Kinh tế châu Á: Đối diện tăng trưởng âm

Lần đầu tiên kể từ năm 1962, nền kinh tế châu Á đối diện với tăng trưởng âm (dự báo -0,7%) trong năm 2020. Đây là nhận định được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ra những tác động chưa từng có đối với lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu ở khu vực này.

Xuất khẩu ô tô của Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Đánh giá trên giảm mạnh so với dự báo tăng 0,1% được chính ADB đưa ra hồi tháng 6-2020. Theo định chế tài chính này, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực và nguy cơ các đợt bùng phát dịch bệnh vẫn tiếp tục gây áp lực lên nhiều nền kinh tế. Suy thoái ở các nước đang phát triển tại châu lục lan rộng hơn các cuộc khủng hoảng trước đó với khoảng 75% số nền kinh tế có xu hướng sụt giảm trong năm nay.

Trên thực tế, lĩnh vực dịch vụ của châu Á đang chịu tác động trực tiếp do các chính sách giãn cách xã hội, buộc người dân phải ở nhà còn các cửa hàng phải ngừng hoạt động. Mới đây, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng -4,7% trong tài khóa 2020 (kết thúc vào cuối tháng 3-2021), chủ yếu do tác động của dịch Covid-19. Tại Ấn Độ, nơi các lệnh phong tỏa làm ngưng trệ chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo sẽ thu hẹp 9% trong năm tài chính 2020. Trong khi đó, một số nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại và du lịch sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm ở mức hai con số.

Các cường quốc xuất khẩu của khu vực cũng đang phải hứng chịu nhu cầu hàng hóa giảm sút từ các đối tác thương mại chính, trong đó có Mỹ và các nước châu Âu. Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothammatas, hoạt động xuất khẩu gạo của nước này bị ảnh hưởng nặng nề khi đại dịch khiến một trong những tập đoàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới là Phoenix Commodities sụp đổ. Sự cố đó tác động tới hầu hết các nhà xuất khẩu gạo ở Thái Lan vì tập đoàn này là đối tác thương mại của rất nhiều nhà cung cấp. Do đó, triển vọng về xuất khẩu gạo của xứ Chùa vàng trong nửa cuối năm 2020 bị đánh giá là ảm đạm.

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản cũng đang chứng kiến đà giảm mạnh nhất trong hơn 10 năm qua. Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, từ tháng 4 tới nay, xuất khẩu của nước này liên tục giảm ở mức trên 21%. Xuất khẩu sang Mỹ, thị trường chủ chốt của xứ Hoa anh đào giảm 50%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3-2009. Xuất khẩu sang thị trường châu Á, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 12% và con số này sang thị trường châu Âu giảm 33,8%.

Để ngăn chặn đà lao dốc của nền kinh tế, nhiều quốc gia châu Á đang nỗ lực tung ra nhiều gói kích thích và xây dựng chiến lược hồi phục cho giai đoạn hậu Covid-19. Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều chính phủ đang cố gắng duy trì ổn định bằng các gói kích thích tài chính trị giá tới 20% GDP. Những quốc gia là đối tác quan trọng của nhau đã cùng xây dựng bộ quy tắc đi lại trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn nhằm thúc đẩy hợp tác.

Ông Changyong Rhee, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, tác động của dịch bệnh đối với châu Á sẽ rất nghiêm trọng, diễn ra trên toàn khu vực và chưa từng có tiền lệ. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách của châu lục cần hỗ trợ trực tiếp những hộ gia đình và công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 cũng như cần cung cấp thanh khoản dồi dào cho thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết tình trạng căng thẳng tài chính. Ngoài ra, việc tìm kiếm sự hỗ trợ nguồn vốn từ các thể chế đa phương cũng là bước đi được nhiều nhà kinh tế đề xuất. Các chuyên gia nhận định, châu Á cần tận dụng mọi công cụ chính sách để ứng phó với tình hình hiện nay.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/978727/kinh-te-chau-a-doi-dien-tang-truong-am