Kinh tế biển và chủ quyền quốc gia

L.T.S: Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km với hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Xây dựng, khẳng định thương hiệu biển là động lực không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế biển mà còn bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

"BIỂN BẠC" BAO LA

Có theo ngư dân ra khơi đánh bắt mới thấy rõ giá trị của kinh tế biển mang lại cho người dân miền Trung

Qua rằm, không khí ở khu neo đậu phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu tất bật. Các tàu câu cá ngừ đại dương (cá bò gù) xếp hàng lấy dầu, hàng hóa, đá lạnh, chuẩn bị cho chuyến biển mới.

Đi săn "xe tăng biển"

Vừa lái con tàu dài 16,5 m, 450 mã lực mang số hiệu KH-99766-TS vào bờ để lấy hàng, thuyền trưởng Trần Khắc Thạch (40 tuổi, ngụ TP Nha Trang) kể cho chúng tôi nghe về nghề câu cá ngừ đại dương. "Nghề này xuất phát ở Phú Yên khoảng 30 năm nhưng lại phát triển mạnh ở Khánh Hòa. Tỉnh bây giờ có cả trên 1.000 tàu câu bò gù đấy" - thuyền trưởng Thạch nói.

Chúng tôi theo tàu KH-99766-TS ra khơi. Sau hai ngày vượt sóng, máy định vị chỉ độ sâu mực nước 1.300 m, thuyền trưởng Thạch hạ lệnh thả bù chuẩn bị buông câu. "Đây chưa phải là độ sâu lý tưởng để đón các đàn cá ngừ di chuyển, nó phải là 2.000 m. Nhưng mùa này cá thường theo dòng nước về hướng Nam nên mình đón lõng ở đây" - thuyền trưởng Thạch nói.

Sau khi cơm nước, kiểm tra lại toàn bộ cần, dây câu, trời sụp tối, thuyền trưởng Thạch hạ lệnh bật đèn. Những bóng đèn cao áp từ nóc tàu chiếu thẳng xuống mặt biển. Chưa đầy 10 phút, những đàn cá nhỏ như cá cơm, cá nục, cá ồ từ đâu kéo đến. Thuyền trưởng Thạch cho biết những chú bò gù sẽ theo những đàn cá nhỏ này để kiếm ăn và đấy mới là con mồi các thợ săn tìm kiếm.

Khi thấy các đàn cá nhỏ đủ đông, thời gian cũng đủ cho các chú bò gù tìm đến, thuyền trưởng Thạch ra lệnh buông cần. Những cần câu được làm bằng thân tre, thả sâu lưới câu đã móc sẵn mực tươi (mồi ưa thích của cá ngừ đại dương) xuống biển. Sau vài phút im lặng, bỗng chiếc phao câu to như nồi cơm điện đặt trên mạn thuyền bị kéo, đập mạnh xuống mặt nước. "Dính rồi" - thuyền viên Đỗ Văn Ủy reo to rồi mang nhanh găng tay, dìu cá vào gần tàu. "Nó mạnh như xe tăng ấy nên anh em hay gọi đùa là xe tăng biển. Mình phải biết nhu, cương đúng lúc, chứ ra sức kéo nó vào là kéo không lại đâu. Không khéo lại hỏng ăn" - "thợ săn" Ủy giải thích.

Sau gần 30 phút vật lộn, cuối cùng chú bò gù nặng chừng 70 kg cũng được đưa lên tàu. Đêm ấy, chúng tôi câu được 5 chú bò gù.

Gần sáng, trước khi xếp cần, thuyền trưởng Thạch đưa vợt xuống mặt biển, nơi đàn cá nhỏ đang tụ hội, xúc lên gần 10 ký cá, mực các loại. Những con cá tươi ngon giữa biển khơi được cho ngay vào nồi cháo to đang sôi để bạn thuyền ăn lấy sức. Chỉ đơn giản vậy thôi mà ngon đến kỳ lạ. Chưa bao giờ chúng tôi được ăn ngon như thế.

Theo tàu ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dươngẢnh: HOÀNG THANH

Theo tàu ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dươngẢnh: HOÀNG THANH

Đánh lộng vùng cá cơm nổi tiếng

Sau 2 tuần lênh đênh theo tàu câu cá ngừ đại dương, lần này chúng tôi không đi khơi xa mà theo ngư dân ra lộng để biết về nghề lưới vây.

Hòn Yến thuộc xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên không chỉ là thắng cảnh cấp quốc gia mà vùng biển này còn là nơi trú ngụ của loài cá cơm than nổi tiếng để làm mắm. Nước mắm Yến không nhiều nhưng nức tiếng cả nước nhờ loài cá cơm ngon ở đây.

Nghề lưới vây trong lộng thường dùng tàu nhỏ dưới 90CV để khai thác và cũng chỉ đánh bắt trong 1 đêm rồi về. Chúng tôi theo đoàn tàu 3 chiếc của gia đình ông Nguyễn Văn Tân (53 tuổi, ngụ xã An Chấn, huyện Tuy An) ra khơi. Trời chạng vạng tối, ông Tân nổ máy, lái chiếc tàu đầu tiên ra lộng. Đây là chiếc tàu dụ cá bằng ánh sáng với 12 bóng đèn cao áp gắn trên nóc. Hai tàu còn lại chất đầy lưới do 2 con trai của ông cầm lái chờ sẵn. Trong khi chờ đợi, những người trên tàu pha cà phê nhâm nhi để thức đêm. 21 giờ, chuông điện thoại reo. "Có rồi" - giọng ông Tân nói lớn vọng ra từ chiếc điện thoại cầm tay. Ngay lập tức 2 con trai vạm vỡ của ông Tân là Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Trung Cường lao ra, nổ máy tàu, chạy về hướng tàu ông Tân đang dụ cá.

Lúc cách tàu ông Tân chừng 400 m, 2 tàu dừng lại. Anh Hùng đưa cho người bên tàu anh Cường 1 đầu lưới, còn tàu mình giữ 1 đầu, 2 tàu vừa chạy chậm, vừa thả lưới để bao vây đàn cá. Cứ thế, vòng tròn lưới được thắt chặt dần. Đến khi vòng tròn ấy còn lại khoảng 1/4 sân vận động, trời cũng bắt đầu hửng sáng. Đến khi vòng lưới còn chừng 100 m2, các ngư dân nhanh tay túm lại, anh Cường dùng vợt xúc cá lên tàu. 1 vợt, 2 vợt, đến gần 25 vợt vẫn chưa hết cá. Những con cá cơm than mập tròn, óng ánh bạc giãy giụa trên boong tàu nhìn thật đã mắt. Xúc đến vợt 34 mới hết cá. "Đêm nay hơn 600 ký chứ chẳng chơi. Vậy là ngon rồi. Về thôi các con" - ông Tân nói trong niềm phấn khích.

Tàu cập bờ, những chủ lò mắm đã đợi sẵn. Họ chuẩn bị cả nước biển lấy từ khơi về để rửa cá, muối mắm. Với giá 32.000 đồng/kg, ông Tân tính nhẩm khoảng 19 triệu đồng cho đêm lưới vây nhà mình.

Có theo ngư dân ra khơi đánh bắt mới thấy rõ giá trị của kinh tế biển mang lại cho người dân ven biển miền Trung.

Nâng đẳng cấp cá ngừ Việt Nam

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nhật Bản hiện là một trong 8 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam, đặc biệt là cá ngừ đại dương, với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 54 triệu USD vào năm 2012. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản giảm mạnh mà một trong những nguyên nhân chính là do chất lượng cá sau khai thác giảm. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng cần chuyển đổi phương thức sản xuất để "đẳng cấp" cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam được nâng lên.

Hồng Ánh - Hoàng Thanh - Đình Thi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/kinh-te-bien-va-chu-quyen-quoc-gia-20190721225405591.htm