Kinh tế biển đóng góp quan trọng vào GDP cả nước

Theo ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường, biển, đảo Việt Nam có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Cụ thể, Việt Nam nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á với vùng biển rộng gấp khoảng 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền. Trong đó, có hơn 3.000 hòn đảo lớn, bãi đá ngầm lớn, nhỏ, gần và xa bờ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên vùng biển Việt Nam, đến nay đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Ngoài ra, còn có 1.300 loài trên các hải đảo. Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế với sản lượng thủy sản khai thác của cả nước đạt trên 3 triệu tấn.

Về khoáng sản, biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau. Trong đó, ngoài dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa, nước ta còn có tiềm năng băng cháy (bao gồm khí hydrocarbon và nước) - loại hình tài nguyên mới của thế giới. Vùng ven biển chứa đựng tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như titan, zircon, thiếc, vàng, sắt, mangan, thạch cao, đất hiếm,...

Về phát triển du lịch biển, hiện đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch phát triển mạnh, hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế ven biển, thúc đẩy khai thác tiềm năng, lợi thế biển. Việt Nam cũng đã hình thành 3 trung tâm du lịch biển có sức hút với khách quốc tế gồm: vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với những cơ sở lưu trú hiện đại 4-5 sao, có thể đón những đoàn khách đến nghỉ dưỡng và phát triển du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo).

Một lợi thế quan trọng khác là vùng biển Việt Nam thuộc biển Đông - một trong những con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Năng lực vận tải biển của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong ASEAN và thứ 30 trên thế giới với hơn 1.500 tàu biển các loại. Dịch vụ logistics Việt Nam hiện xếp thứ 64/160 về mức độ phát triển và đứng thứ 4 trong ASEAN (theo đánh giá năm 2016 của Ngân hàng Thế giới). Đến nay, Việt Nam đã ký hiệp định hàng hải thương mại với 26 quốc gia. Việt Nam đã phát triển được 30 cảng biển với 166 bến cảng, 350 cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 45.000 m; xây dựng 18 khu kinh tế ven biển...

"Cần phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế bờ biển trải dài qua 28 tỉnh, thành để tạo xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Thùy Dương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/kinh-te-bien-dong-gop-quan-trong-vao-gdp-ca-nuoc-20190721225502266.htm