Kinh tế 9 tháng và những con số ấn tượng

Sáng 28/9, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức buổi họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng năm 2018.

Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu Quốc hội, nhất là những dấu ấn đậm nét của một số lĩnh vực, hoạt động quan trọng như xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, thu hút đầu tư nước ngoài, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đảm bảo vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện… là những điểm sáng của nền kinh tế.

Nhờ đó, GDP 9 tháng năm 2018 đạt 6,98% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 8 năm qua.

Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,5 tỷ USD, tăng 23,2% tăng so với cùng kỳ năm 2017. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

* Những con số ấn tượng

Sáng 28/9, tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng năm 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,61% và khu vực dịch vụ tăng 6,87%. Tăng trưởng quý III/2018 thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý III/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý III các năm 2011-2016 .

Tổng cục Thống kê chỉ ra, mức tăng GDP của quý III vừa qua cho thấy đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn được giữ vững. Đáng chú ý, khu vực nông lâm thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn từ 2012 - 2018, từng bước khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu ngành đã có hiệu quả.

Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,78%, mức tăng cao nhất trong 6 năm qua. Khu vực công nghiệp và xây dựng duy trì mức tăng khá.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là điểm sáng và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năng lực sản xuất của nền kinh tế được mở rộng, tạo đà cho kinh tế Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, lạm phát bình quân hiện ở mức tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm trước, thể hiện hiệu quả trong công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ, các bộ, địa phương.

Tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09%, tích lũy tài sản tăng 7,71% so với cùng kỳ; thanh khoản của tiền đồng Việt Nam trên toàn hệ thống tiếp tục được bảo đảm, hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định và thông suốt.

Đặc biệt, trong 9 tháng, cả nước có thêm 96.611 doanh nghiệp mới ra đời, tăng 2,8% về số lượng doanh nghiệp và tăng 6,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, có 52,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý IV. Tâm lý lạc quan và niềm tin vào tương lại kinh doanh đang gia tăng trong doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay là khoảng thời gian chứng kiến sự gia tăng ấn tượng về xuất khẩu. Cụ thể, nền kinh tế đạt kim ngạch xuất khẩu gần 188 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ.

Đây cũng là thực tế vượt xa mức chỉ tiêu đề ra từ đầu năm là tăng trưởng 10%. Đáng ghi nhận là, đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, duy trì chỗ đứng tại các thị trưởng quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN; mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước cũng như ngày càng khẳng định sức mạnh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Tiếp theo, cả nước đã thu hút khoảng 25,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 9 tháng, thể hiện sức vươn mạnh mẽ và cao hơn hẳn kết quả của nhiều năm trước.

Nguồn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam nhiều hơn do uy tín, nội lực của nền kinh tế ngày càng được tăng cường cũng như công tác cải cách, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư-kinh doanh đạt hiệu quả cao; từ đó có tác động thiết thực đối với giới đầu tư quốc tế.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,6% so với cùng kỳ cao nhất từ năm 2012 trở lại đây. Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng, với mức tăng 12,9%.

Tổng cục Thống kê cho rằng, nhiều năng lực sản xuất công nghiệp mới, hiện đại đang được bổ sung vào nền kinh tế, hứa hẹn sự gia tăng cả về tốc độ cũng như chất lượng của các ngành công nghiệp nói chung.

“Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm 2018”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

* Tìm giải pháp phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, một số lĩnh vực như đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, nông nghiệp và công nghiệp đã thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong 9 tháng qua. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, với thực tế, điều kiện và xu hướng như hiện tại, rất có khả năng nền kinh tế sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức 6,7% như kế hoạch đề ra; đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ khi kết thúc năm 2018.

Thủy sản là một trong 4 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất 9 tháng năm 2018. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Tuy vậy, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng không hẳn suôn sẻ hoàn toàn. Bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, tạo áp lực lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, lạm phát và sản xuất trong nước, đặc biệt nền kinh tế Việt Nam có độ mở tăng nhanh nên dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lũ..., dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

“Đặc biệt, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, là tiền đề cho các căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác; giữa nội bộ EU và các đồng minh của Mỹ, đồng thời với lợi thế cạnh tranh về giá, hàng Trung Quốc có thể gây sức ép đến thị trường Việt Nam”, ông Lâm nhấn mạnh.

Do đó, cần có sự quan tâm, tìm biện pháp phù hợp để ứng phó với thực trạng các nước dựng rào cản thương mại, áp dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế xuất khẩu của nước ngoài; trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới đang phức tạp, lại đứng ở mức cao nên chắc chắn sẽ gây bị động cho các nước nhập khẩu nhiên liệu…

Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ hệ thống tài khoản quốc gia cho rằng, trước mắt, cần kiên trì các biện pháp kiểm soát lạm phát, phản ứng linh hoạt trong điều hành tỷ giá, hoạt động tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; đồng thời, cần theo dõi thường xuyên và thúc đẩy thực hiện đầu tư công, hướng tới mức giải ngân cao nhất kết hợp với việc sớm đưa các công trình/dự án quan trọng, quy mô lớn vào hoạt động.

Bên cạnh đó, cần thực hiện, khuyến khích các doanh nghiệp tự giác liên kết, bảo đảm quan hệ cung-cầu và sự ổn định trên thị trường; gắn kết giữa sản xuất và phân hối, tiêu dùng.

Đặc biệt, Việt Nam cần chủ động đẩy mạnh hợp tác đa phương cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng mọi cơ hội để xuất khẩu.

Trong đó, có tính đến bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc diễn ra gay gắt để mở rộng quy mô xuất khẩu đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi từ vấn đề này, ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Việt Phong,, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê thì cho rằng, Chính phủ cũng nên tăng cường kêu gọi đầu tư nước ngoài, hướng vào các tập đoàn xuyên quốc gia, sẵn sàng đón nhận những dự án có công nghệ nguồn, công nghệ cao cũng như kiên quyết từ chối dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

Ngoài ra, cần rà soát; bổ sung và hoàn thiện thể chế; cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.

Một trong những giải pháp cũng được Tổng cục Thống kê đề nghị, đó là đẩy mạnh liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Có giải pháp kiểm soát việc tăng đàn lợn một cách phù hợp, đảm bảo cân đối cung cầu; trong đó, tập trung ngăn chặn sự xâm nhập của bệnh dịch tả lợn châu Phi...

Đặc biệt, để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, các nước nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, nặng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam.

“Đổi mới phương thức và chương trình đào tạo nguồn nhân lực, tập trung đào tạo thực hành kết hợp với lý thuyết để Việt Nam có đội ngũ lao động thực hành giỏi đáp ứng nhu cầu theo xu thế vận hành của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/kinh-te-9-thang-va-nhung-con-so-an-tuong/97395.html