Kinh tế biển phải phát triển tương xứng với tiềm năng

"Các cấp ngành, đơn vị, địa phương cần xác định rõ những vướng mắc, hạn chế, tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế biển phát triển tương xứng với tiềm năng". Đó là ý kiến của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa tại cuộc họp nghe và cho ý kiến vào báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: K.L

Chiều 16/5, UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến vào báo cáo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện chương trình, hành động Nghị quyết TW4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành, thị

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của BCH TW đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam được BCH đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVI cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 16/NQ/TU ngày 12/12/2007 với mục tiêu nâng cao mọi mặt đời sống kinh tế văn hóa của cư dân vùng ven biển với bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tái tạo và phát triển các nguồn tài nguyên, đảm bảo sự phát triển vững về KTXH và môi trường, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Đại diện lãnh đạo Sở KH&ĐT trình bày dự thảo báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 ( khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam. Ảnh: K.L

Qua 10 năm thực hiện, kinh tế vùng biển chuyển dịch đúng hướng và phát triển khá toàn diện với đầy đủ các ngành nghề. Trong đó có nhiều ngành có ý nghĩa động lực đối với sự phát triển (như du lịch biển, khai thác, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản, dịch vụ cảng…), có đóng góp lớn trong GDP của tỉnh (tăng từ 49,83% năm 2006 lên 51,33% năm 2016).

Biển Cửa Lò thu hút đông đảo du khách đến nghỉ dưỡng dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5. Ảnh tư liệu

Riêng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vùng ven biển với doanh thu tính riêng năm 2016 đạt 3.630 tỷ đồng, tăng bình quân 15,49% hàng năm. Tỷ trọng khách du lịch đến vùng biển chiếm khoảng 80% tổng du khách đến Nghệ An.

Khai thác hải sản đánh bắt xa bờ phát triển mạnh nhất là khi triển khai thực hiện Nghị định 67 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2014 mới chỉ có 01 tàu tham gia khai thác vùng biển Hoàng Sa thì đến 2016 đã có 33 tàu. Ngân sách tỉnh trong 2 năm 2015 và 2016 đã hỗ trợ đóng mới tàu cá công suất máy chính từ 400CV trở lên với số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Tấp nập tàu cá về Lạch Quèn. Ảnh tư liệu

Kết cấu hạ tầng kinh tế vùng biển được tập trung cao, giao thông trục chính cơ bản đã phủ kín. Bên cạnh nâng cấp cảng Cửa Lò đảm bảo tàu 3 vạn tấn vào ra thuận lợi, tỉnh đã và đang tập trung thu hút đầu tư xây dựng cụm cảng Đông Hồi, cảng nước sâu Cửa Lò, cảng xi măng Vissai và nhiều công trình đường bộ khu vực ven biển trong đó có đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường ven biển...

Hệ thống hạ tầng đô thị ven biển phát triển nhanh ( TP Vinh được nâng cấp đô thị loại I; Cửa Lò được công nhận đô thị du lịch biển; thành lập thị xã Hoàng Mai…); quốc phòng - an ninh vùng biển, ven biển được tăng cường và giữ vững.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội vùng ven biển có nhiều tiến bộ. Thông qua các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội, số lao động vùng biển và ven biển được giải quyết việc làm hàng năm ngày càng tăng, bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 12.000 -13.000 người/năm.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất về các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chiến lược biển Việt Nam .

Đại diện thị xã Hoàng Mai cho rằng để thúc đẩy các hoạt động kinh tế vùng biển, ven biển nên có sự đầu tư tập trung chứ không nên đầu tư dàn trải, ngoài ra cần quan tâm vấn đề ô nhiễm các vùng nuôi trồng thủy sản như vùng nuôi tôm.

Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu nêu ý kiến: Trong chiến lược biển cần chỉ rõ mũi nhọn để tập trung các giải pháp thực hiện, trong đó nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế biển, trong đó du lịch biển. Còn phía đại diện Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An kiến nghị trong báo cáo cần có sự đánh giá rõ hơn tồn tại, hạn chế trong đảm bảo môi trường biển vì đây là nội dung quan trọng trong thực hiện chiến lược biển. Đồng thời quan tâm đến vấn đề tuần tra, kiểm soát an ninh trên biển...

Liên quan đến thực hiện Nghị định 67, đại diện lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện những vấn đề còn vướng mắc để hỗ trợ người dân (cụ thể sớm ban hành sửa đổi thời gian thực hiện Nghị định 67 và tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm đổi với các chủ tàu cá).

Dự án khách sạn Vinpearl Cửa Hội (Cửa Lò) cơ bản đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Ảnh tư liệu

Kết luận tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa nhấn mạnh vùng biển, ven biển giữ vị trí quan trọng không chỉ riêng với Nghệ An mà cả khu vực Bắc Trung bộ, là cầu nối thực hiện các hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế. Vì vậy để tiếp tục thực hiện tốt hơn Nghị quyết trung ương 4 ( Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, các ngành, đơn vị cần đi sâu vào các lĩnh vực nhất là những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách; xác định rõ những vướng mắc, hạn chế, tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế biển phát triển tương xứng với tiềm năng, nhất là các vấn đề liên quan đến thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về phát triển thủy sản.

Về phía tỉnh sẽ kiến nghị đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ về các cơ chế áp dụng phù hợp để thực hiện chiến lược biển trong tình hình mới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở KH&ĐT- cơ quan chủ trì tiếp thu các ý kiến đóng góp, tổng hợp hoàn chỉnh báo cáo trước khi trình UBND tỉnh, BTV Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy xem xét.

Vùng biển và ven biển Nghệ An gồm 06 huyện, thành, thị ( thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc) với bờ biển dài 82km, dân số 1.226 triệu người, chiếm 39,9% toàn tỉnh. Diện tích tự nhiên 1.389,7km2 chiếm 8,45% cả tỉnh, diện tích vùng biển 4.239 hải lý vuông. Tiềm năng tài nguyên vùng biển, ven biển khá đa dạng, phong phú.

Khánh Ly

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201705/kinh-te-bien-phai-phat-trien-tuong-xung-voi-tiem-nang-2808851/