Kinh tế ASEAN tiếp tục suy giảm tăng trưởng do ảnh hưởng Covid-19

Sau những ảnh hưởng nặng nề từ nửa cuối năm 2019 do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, kinh tế Nhật Bản trong Quý 1/2020 tăng trưởng âm 1,9% do những ảnh hưởng bất lợi mới của COVID-19.

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản Quý 2/2020 suy giảm. Theo đó, chỉ số bán lẻ bắt đầu hồi phục vào tháng Năm, đạt mức 90,6 sau khi chạm đáy 88,7 trong tháng Tư. Chỉ số sản xuất công nghiệp ở mức 79,1 trong tháng Năm.

Trên thị trường lao động, tỷ lệ tổng số việc làm cần tuyển trên số ứng viên xin việc giảm xuống còn 1,2 trong tháng Năm. Trong khi đó, lạm phát giảm mạnh trong Quý 2. Lạm phát toàn phần giảm xuống còn 0,1% trong tháng Năm, lạm phát lõi ở mức 0,1%.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn giữ chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua việc đặt lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn (10 năm) ở mức khoảng 0%, với mục đích đạt mục tiêu lạm phát 2%.

Kinh tế ASEAN tiếp tục suy giảm tăng trưởng

Cũng theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong Quý 1/2020 tăng trưởng của nhóm nước ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Phillipines, Thái Lan và Việt Nam) tiếp tục suy giảm.

VEPR cho biết, kinh tế Indonesia vốn đã bị chèn ép do chịu ảnh hưởng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong những tháng đầu năm 2020, chi tiêu hộ gia đình sụt giảm do đại dịch, chỉ tăng trưởng 2,48% trong ba tháng đầu năm (so với 5,01% cùng kỳ năm trước), đầu tư sụt giảm (chỉ tăng trưởng 1,7% so với 5,03% cùng kỳ năm trước) cùng chi tiêu chính phủ tăng trưởng thấp (3,74%, so với mức 5,22%cùng kỳ năm trước) đã khiến tăng trưởng GDP giảm còn 3% trong Quý 1/2020.

Vào cuối tháng Ba, chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ chi tiêu thêm 24,8 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế năm 2020 thông qua các chương trình phục hồi kinh tế, chi cho y tế, trợ cấp xã hội, các ưu đãi thuế và tín dụng cho doanh nghiệp. Trong khi đó, Ngân hàng Indonesia cũng hạ 25 điểm cơ bản (bps) cho hàng loạt lãi suất điều hành.

Thống kê của VEPR cũng cho thấy, trong Quý 1/2020, tăng trưởng kinh tế của Phillipines âm 0,1% do tiêu dùng nội địa và đầu tư giảm vì COVID-19. Vào giữa tháng 3/2020, chính phủ Phillipines quyết định phong tỏa thủ đô Manila nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh khiến nền kinh tế bị đình trệ. Chính phủ tung gói hỗ trợ tài chính trị giá 526 triệu USD nhằm chống dịch và hỗ trợ người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực du lịch.

Vào tháng Năm, chính phủ nước này tiếp tục tung ra gói hỗ trợ tài khóa trị giá 11,9 tỷ USD cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Trong nửa đầu năm 2020, Ngân hàng trung ương Phillipines (BSP) đã ba lần hạ lãi suất điều hành (tổng cộng 125 bps) xuống mức 2,75% và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng thương mại xuống 12%. Đồng thời, BSP mua vào các giấy tờ có giá của chính phủ.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Thái Lan giảm mạnh trong Quý 1, xuống mức âm 1,8% do COVID-19 làm ảnh hưởng nặng nề đến du lịch thương mại quốc tế và sản xuất trong nước. Trong ba tháng đầu năm, Bộ Tài chính Thái Lan đã tung ra gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 3,17 tỷ USD nhằm hỗ trợ người lao động thu nhập thấp và người nghèo.

Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan đã thông qua quỹ ổn định trái phiếu doanh nghiệp (BSF) trị giá khoảng 3,2 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp không còn khả năng đảo nợ các khoản nợ trái phiếu đã đến hạn. Tính đến giữa tháng Sáu, nội các Thái Lan đã phê chuẩn gói tài khóa trị giá 46,8 tỷ USD cho việc chống đỡ nền kinh tế, đồng thời cắt giảm lãi suất điều hành xuống mức 0,5%.

Trong khi đó, đối với kinh tế Malaysia tăng trưởng thấp trong Quý 1/2020, ở mức 0,7%. Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm của ngành khai khoáng, nông nghiệp (đặc biệt là ngành khai tác dầu cọ) và ngành xây dựng. Trong ba tháng đầu năm, chính phủ Malaysia đã tung ra ba gói kích thích kinh tế với tổng trị giá 65 tỷ đô la Mỹ để chống lại ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vào tháng Sáu, gói hỗ trợ thứ tư được thông qua với trị giá xấp xỉ 5 tỷ USD trong các nỗ lực hỗ trợ tiền lương và hoãn giãn thuế cho doanh nghiệp.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/202007/kinh-te-asean-tiep-tuc-suy-giam-tang-truong-do-anh-huong-covid-19-cb82e05/