Kình ngư trấn biển, đảm bảo an toàn một miền sông nước

Neo đậu trấn cửa Ba Lăng nơi tàu bè từ biển Đông xuôi về Lục Đầu Giang hợp lưu của 6 con sông rồi tỏa đi muôn nơi, con tàu của Thủy đoàn 1 - Cục CSGT đường thủy ví như cá kình trấn biển đảm bảo an toàn một miền sông nước...

Nối tiếp những chiến công...

Tra trên công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới google không thấy nhắc đến địa danh Ba Lăng, nhưng cái tên Ba Lăng lại quá quen thuộc với dân đi biển khi gắn với bến phà Sót nối đảo Cát Hải với phần đất liền của Hải Phòng. Sau này khu vực này lắp thêm ngọn đèn biển thì còn có tên Ba Lăng – Cái Đèn.

Thủy đội 1, Cục CSGT đóng quân ở đấy có gần 20 cán bộ, chiến sĩ thì rất nhiều là người con Hà Nội. Như Thiếu tá Phạm Hồng Chính, Thủy đội trưởng nhà ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên; Trung tá Lê Hồng Quân, Phó Thủy Đội trưởng, nhà ở phường Thanh Xuân Bắc... Nhưng dù đến từ mọi miền Tổ quốc nhưng tất cả đều coi Thủy đội là nhà bởi mỗi lần đi xuống đơn vị là xác định đi biền biệt cả tháng trời.

Theo quy luật, khi sau ngày “ông Công, ông Táo” cũng là lúc người làm nghề sông nước đã cất lưới, đưa thuyền vào bến neo chuẩn bị đón Tết.

Cửa Ba Lăng sầm uất là thế, càng những ngày áp Tết càng cô liêu, thi thoảng mới thấy bóng vài con thuyền du dịch từ Hạ Long xuôi về rúc còi chào đất liền. Trên cửa sông tĩnh mịch, con thuyền mang số hiệu CA80-6666 của Cảnh sát đường thủy vẫn trấn giữ nơi đầu sóng ngọn gió, lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay trong gió mang thông điệp an toàn tin cậy cho mọi thuyền bè đi qua.

Vào chiều cuối năm như thế, đang ngồi dùng cơm trưa với Thủy đoàn, Trung tá Phạm Quang Huy, Thủy đoàn trưởng Thủy đoàn 1 chợt liếc mắt xa xăm ra cửa biển giấu những nỗi niềm khi gặng hỏi tâm tư nguyện vọng anh em dịp xuân mới.

Theo phản xạ của một người có nghề sông nước lâu năm, ánh mắt người chỉ huy Thủy đoàn dừng lại nơi bóng dáng con tàu hàng màu đỏ đang lặng lẽ đè sóng vào cửa Sót.

Nhìn mớm nước và oái ăm lại chạy vào giờ quá Ngọ khi nước triều đang rút rất bất thường của con tàu chạy đã khiến bữa cơm đơn vị dừng dở giữa chừng.

Trung tá Huy cắt ngang câu chuyện ra lệnh ngay 1 kíp tàu lên đường. Bắt ý thủ trưởng, cano hải đội ngay tắp lự đè sóng áp sát mạn thuyền trước khi con tàu đi vào vùng nước nông.

Thuyền trưởng tàu NB-6897 Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1964 ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) mặt cắt không còn hột máu, khi thấy tín hiệu dừng tầu giơ lên trên cano. Lúc đó, dường như người thuyền trưởng mới nhớ ra quy luật con nước thủy triều, ngay lập tức ra tín hiệu tắt máy buông neo đưa ra.

“Nếu không kịp thời được CSGT nhắc nhở về tình huống xảy ra mắc cạn có lẽ thiệt hại về kinh tế vô cùng lớn cả thủy thủ đoàn chúng tôi gồm 5 người sẽ mất nhiều cái Tết”, Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự.

Tình huống giải cứu con tàu NB-6897 đang chở 2087 tấn than từ Hòn Nét, Quảng Ninh về Ninh Bình chỉ là 1 trong những công việc hàng ngày của Thủy đoàn 1, Cục CSGT Bộ Công an đang làm nhiệm vụ trên các tuyến sông, cửa biển từ miền Bắc cho đến Khánh Hòa.

Khu vực Thủy đội 1 đóng quân ở trấn giữ cửa Ba Lăng - Nhà Đèn khu vực giáp ranh Hải Phòng, Quảng Ninh được coi là then chốt. Chính từ vị trí trọng yếu này mà đơn vị được trang bị tàu tuần tra hiện đại nhất Việt Nam thời điểm này do chính phủ Nhật Bản viện trợ.

Một tín hiệu vui đến với người dân sinh sống dọc miền sông nước Hạ Long đó là ngay từ ngày đầu tiên của năm mới 2020, Thủy đoàn 1 đã “thế thiên hành đạo” dẹp loạn cát tặc gây nhức nhối bấy lâu nay trên sông Hốt.

Thời khắc đánh án được ấn định đúng lúc chuyển giao giữa năm 2019 và 2020, khi mà cát tặc và mạng lưới “chim lợn” chuyên cung cấp thông tin hoạt động của cơ quan chức năng cho bọn chúng không ngờ tới. Nhiệm vụ khó khăn này được giao cho Thượng tá Đinh Tiến Đại, Phó Thủy đoàn trưởng.

Ngay trước “giao thừa” đón năm mới 2020 Thượng tá Thọ phải chia tay vợ con ở Hà Nội lên đường đánh án.

Không kỳ vọng nhiệm vụ được giao, 3h sáng ngày 1-1-2020 các mũi tấn công của Thủy đoàn 1 đã bắt quả táng 6 tàu, tạm giữ 12 đối tượng lợi dụng dịp nghỉ Tết Dương lịch đang khai thác cát trái phép trên sông Hốt.

Nói về nhiệm vụ của mình và đồng đội, Trung tá Phạm Quang Huy - Thủy đoàn trưởng Thủy đoàn 1 rất nghiêm túc, nếu không rành về sông nước, về quy luật của gió và mây thì sao người chiến sĩ CSGT đường thủy hiểu được nhiệm vụ mình được Đảng và Nhà nước giao phó.

Những kinh nghiệm quý báu có được đều học từ nhân dân, từ những người đi biển đi sông mà ra. Bài học quý mà tiền nhân vẫn dạy còn mãi qua những câu chuyện hôm nay. Như trên sông Bạch Đằng thuộc thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh nơi đóng quân chính của Thủy đội 1 vẫn còn dấu tích đền thờ Vua Bà một người dân thường đã có công chỉ cho Đức Hưng Đạo Vương quy luật con nước thủy triều để đóng cọc đánh giặc Nguyên Mông năm xưa.

Những người con giữ biển

Chiến công đầu năm mới làm nức lòng bà con sinh sống hai bờ sông bởi từ lâu nạn cát tặc hoành hành, người dân nhiều lần báo với chính quyền mà không làm gì được bởi mỗi khi lực lượng chức năng ra quân dường như chúng lại được báo đem thuyền và đồ nghề đi nơi khác. Chính vì thế, trước khi đánh án, cả phương án tấn công cũng như nhân sự thủy đoàn đều được bí mật họp tại Hà Nội. Ngay cả người chỉ huy trận đánh cũng phải hi sinh hạnh phúc riêng tư để giữ tuyệt đối bí mật.

Thượng tá Đinh Tiến Đại nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội chỉ huy chiến dịch đã phải chia tay vợ con đi ngay trong thời khắc chuẩn bị sang năm mới vượt cả trăm cây số trong đêm để kịp giờ phá án. Sau này nhớ lại, người con trai Hà Nội đó vẫn thầm cảm ơn gia đình, cảm ơn người vợ là Thượng tá Dương Thanh Huyền, Phó Phòng Cục ma túy bởi đã biết xẻ chia những khó khăn của đời lính.

Năm mới Canh Tý sắp về gia đình nhỏ của hai người lính là Thượng tá Đinh Tiến Đại và Thượng tá Dương Thanh Huyền, cán bộ Cục ma túy (Bộ Công an) sẽ đón tin vui khi con trai Đinh Tuấn Nghĩa của họ chuẩn bị thi Đại học. Công việc bộn bề ít có thời gian quây quần bên nhau nhưng với người lính thì mỗi chiến công chính là nguồn động viên để họ thấy vững tin vào cuộc đời.

Chiến công từ thời khắc đầu tiên của năm mới, Thượng tá Đinh Tiến Đại muốn dành tặng cho gia đình nhỏ của mình chính vì lẽ đó.

Thủy đội 1 đóng quân ở đó có gần 20 cán bộ, chiến sĩ thì rất nhiều là người con Hà Nội. Như Thiếu tá Phạm Hồng Chính, Thủy đội trưởng nhà ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Trung tá Lê Hồng Quân, Phó Thủy Đội trưởng, nhà ở phường Thanh Xuân Bắc... Nhưng dù đến từ mọi miền Tổ quốc nhưng tất cả đều coi Thủy đội là nhà bởi mỗi lần đi xuống đơn vị là xác định đi biền biệt cả tháng trời.

Thiếu tá Phạm Hồng Chính cho biết, nhiều cán bộ chiến sĩ đơn vị quê tận Lào Cai, Yên Bái như Thượng sĩ Nguyễn Thạch Cương và Thượng úy Vương Văn Bảo đơn vị vẫn phải quan tâm để anh em nghỉ phép về với vợ con cho đỡ nhớ nhà. Hay em út trong đơn vị là Trung úy Vũ Đức Huy tuy nhà ngay TP Hải Dương gần nhất nhưng vợ vừa sinh con nên luôn được “ưu tiên” chia nhiều thời gian đoàn tụ với gia đình hơn nhất đối với những người ở Thủ đô.

Cuộc sống lênh đênh sông nước đã gắn bó các cán bộ, chiến sĩ CSGT đường thủy keo sơn một nhà và ai trong họ cũng có biệt tài nấu ăn.

Bếp ăn của tàu CA80-6666 lúc nào cũng ăm ắp đồ để cán bộ, chiến sĩ trổ tài nội trợ. Ngày lễ Tết còn có món khâu nhục của người Cao Lan do Thượng úy Vương Văn Bảo phụ trách khiến ai từng ăn một lần không thể nào quên.

Thượng úy Vương Văn Bảo (SN 1986, quê Yên Bái) trước khi trở thành người lính gắn với nghiệp sông nước từng thời gian dài đi làm điện, làm than...

Thuyền phó tàu CA80-6666, Thiếu tá Phạm Hồng Chính cho biết, hoàn cảnh anh em cán bộ, chiến sĩ ai cũng xa nhà nên chúng tôi coi thuyền là nhà còn đồng đội là anh em như một động lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Quảng Ninh cuối năm phức tạp về buôn lậu, sông Hồng “nóng” về khai thác cát nên con tàu CA80-6666 lúc nào cũng neo đậu cửa Ba Lăng hiểu như cá kình trấn biển, là tiền đồn giữ vững an ninh trật tự khi tàu thuyền từ biển vào Quảng Ninh qua Lục Đầu Giang tỏa đi sông Hồng, sông Đuống lên mạn ngược hay về phương Nam...

Vĩ thanh.....

Quay trở lại bữa cơm bị gián đoạn của Hải đội khi giải cứu con tàu NB-6897 suýt mắc cạn. Đó là bữa cơm tất niên cuối năm, cả đơn vị quây quần để bầu chọn cho Thượng úy Vương Văn Bảo người dân tộc Cao Lan, quê tận Yên Bái được về đón Tết. Câu chuyện trở nên sôi nổi khi cả 2 chỉ huy Hải thuyền quê Hà Nội và cậu em út đơn vị sinh năm 1993 quê Hải Dương con vừa chào đời 2 tháng đều tranh nhau trực Tết để những đồng đội ở xa có thời gian đón xuân thật lâu bên gia đình.

Nhìn những đồng đội quan tâm, sẻ chia, sẵn sàng đảm nhận những việc khó khăn là xa người thân yêu trong những ngày Tết ấm áp, Trung tá Phạm Quang Huy chợt thấy khóe mắt cay cay. Nhưng anh kịp giấu vội cảm xúc đó trong những ngọn Đông phong chợt ùa qua mát vợi.

Nhìn về phía mặt trời mọc anh hiểu, nơi đó vùng biển trời Tổ quốc thiêng liêng còn bao đồng đội không tiếc máu xương gìn giữ từng thước đất. Nghĩ đến đó thôi người lính chợt thầm hứa, nơi địa đầu những con sông như mạch máu của đất mẹ đổ ra biển sẽ luôn có những người lính Cảnh sát đường thủy mạnh mẽ như những kình ngư trấn giữ cho cuộc sống bình yên.

Hiệp Bình- Minh Hải

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-an/kinh-ngu-tran-bien-dam-bao-an-toan-mot-mien-song-nuoc-578884/