Kinh nghiệm xóa nhà tạm từ Điện Biên
Năm 2023, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên. Chỉ trong 9 tháng, cho tới tháng 5/2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 5000 căn nhà cho người nghèo tỉnh Điện Biên đã hoàn thành. Bài học kinh nghiệm từ việc hoàn thành mục tiêu làm nhà cho người nghèo của tỉnh Điện Biên là huy động sức dân và công khai, dân chủ.
Điện Biên là tỉnh miền núi, có đường biên giới dài, tiếp giáp với hai nước Lào và Trung Quốc; dân số trên 64 vạn người, với 19 dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, mặc dù luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương thông qua nhiều chủ trương, chính sách, song Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 25,68%, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, hàng nghìn hộ nghèo còn ở trong những căn nhà dột nát.
Năm 2023, hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo (gọi tắt là Đề án 09) với mục tiêu: huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc xây dựng trên 8000 căn nhà Đại đoàn kết, trong đó tỉnh Điện Biên được hỗ trợ làm 5000 căn nhà cho người nghèo.
Ngay sau đó, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án làm nhà trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện Đề án tại 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Công tác tuyên truyền Đề án được thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả, như: thông qua họp thôn bản, tuyên truyền bằng hệ thống loa đài phát thanh, đội tuyên truyền lưu động. thông qua các tổ rà soát tới từng hộ gia đình. Ngoài ra, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng thương mại cổ phần tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi vay vốn làm nhà thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Với phương châm “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình chủ động làm nhà”, nguồn kinh phí 50 triệu là hỗ trợ làm nhà chứ không phải cho nhà, do đó các hộ gia đình phải chủ động đứng ra làm nhà, huy động thêm các nguồn lực khác để làm nhà (nếu có thể). Đồng thời người dân được chủ động lựa chọn mẫu nhà phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện của gia đình, khuyến khích làm nhà truyền thống khi các hộ gia đình đã chuẩn bị vật liệu từ trước.
Theo báo cáo của Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên, nhân dân trên địa bàn tỉnh đồng thuận cao với chủ trương, kế hoạch thực hiện Đề án, các hộ gia đình được thụ hưởng phấn khởi tích cực chủ động vào cuộc thực hiện làm nhà. Cùng với công tác tuyên truyền, việc tổ chức rà soát, thẩm định, phê duyệt đối tượng được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết được thực hiện theo đúng quy trình, bình xét từ khu dân cư, đảm bảo đúng đối tượng, khách quan, công khai, minh bạch. Không có trường hợp đơn thư, khiếu kiện liên quan đến việc hỗ trợ làm nhà.
Qua rà soát, tỉnh đã phê duyệt danh sách 5.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết. Trong đó, có 447 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự làm nhà, Ban Chỉ đạo các cấp có phương án phân công các lực lượng chủ trì đứng ra làm nhà giúp các hộ gia đình. Ngoài nguồn hỗ trợ của Đề án 250 tỷ đồng, các hộ gia đình đã chủ động huy động, vay mượn trong gia đình, họ hàng, vay vốn các chương trình ưu đãi làm nhà của Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại cổ phẩn với số tiền 166.202 triệu đồng.
Ban Chỉ đạo một số địa phương vận động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ vật liệu xây dựng cho các hộ gia đình làm nhà. Các tổ chức chính trị, xã hội, các lực lượng vũ trang huy động đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia giúp các hộ gia đình tháo dỡ nhà cũ, vận chuyển vật liệu làm nhà, dựng nhà mới với trên 115.000 ngày công lao động. Đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự làm nhà, Ban Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phân công các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, chủ trì, huy động nguồn lực giúp các hộ gia đình làm nhà.
Sau hơn 9 tháng tổ chức triển khai thực hiện, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành việc làm 5.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, vượt trước hơn 3 tháng so với yêu cầu tiến độ của Đề án, giúp hộ nghèo của tỉnh Điện Biên được đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trong những căn nhà mới an toàn, ấm cúng, mang nặng nghĩa tình của đồng bào cả nước.
Từ những thực tiễn triển khai thực hiện Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, theo thông tin của Ban thường trực UB MTTQ tỉnh Điện Biên bài học kinh nghiệm là tuyên truyền thông suốt huy động sức dân, để nhân dân chủ động tích cực làm nhà, trên cơ sở mọi nguồn lực đều công khai, minh bạch.
Trong đó, thứ nhất là coi trọng công tác tuyên truyền, để mỗi cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo được thụ hưởng, hiểu, nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả mang lại từ Đề án, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Hai là, việc triển khai thực hiện Đề án phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy; chính quyền, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc.
Ba là, công tác rà soát, bình xét, phê duyệt đối tượng thụ hưởng phải thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch từ thôn, bản, tránh tạo dư luận không tốt, so bì, đơn thư phản ánh trong nhân dân.
Bốn là, việc thực hiện làm nhà lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để tạo thêm nguồn lực, nâng cao giá trị và giá trị sử dụng của căn nhà, đồng thời gắn với trách nhiệm, ý chí vươn lên của các hộ nghèo.
Năm là, các hộ gia đình được tự lựa chọn mẫu nhà phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán và phải tự chủ động làm nhà.
Sáu là, Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên nắm tình hình, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện Đề án để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, đề xuất phương án tháo ghỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Bảy là, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, sơ, tổng kết thực hiện Đề án. Động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện Đề án.
Ngay sau khi bế mạc Đại hội X MTTQ Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã trả lời báo chí: Quyết tâm năm 2025, xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, cận nghèo trên phạm vi cả nước. Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định: "Cả hệ thống chính trị vào cuộc chúng ta chắc chắn sẽ làm được. Vì khó khăn như Điện Biên mà trong 9 tháng MTTQ Việt Nam đã làm được 5.000 căn nhà thì với quyết tâm rất cao, tôi tin rằng chúng ta sẽ xóa được hết nhà tạm, nhà dột nát vào năm 2025, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kinh-nghiem-xoa-nha-tam-tu-dien-bien-10293683.html