Kinh phí thẩm định sách giáo khoa lớp 1 là bao nhiêu?

Mức thù lao cho Chủ tịch HĐQG thẩm định trong thời gian tham gia trại thẩm định tối đa 200.000đồng/buổi; PCT Hội đồng, ủy viên, thư ký tối đa 150.000đồng/buổi.

Thông tư liên tịch số 21/2016/TTLT-BGDĐT-BTC do Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính ban hành nhằm hướng dẫn nội dung và mức chi đặc thù dự án "Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông" vay vốn WB đã quy định cụ thể mức chi từng nội dung liên quan đến thẩm định SGK.

Đối với nội dung dạy học thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa (SGK), giáo viên dạy thực nghiệm được thanh toán thù lao theo số tiết dạy thực nghiệm thực tế, đơn giá giờ dạy thực nghiệm: Tiểu học 100.000 đồng/tiết; THCS 120.000 đồng/tiết; THPT 135.000 đồng/tiết.

Trường phổ thông có dạy học thực nghiệm được hỗ trợ công tác quản lý dạy học thực nghiệm, bao gồm: Thù lao cho người phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu, quản lý học sinh, tổ chức lấy ý kiến góp ý; các khoản chi hành chính phát sinh (như tiền điện, nước, điện thoại, mạng internet, văn phòng phẩm).

Sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều bị cho là có nhiều vấn đề bất cập trong quá trình giảng dạy thực tiễn. Ảnh: NXB ĐH Sư phạm TP.HCM.

Sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều bị cho là có nhiều vấn đề bất cập trong quá trình giảng dạy thực tiễn. Ảnh: NXB ĐH Sư phạm TP.HCM.

Kinh phí chi hỗ trợ công tác quản lý dạy học thực nghiệm của nhà trường được tính bằng 5% tổng kinh phí thù lao cho giáo viên dạy thực nghiệm tại trường và được thanh toán theo phương thức khoán gọn; Ban quản lý Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng với các trường theo số giờ dạy thực nghiệm thực tế.

Tuy nhiên, với hạng mục này, do Bộ GD- ĐT không tổ chức biên soạn 1 bộ SGK nên không chi như trong thông tư quy định. Nội dung thứ hai là chi thù lao cho thành viên các hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Về mức chi thù lao cho thành viên các Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa trong thời gian tham gia trại thẩm định, thông tư quy định: Chủ tịch Hội đồng tối đa là 200.000 đồng/buổi; Phó Chủ tịch Hội đồng, ủy viên, thư ký: Tối đa 150.000 đồng/buổi.

Đối với việc đọc thẩm định, mức chi thù lao đọc thẩm định cho các thành viên Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK, Hội đồng thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình như sau: Đọc thẩm định chương trình: Tối đa 25.000 đồng/tiết/người; Đọc thẩm định SGK: Tối đa 35.000 đồng/tiết/người; Đọc thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình: Tối đa 30.000 đồng/tiết/người.

Theo thông tin trên báo Tiền phong, việc thẩm định SGK lớp 1 vừa qua, Bộ GD-ĐT dự toán chi 16,7 tỷ đồng.

Từ quy định của thông tư, chiếu vào môn tiếng Việt lớp 1 với thời lượng dạy 420 tiết, có thể thấy đối với lớp 1, năm 2019, lần thẩm định đầu tiên, Bộ GD-ĐT nhận được 6 bản thảo mẫu với 15 thành viên hội đồng thẩm định, tổng thù lao chi là 1,323 tỷ đồng. Còn nếu tính 1 bộ SGK đầy đủ với 1 lượt người thẩm định thì số tiền cần chi là 35,525 triệu đồng.

Năm 2019 có 5 bộ SGK trọn vẹn được Bộ GD-ĐT phê duyệt và 1 bộ SGK của GS. Hồ Ngọc Đại bị loại là 6 bộ SGK được thẩm định nên nếu chỉ tính 1 lượt người thẩm định thì kinh phí trả thù lao sẽ là 213,15 triệu đồng. Nhưng do có 9 hội đồng thẩm định, mỗi hội đồng lại có số lượng thành viên khác nhau nên số tiền chi ra là hơn 9,8 tỷ đồng, chiếm hơn 58% kinh phí so với dự toán ban đầu.

Trong Thông tư 21, dự án có kinh phí cho việc thực nghiệm SGK trong thực tế. “Sạn” trong SGK Tiếng Việt vừa qua không chỉ đặt ra vấn đề thẩm định mà còn đặt ra vấn đề thực nghiệm SGK như thế nào.

Trả lời báo chí, GS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt 1 thừa nhận sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều có những "hạt sạn" và những "hạt sạn" ấy chắc chắn sẽ được chỉnh sửa nhưng phải dựa trên cơ sở khoa học.

GS Mai Ngọc Chừ khẳng định Hội đồng thẩm định SGK đã làm việc nghiêm túc, cẩn trọng. Những "hạt sạn" mà phụ huynh, dư luận phản ánh, hội đồng đều đã đề cập với nhóm tác giả.

"Một số người nói Hội đồng thẩm định sách không biết gì, không phát hiện những 'hạt sạn' này. Tôi xin khẳng định, hội đồng đã phát hiện và có đề cập với các tác giả. Tất cả 5 bộ sách mà chúng tôi thẩm định không có gì sai. Những gì sai đã được các tác giả chỉnh sửa", tờ Zing dẫn lời GS Chừ nói.

Cũng theo ông Chừ, Hội đồng có thể chỉ ra những cái sai, chưa phù hợp để yêu cầu sửa. Những điểm không sai nhưng độ phù hợp chưa cao, hội đồng chỉ có thể khuyến cáo, sửa hay không là quyền của các tác giả. Khi nhóm tác giả không muốn sửa, Hội đồng thẩm định không có quyền ép hay sửa thay họ", Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định thông tin.

Trong khi đó, TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục phổ thông, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến những "hạt sạn" của SGK đến nay mới được phát hiện là quá trình thực nghiệm sách không đầy đủ, khoa học. Tính khách quan của quá trình thực nghiệm sách vẫn là dấu hỏi rất lớn.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/kinh-phi-tham-dinh-sach-giao-khoa-lop-1-la-bao-nhieu-3420667/