'Kinh phí đào tạo lớn nhưng không thể giữ chân được trí thức'

'...Chúng ta đang đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám, đội ngũ trí thức ưu tú được đào tạo ở nước ngoài thì không về và một số trí thức trong nước cũng tìm kiếm cơ hội ra làm việc ở nước ngoài'.

Đây là diễn đàn do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sáng 25/9 nhằm tiếp thu quan điểm và giải pháp để phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng đội ngũ trí thức đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước. Tuy nhiên, nhiều cản trở liên quan đến việc phát triển đội ngũ trí thức cũng được đặt ra.

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trình độ tri thức của nước ta còn tụt hậu so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới, ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo, thực hành, ứng dụng, giao tiếp bằng ngoại ngữ.

“Hiện nay cũng phải thừa nhận rằng có một bộ phận trí thức, kể cả những người có tuổi cao, còn thiếu tự tin, e ngại, sợ quy kết về quan điểm, né tránh những vấn đề có liên quan đến chính trị. Một số giảm đạo đức nghề nghiệp và thiếu ý thức trách nhiệm cũng như thiếu tự trọng trong nghiên cứu khoa học, thể hiện vai trò tri thức của mình; có biểu hiện chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực, thiếu tinh thần hợp tác.

Những vấn đề này dẫn đến tình trạng một số trí thức không thường xuyên học hỏi, tìm tòi, trau dồi kiến thức cũng như thực hiện hoài bão đóng góp cho xã hội, đất nước. Đây là một trong những rào cản cho việc phát triển đội ngũ trí thức hiện nay”, ông Hoàng nói.

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: Thanh Hùng

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: Thanh Hùng

Một khó khăn khác tương đối lớn theo ông Hoàng là nước ta chưa đủ chủ trương chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức một cách hợp lý và hiệu quả, thiếu chính sách chủ động và đủ mạnh để thu hút tri thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước và tạo điều kiện để trí thức trong nước giao lưu, hợp tác, làm việc với các trung tâm khoa học, văn hóa trên thế giới.

Ảnh: Thanh Hùng

Ngoài ra, cơ chế chính sách tài chính hiện hành trong hoạt động khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật còn nhiều bất cập, dẫn đến một số trường hợp trí thức phải tìm cách đối phó. “Không phải đối phó trong nghiên cứu mà trong việc vận dụng các chính sách, quy định về tài chính để làm sao cho phù hợp trong việc giải ngân, thanh toán các đề mục của công tác thực hiện đề tài. Do đó đã làm giảm chất lượng công trình sáng tạo, lãng phí thời gian, công sức, tiền của, ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của trí thức”, ông Hoàng nói.

Vì những điều này, theo ông Hoàng dẫn đến việc chúng ta đang đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám, đội ngũ trí thức ưu tú được đào tạo ở nước ngoài thì không về và một số trí thức trong nước cũng tìm kiếm cơ hội ra làm việc ở nước ngoài.

PGS.TSKH Võ Đại Lược, Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, nếu so với yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại cách mạng 4.0 thì sự phát triển của tầng lớp tinh hoa trong đội ngũ tri thức còn hạn chế. Những tinh hoa hàng đầu trong các lĩnh vực thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

“Trong khi, trong đội ngũ tri thức và tầng lớp tinh hoa, thì nhóm người làm trong các cơ quan nhà nước có vai trò quyết định, bởi các cơ chế, chính sách vận hành đất nước, tạo điều kiện cho cả đội ngũ tri thức và tầng lớp tinh hoa hoạt động có hiệu quả là do nhóm này xây dựng và điều hành”, ông Lược nói.

Cùng đó, những hiện tượng tiêu cực như chạy chức, chạy danh hiệu,... còn khá phổ biến đã làm cho việc tuyển chọn nhân tài vào các cơ quan bị nhiễu loạn.

Ảnh: Thanh Hùng

Theo ông Lược, chế độ đãi ngộ cho giới tinh hoa còn bất cập khi lương của khu vực công thấp hơn rất nhiều so với khu vực tư.

Song, theo ông Lược, hiện nay chúng ta gần như chưa có một chính sách trọng dụng nhân tài phù hợp với thời đại hiện nay.

“Hiện nay, lao động trí tuệ cao “lượng lưu thông” tự do nhất trên thế giới. Do đó, chúng ta cần phải có chính sách phù hợp, phải cạnh tranh được với các quốc gia và không chỉ thu hút người tài của Việt Nam mà còn phải thu hút được người tài của thế giới về thì mới phát triển được. Tuy nhiên, cơ chế chính sách của chúng ta hiện còn nhiều bất cập”, ông Lược nói.

Dành kinh phí lớn đào tạo nhưng không thể giữ chân được trí thức

PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức, đến nay còn rất nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ.

PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Thanh Hùng

Theo ông Linh, các bộ, ngành, nhất là các địa phương đều đã có chính sách thu hút đối với tri thức. Tuy nhiên trong thực tế, hiệu quả của các chính sách này không cao và vẫn mang tính hình thức. “Hình thức tuyển dụng trí thức cũng rất khác nhau, không thống nhất. Có nơi tổ chức xét tuyển, có nơi tổ chức thi. Quy định về tiêu chuẩn chưa phù hợp.

Đặc biệt, tình trạng khá phổ biến là việc bố trí những trí thức giỏi chuyên môn vào các vị trí lãnh đạo quản lý. Đây là một sự lãng phí trong sử dụng tri thức, khiến cho trí thức không phát huy được sở trường của mình, khó tập trung thời gian và trí tuệ trong công tác sáng tạo khoa học”, ông Linh nói.

Ngoài ra, môi trường làm việc ở một số nơi chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức chuyên tâm cống hiến phát triển. Do đó tình trạng chảy máu chất xám từ khu vực công sang tư, hay ra nước ngoài xảy ra khá phổ biến.

“Trong thực tế, nhiều cơ quan nhà nước đã dành một lượng lớn kinh phí để đào tạo được một trí thức, nhưng không thể giữ chân được trí thức do không bố trí được công việc phù hợp và chế độ đãi ngộ không thỏa đáng. Điều này gây lãng phí lớn về tài lực cũng như nhân lực”, ông Linh nói.

PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay, các hạn chế khiến cho những đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.

“Chúng ta đang rất cần các nhà trí thức lớn, các chuyên gia đầu ngành có thể đảm đương được các công trình, dự án có giá trị để đời”, ông Quang nói.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/kinh-phi-dao-tao-lon-nhung-khong-the-giu-chan-duoc-tri-thuc-676466.html