu tư. Trong giai đoạn 2009 - 2018, ngân sách nhà nước đã bố trí trên 5.130 tỷ đồng để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu tại khu vực cửa khẩu và TP Lạng Sơn. Từ đó, có nhiều công trình quan trọng đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả như: Đường Cổng Trắng - Tà Lài (năm 2010); Trung tâm dịch vụ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đường Pác Luống - Tân Thanh; cổng cửa khẩu và nhà Kiểm soát liên hợp cửa khẩu Cốc Nam (năm 2013); đường Na Sầm - Na Hình (năm 2015); tòa nhà cửa khẩu Hữu Nghị (năm 2016), đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (năm 2017) và mới đây nhất- sự kiện công bố cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm (năm 2018) đã khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực của khu vực biên giới phía Bắc. Theo đánh giá của tỉnh Lạng Sơn, năm 2018 tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.881,3 triệu USD.

Trao đổi với chúng tôi ngay tại sảnh làm việc của tòa nhà cửa khẩu Hữu Nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) Lương Văn Thơ cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã có trên 1,4 triệu lượt người XNC, tăng 33% so với cùng kỳ. Đơn vị đã làm thủ tục cho 34.181 bộ tờ khai, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, lượng khách XNC và hàng hóa XNK tăng lên rõ rệt. Từ đầu năm 2018 đến nay, do quy định về hàng hóa XNK chính ngạch bắt buộc phải thực hiện qua cửa khẩu chính, cửa khẩu song phương, do đó, hàng nông sản xuất khẩu tăng đột biến. Cao điểm mùa thu hoạch nông sản, mỗi ngày, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tiếp nhận, làm thủ tục xuất khẩu từ 250 - 300 xe, tăng gấp ba lần so với những năm trước. Theo thống kê, lượng DN hoạt động XNK qua Hữu Nghị cũng tăng lên đáng kể, năm 2017 có 2.367 DN và 10 tháng đầu năm 2018 đã có hơn 1.500 DN.

Chia tay cửa khẩu Hữu Nghị, chúng tôi tới cửa khẩu Tân Thanh. Gần đến ngã ba Pác Luống, tuyến đường vận chuyển hàng hóa đấu nối từ cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) đến Khu Kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc) tại mốc 1088/2 - 1089 đang dần được hoàn thiện. Qua đó tạo thuận lợi cho hoạt động XNC, XNK hàng hóa qua địa bàn, tạo diện mạo mới cho khu cửa khẩu.

Nhớ lại cách đây gần 2 tháng (ngày 10/9) chúng tôi có mặt tham dự sự kiện công bố chính thức là cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm mới thấy được hướng đi của tỉnh Lạng Sơn trong quyết sách thu hút DN, đẩy mạnh kim ngạch XNK, qua đó giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước. Minh chứng rõ nét nhất, đó là số thu thuế từ hoạt động XNK của Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đến hết tháng 10/2018 đã đạt hơn 27 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, với việc chính thức trở thành cặp cửa khẩu song phương, triển vọng về một cửa khẩu lớn như cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang trở thành hiện thực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết, để thực hiện chương trình thay “áo mới” về hạ tầng cho hệ thống cửa khẩu trên địa bàn, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thu hút, tranh thủ các nguồn lực từ Nhà nước, tổ chức tài chính quốc tế và từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, kinh tế cửa khẩu được xác định là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời khẳng định vị trí của Lạng Sơn đối với sự phát triển của khu kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

CBCC Hải quan Cốc Nam kiểm tra mặt hàng hoa quả tươi XK Ảnh: H.Nụ.

Khai thác tối đa tiềm năng

Với lợi thế đường biên dài, có hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu chính và bảy cửa khẩu phụ, để phát triển kinh tế cửa khẩu, ông Nguyễn Công Trưởng cho biết: Bên cạnh việc mở rộng, thiết lập các lối mở và cửa khẩu phụ nhằm khai thông hoạt động thương mại giữa cư dân biên giới hai nước, UBND tỉnh Lạng Sơn còn thực hiện nhiều chính sách “mở”, nhờ đó các cửa khẩu của Lạng Sơn ngày càng phát huy hiệu quả tiềm năng, vị thế của mình. Đặc biệt, thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư kết hợp với nguồn vốn do ngân sách cấp phát, đến nay kết cấu hạ tầng của các KKT cửa khẩu đã có những thay đổi rõ nét, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế đối ngoại, hội nhập khu vực và thế giới.

Và với sự đầu tư đồng bộ của tỉnh, vào thời điểm này, toàn bộ cửa khẩu đã thực sự “thay da đổi thịt”. Hiện có tới hàng trăm DN XNK qua cửa khẩu. Cùng với đó, toàn bộ hệ thống dịch vụ cửa khẩu đều hướng đến phục vụ DN.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế cửa khẩu của Lạng Sơn vẫn còn những hạn chế, một số cơ chế chính sách thu hút vào KKT không còn phù hợp với thực tế hiện nay, chất lượng quy hoạch, tiến độ thực hiện, xây dựng kết cấu hạ tầng còn chậm khiến cho hướng đi kinh tế cửa khẩu chưa phát huy được hết tiềm năng.

Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động XNK qua các cửa khẩu của tỉnh chưa ổn định, phía Trung Quốc thay đổi chính sách biên mậu thường xuyên như giờ giấc làm việc để thông quan, chưa bố trí đầy đủ lực lượng để làm việc tại các cặp chợ, lối mở; các địa điểm giao nhận hàng hóa cũng luôn thay đổi… Cùng với đó là những tồn tại như: Việc một số chính sách ưu đãi đối với KKT cửa khẩu không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; chất lượng một số quy hoạch không cao, thiếu đồng bộ nên triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc, bất cập phải điều chỉnh; hệ thống cơ sở hạ tầng tuy đã được tập trung đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu…

Ngay tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lạng Sơn (ngày 24/9), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với vị trí địa kinh tế và quốc phòng - an ninh quan trọng ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, nhưng nhiều năm qua, Lạng Sơn phát triển chưa xứng tầm. Trong đó, thu ngân sách mới đảm bảo được 20% chi, một phần nguyên nhân là hạ tầng giao thông trong đó có cả các trục chính và ở vùng sâu, vùng xa chưa được tập trung đầu tư. Vì vậy, giao thông kém là khó khăn lớn nhất đối với các tỉnh như Lạng Sơn.

Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tỉnh Lạng Sơn phải cần chú trọng phát triển kinh tế biên mậu gắn với phát triển thương mại, logistics và nông, lâm nghiệp của miền núi, vùng cao, vùng nông thôn. Trong đó, cần phát triển dịch vụ thương mại biên giới, dịch vụ logistic, XNK hàng hóa thông qua các cửa khẩu chính ngạch.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kinh-te-cua-khau-doi-thay-noi-vung-bien-xu-lang.aspx