Kinh nghiệm từ Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Nhân dịp Hội thảo quốc tế kết quả hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ thực hiện Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng (viết tắt là Dự án) do Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức chiều 6-11, tại TP Đà Nẵng, TS Thân Thành Công, Chánh Văn phòng 701 đã có cuộc trao đổi với báo chí về bài học kinh nghiệm từ kết quả Dự án này.

Phóng viên (PV):Xin đồng chí cho biết sự phối hợp của các bộ, ngành địa phương trong việc tổ chức thực hiện Dự án hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng như thế nào?

TS Thân Thành Công: Việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam đã được Chính phủ, nhân dân Việt Nam và Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Về phía Việt Nam, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện công tác khắc phục xử lý chất độc hóa học dioxin tại Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 1-6-2012, trong đó giao Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức khoanh vùng xử lý các điểm nóng bị ô nhiễm nặng chất độc hóa học/dioxin. Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để lập và tổ chức thực hiện như Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng...

TS Thân Thành Công, Chánh Văn phòng 701.

Quá trình thực hiện dự án hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Cụ thể là giữa Bộ Quốc phòng (quản lý vùng đất), Bộ TN&MT (quản lý nhà nước về môi trường), Bộ KH&CN (quản lý về khoa học công nghệ), Bộ KH&ĐT (quản lý nhà nước về hiệu quả kinh tế dự án), Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng... Sự phối hợp hiệu quả thể hiện qua: Cung cấp và chia sẻ thông tin phục vụ cho việc đánh giá phạm vi, quy mô, mức độ phải xử lý; xác định mục tiêu yêu cầu phải xử lý, vấn đề này được thông qua việc Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Quốc phòng để xác định ngưỡng xử lý dioxin khác nhau để bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam; quản lý giám sát đánh giá hiệu quả dự án theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam và Hoa Kỳ; phối hợp trong việc đưa kết quả thực hiện dự án vào thực tiễn để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đưa đất đã xử lý vào phục vụ phát triển mở rộng sân bay Đà Nẵng.

PV:Đề nghị đồng chí đánh giá khái quát kết quả đạt được của dự án?

TS Thân Thành Công: Dự án đã xử lý triệt để được khoảng 90.000m3 bùn đất nhiễm dioxin, cô lập an toàn khoảng 50.000m3 bùn đất ô nhiễm dioxin dưới ngưỡng cần xử lý; xử lý 32,4ha đất phục vụ mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

PV: Kết quả hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ trong thực hiện dự án đã có hiệu quả. Vậy bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình hợp tác quốc tế, nhất là với Hoa Kỳ trong việc thực hiện Dự án như thế nào, thưa đồng chí?

TS Thân Thành Công: Theo cam kết giữa lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Hoa Kỳ thì phía các cơ quan chức năng của Việt Nam, cụ thể là Văn phòng 701, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân là chủ đầu tư; Bộ tư lệnh Hóa học, Viện KH&CN quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã phối hợp chặt chẽ với USAID ngay từ khâu khảo sát, thiết kế, lập dự án cho đến các khâu tổ chức thực hiện, theo dõi, đánh giá giám sát và quản lý dự án. Chính vì sự phối hợp chặt chẽ này, dự án đã mang lại hiệu quả rất to lớn. Có thể kể ra là: Giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; xử lý được đất ô nhiễm dioxin xuống dưới ngưỡng tiêu chuẩn Việt Nam để bảo đảm yêu cầu về xử lý môi trường. Đồng thời bàn giao diện tích đất sau xử lý để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cụ thể là dự án mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với USAID để thúc đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện dự án xử lý dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa trong thời gian sắp tới.

Về bài học kinh nghiệm, chúng tôi có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong vấn đề hợp tác khi thực hiện dự án. Đó là:

- Cần phối hợp chặt chẽ trong việc xác định phạm vi, quy mô thực hiện dự án để hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh Dự án.

- Phối hợp trong việc xác định các tiêu chí một cách tổng thể có hệ thống, chú ý đến điều kiện thực tiễn của Việt Nam để lựa chọn giải pháp kỹ thuật, công nghệ khả thi cho việc thực hiện dự án sắp tới ở Biên Hòa.

- Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện dự án để kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng của Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

- Trình độ, năng lực của đội ngũ vận hành dự án đã được nâng lên 1 bước đáng kể.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

VĂN CHUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/kinh-nghiem-tu-du-an-xu-ly-moi-truong-o-nhiem-dioxin-tai-san-bay-da-nang-553792