Kinh tế 6 tháng: Những con số ấn tượng

Một nửa chặng đường của năm 2018 đã khép lại. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, dự báo kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức sẽ là những trở ngại cho mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Một trong những phiên họp Chính phủ. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Đó là kết quả ban đầu của tư tưởng không lơ là trong điều hành, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện của Chính phủ để đưa ra những bước đi, quyết sách cho chặng đường sắp tới. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, dự báo kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài sẽ là những trở ngại cho mục tiêu tăng trưởng cả năm.

*Không lơ là

Ngay trong Nghị quyết số 138/NQ-CP về Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng cuối cùng của năm 2017, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương không chủ quan với thành tích của năm 2017 mà khẩn trương khắc phục hạn chế, yếu kém để ngay từ những ngày đầu năm, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và 5 năm 2016 - 2020.

Theo đó, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, các bộ, ngành, địa phương đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý đối với từng ngành, lĩnh vực và thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện…

Kết quả, ngay trong tháng đầu năm tình hình kinh tế rất khả quan, so với cùng kỳ năm ngoái với chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 20,9%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 33,1%; trong đó xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng xấp xỉ mức tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Với đà tăng trưởng này, nền kinh tế tiếp tục giữ vững tốc độ và đánh dấu bằng kết quả GDP quý I/2018 tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước; là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng đều tăng cao hơn cùng kỳ.

Ghi nhận những kết quả này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đất nước đang chuyển mình, niềm tin của người dân, của toàn hệ thống chính trị trong Đảng được nhân lên rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận: Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả khả quan. Trong các khu vực tăng trưởng đều có những cải thiện đáng kể như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản, công nghiệp - xây dựng…

Tiếp nối sự tích cực, các chỉ số kinh tế tiếp tục đạt mức tăng trưởng trong các tháng 4 và 5. Theo đó, thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được bảo đảm. Thu ngân sách 5 tháng tăng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt khá. Sản xuất công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng cao.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, kinh tế Việt Nam đang có nhiều triển vọng tích cực với sự ghi nhận của nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) vừa nâng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế từ mức 6,5% lên mức 6,8%. Trước đó, Fitch cũng nâng xếp hạng Nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) của Việt Nam từ BB - lên BB.

Khẳng định thêm điều này, ông Cấn Văn Lực bổ sung, còn hai yếu tố nữa khiến kinh tế Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, đó là: tiêu dùng khu vực tư nhân tăng nhanh, điều này đóng góp lớn vào GDP và ngoài nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) thì nguồn vốn đầu tư tư nhân cũng đang tăng trưởng khá mạnh.

Doanh nghiệp Việt Nam chủ động nâng cao năng lực sản xuất. Ảnh minh họa: TTXVN

*Cẩn trọng từng bước đi

Mặc dù, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt khoảng 6,8%, song Báo cáo mới nhất của WB về tình hình kinh tế Việt Nam cũng chỉ rõ, nếu không chú trọng vào một số ưu tiên cải cách thì tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại.

Cùng với đó, bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn những yếu tố bất định, khó lường; sự gia tăng cạnh tranh về kinh tế, thương mại, tài chính giữa các quốc gia có thể trở nên gay gắt, phức tạp và khó lường hơn; nguy cơ của các cuộc chiến tranh thương mại, nhất là giữa các nền kinh tế chủ chốt; xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ của các quốc gia trong dài hạn... cũng là những thách thức đối với nền kinh tế từ nay đến cuối năm.

Thực tế, diễn biến từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng ở một số ngành hàng đã chững hoặc chậm lại. Nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trước sức ép lạm phát tăng; giải ngân vốn đầu tư công vẫn đạt thấp.

Cẩn trọng trước diễn biến này, ngay trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 19-2018/NQ-CP, 35/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Cùng đó, chú trọng khắc phục tồn tại, yếu kém; kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Sự cẩn trọng này cũng nhằm từng bước giải quyết các bất cập hiện nay của nền kinh tế đã được Chính phủ, các chuyên gia kinh tế, các cơ quan liên quan chỉ ra.

Ông Hoàng Quang Hàm, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức cho nền kinh tế hiện nay. Đó là tăng trưởng nhờ vào gia công có xu hướng đậm nét hơn; trong đó chế biến chế tạo chủ yếu là gia công lắp ráp. Tăng trưởng đang chịu sự chi phối của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng chưa khai thác hết lợi thế từ khu vực này. Điều này thể hiện ở việc chuyển giao công nghệ cũng như liên kết của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước chưa được như mong muốn.

Hình ảnh dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: TTXVN

Về giải ngân vốn đầu tư, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng vẫn chậm. Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng ước tính đạt 124,2 nghìn tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch năm và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình trạng chậm giải ngân, chính là một nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí, đội vốn, chậm đưa công trình vào hoạt động, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, một đồng đầu tư công đều là vốn mồi. Giải ngân chậm vốn, các nguồn khác cũng chậm theo.

Lý giải về giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh những nguyên nhân khách quan về những quy định pháp lý, quy trình thủ tục, yếu tố thời vụ thấp vào đầu năm, cao vào cuối năm thì nguyên nhân chủ quan rất lớn. Đơn cử như nhiều đơn vị Trung ương và địa phương chưa thực sự quyết liệt trong triển khai, từ khâu giao kế hoạch chi tiết hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng đến khâu thanh toán giải ngân vốn đầu tư công.

Là yếu tố quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhưng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang, năng suất lao động 10 năm gần đây của Việt Nam tăng tương đối nhanh khoảng 5%, nhưng khoảng cách tăng năng suất lao động của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực càng ngày có xu hướng càng cách xa hơn.

Những tồn tại, bất cập trên, cũng chính là nhiệm vụ đặt ra cho các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm hành động mà theo yêu của Chính phủ phải được thực hiện bằng sự sáng tạo có kết quả.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang, để giải quyết vấn đề tăng năng suất lao động, trước mắt, phải thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng vì các dư địa như vốn, tư liệu sản xuất, tài nguyên đã cạn kiệt.

Theo đó, cần chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ vì nơi đó có năng suất lao động cao hơn. Nông nghiệp cũng phải đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào để phát huy sức lao động, tăng năng suất lao động.
Trong công nghiệp, khoa học công nghệ là mấu chốt cốt lõi để tăng năng suất.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, định hướng của Chính phủ sẽ chuyển hướng tập trung, lựa chọn những dự án và nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao, sử dụng ít đất đai, tài nguyên, đồng thời có khả năng lan tỏa chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước.

Từ nay đến cuối năm, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoài việc tiếp tục triển khai quyết liệt có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 70 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chính phủ đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với một số đơn vị giải ngân chậm cũng như kiên quyết thu hồi số vốn đã giao nhưng không triển khai thực hiện, công khai kết quả giải ngân của các đơn vị, bộ, ngành, địa phương để theo dõi giám sát.

Bên cạnh đó các ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, nhằm tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy giải ngân.

Được xem là động lực cho phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách thể chế; trong đó có cải thiện môi trường kinh doanh đã được Chính phủ quyết tâm hành động từ năm 2014 bằng tên gọi Nghị quyết 19.

Qua gần 5 năm thực hiện với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế.

Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay. Đây cũng là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp Việt Nam tự tin bước ra toàn cầu.

Nghị quyết 19-2018 được Chính phủ ban hành tiếp tục yêu cầu tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 -18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4.

Đặc biệt, Nghị quyết tập trung cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Mạnh mẽ hơn, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đạt được trong phạm vi ngành, địa phương.

Khẳng định sự quan trọng của cải cách, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, đề nghị, các bộ, ngành phải thực sự là kiến trúc sư trưởng trong cải cách thể chế ở từng lĩnh vực. Các cơ quan của Chính phủ quan tâm hơn nữa cải cách thể chế sâu rộng mang tính hệ thống, dài hạn nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Bởi đây là nền tảng và động lực quan trọng để bảo đảm phát triển bền vững nền kinh tế trong thời gian tới./.

Thu Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/kinh-te-6-thang-nhung-con-so-an-tuong/89078.html