Kinh nghiệm từ chuyên gia Mỹ: Hỗ trợ tâm lý cho trẻ bị lạm dụng tình dục

Việc xử lý tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em cần thực hiện ở hai khía cạnh: Thứ nhất, cần tiếp cận hỗ trợ về mặt tâm lý cũng như các công cụ hỗ trợ khác cho nạn nhân và gia đình nạn nhân. Thứ hai là xử lý hình sự ở các đối tượng tội phạm gây ra những vụ việc.

Từ ngày 7 đến 9/11, tại Hà Nội, Viên Kiểm sát Nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức khóa “Tập huấn về truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em”, nhằm chia sẻ thông tin và trao đổi những kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến ngược đãi, bóc lột về mặt thể chất và xâm hại tình dục trẻ em; đặc biệt là thu thập bằng chứng, kỹ năng phỏng vấn nạn nhân là trẻ em và các nhân chứng khác; các phương pháp hiệu quả buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành động của họ.

Phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã phỏng vấn các giảng viên tham gia khóa tập huấn, họ là các chuyên gia, những người làm công tác thực tiễn trong các cơ quan tư pháp của Hoa Kỳ. Đó là bà Ryan Wechsler - Phó Trưởng phòng chuyên trách nạn nhân, Văn phòng Công tố viên hạt Montgomery, tiểu bang Maryland và bà Deborah Feinstein - Trưởng phòng về nạn nhân, Văn phòng Chưởng lý hạt Montgomery, tiểu bang Maryland.

Các giảng viên tham gia khóa tập huấn

PV: Việc lạm dụng tình dục trẻ em là vấn đề được nhiều người quan tâm, hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Bà Ryan Wechsler: Theo tôi, vấn đề về lạm dụng tình dục trẻ em xuất hiện ở mức độ rất rộng và nó tùy thuộc vào những đặc điểm chẳng hạn như về dân số, các đặc điểm về trình độ, cư dân, không chỉ ở nông thôn mà còn thành thị và các khu vực khác nhau, ở các điều kiện khác nhau đều có vấn đề này xảy ra.

Vấn đề ở chỗ, khi những sự việc này xảy ra thường nạn nhân và gia đình nạn nhân dè dặt, không thông báo cho cơ quan chức năng nên việc lạm dụng tình dục trẻ em tồn tại rất nhiều bức xúc.

PV: Theo bà, ngoài những cái bà nhắc đến như dân số, trình độ, hoàn cảnh thì còn những nguyên nhân nào dẫn đến hành vi lạm dụng tình dục trẻ em?

Bà Deborah Feinstein: Thật ra thì câu hỏi của anh không dễ dàng để trả lời, vì có thể nói rằng có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến hành vi xâm hại tình dục trẻ em vẫn xảy ra. Đó có thể là vì động cơ rồi mục đích của những đối tượng tội phạm như mất kiểm soát, rồi lợi dụng hành vi đó để điều khiển, là phương thức để thực hiện những hoạt động phạm tội.

Ở góc độ khác, sự công khai, cảnh báo hay báo cáo cho cơ quan chức năng còn hạn chế. Chúng ta vẫn chưa đưa ra ánh sáng được nhiều vụ việc đang tồn tại và đang diễn ra.

Bà Ryan Wechsler - Phó Trưởng phòng chuyên trách nạn nhân, Văn phòng Công tố viên hạt Montgomery, tiểu bang Maryland

PV: Bà có thể chia sẻ việc xử lý tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em tại Hoa Kỳ?

Bà Ryan Wechsler: Chúng tôi xử lý việc này với cả hai khía cạnh: Thứ nhất là đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân, chúng tôi có tiếp cận trong việc hỗ trợ về mặt tâm lý cũng như các công cụ hỗ trợ. Thứ hai là chúng tôi xử lý hình sự ở các đối tượng tội phạm gây ra những vụ việc.

Về góc độ hỗ trợ nạn nhân, ở Mỹ chúng tôi có các trung tâm tư vấn hỗ trợ cho trẻ là nạn nhân của lạm dụng tình dục. Trung tâm đấy chúng tôi gọi là “Nhà Cây” (Tree House). Tại trung tâm này, chúng tôi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về mặt tinh thần, trị liệu, hỗ trợ y tế cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục.

Về góc độ hình sự, điều tra, xét xử thì ở Cơ quan Công tố của Maryland, trong văn phòng Công tố, chúng tôi có 1 phòng “hỗ trợ nạn nhân đặc biệt”. Ở phòng này, nhiệm vụ của chúng tôi là phối hợp với cơ quan điều tra để làm thế nào tăng cường các biện pháp điều tra cần thiết để đảm bảo xác định được nguyên nhân, các bằng chứng để sớm đưa ra truy tố và xét xử các đối tượng phạm tội.

Bà Deborah Feinstein (Trưởng phòng về nạn nhân, Văn phòng Chưởng lý hạt Montgomery, tiểu bang Maryland) bổ sung: Chúng tôi cũng hỗ trợ để tăng cường giáo dục nhận thức cho cộng đồng về việc vấn đề đó xảy ra như nào, cách phòng ngừa phòng tránh ra sao.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hợp tác với các trường học công để đưa vào những chương trình giáo dục, đặc biệt là cho trẻ từ 5 tuổi – lứa tuổi bắt đầu bước vào trường học. Các em được giáo dục và dạy những kỹ năng để biết thế nào là hành vi cử chỉ động chạm mức độ đúng mực và thế nào là mức độ động chạm cử chỉ xấu.

Rồi làm thế nào để biết được đây là một người lớn đáng tin cậy, đàng hoàng và làm thế nào để phân biệt được đâu là người có âm mưu, hành vi xấu.

Tương tự như vậy, chúng tôi cũng phối hợp với các cộng đồng địa phương, các tổ chức để có những chương trình phối hợp nhằm giáo dục cho cộng đồng nhận biết được hành vi phạm tội.

Bà Deborah Feinstein - Trưởng phòng về nạn nhân, Văn phòng Chưởng lý hạt Montgomery, tiểu bang Maryland

PV: Đối với những tội phạm đã từng ngồi tù vì hành vi xâm hại tình dục trẻ em, bà có thể chia sẻ những biện pháp giám sát sau khi họ mãn hạn tù?

Bà Ryan Wechsler: Đối với những tội phạm bị truy tố, xét xử, ngồi tù sau khi mãn hạn tù trở về cộng đồng thì chúng tôi sẽ thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi. Tại hệ thống này, chúng tôi cập nhật cơ sở dữ liệu cung cấp cho người dân truy cập vào mạng để biết được đối tượng đã trở về địa phương và ở địa phương nào.

Ở đó, ngoài giám sát những người đã quay trở lại sau khi mãn hạn tù thì chúng tôi cũng phối hợp với cộng đồng. Chúng tôi có các chuyên gia tâm lý, các chuyên gia về loại hình tội phạm này cùng phối hợp với cộng đồng cũng như với chính những người quay trở về đó để giám sát, nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra tình trạng lạm dụng trở lại của các đối tượng đó.

PV: Đối với loại tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em, trong đó có “ấu dâm”, một số người cho rằng đó là một dạng bệnh lý, bà nghĩ sao về điều này?

Bà Deborah Feinstein: Tôi không nghĩ rằng đó là một dạng bệnh lý. Nhưng thực tế trong xã hội có những đối tượng mà họ lại muốn có những tiếp xúc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ để có những quan hệ với trẻ.

Thực ra có một hiện tượng trong xã hội mà chúng tôi nhận thấy, có rất nhiều đối tượng cố gắng tìm những công việc để có cơ hội tiếp xúc với trẻ, chẳng hạn như làm giáo viên, làm chuyên gia tư vấn, hỗ trợ cộng đồng.

Một số đối tượng lại xây dựng lòng tin với cộng đồng, với chính gia đình của đứa trẻ đó. Rồi từ đó, họ đã có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Đây là một hiện tượng trong xã hội ngày nay mà chúng tôi thấy đang diễn ra.

PV: Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc đấu tranh với loại tội phạm này?

Bà Deborah Feinstein: Cơ quan Công tố chúng tôi có một nhiệm vụ là phối hợp, tăng cường điều tra để sớm đưa ra xét xử, đưa ra ánh sáng những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo bình an, bảo vệ trẻ em, bảo vệ những người dễ bị tổn thương.

Và có một thực tế là chính trong môi trường mà chúng ta tưởng trẻ em ở đó phải được bảo vệ - đó chính là gia đình, người thân của trẻ, thì có không ít trẻ em bị xâm hại từ chính những thành viên trong môi trường đó. Thế nên mục đích của chúng tôi là bảo vệ được trẻ từ trong chính những môi trường mà đáng lẽ trẻ phải được bảo vệ.

Lạm dụng tình dục trẻ em sẽ tác động lâu dài đến tâm lý và sự phát triển của trẻ

PV: Theo bà, tâm lí và sự phát triển trẻ sẽ ảnh hưởng ra sao khi bị xâm hại tình dục?

Bà Deborah Feinstein: Đó chính là tác động lâu dài đến trẻ khi trẻ bị lạm dụng. Những trẻ bị lạm dụng thì khoảng 25% trẻ bị mang thai ở độ tuổi vị thành niên. Rồi những trẻ vị thành niên bị lạm dụng thường có hành vi liên quan đến rủi ro về tình dục, tức là khả năng bị lây nhiễm rất cao về các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Khoảng 30% trẻ bị lạm dụng hoặc bị bỏ bê thì sau đó cũng là những đối tượng mà có thể lạm dụng những đối tượng trẻ khác, tức là nó sẽ dẫn đến một vòng xoáy lạm dụng đối với trẻ em. Cũng có những trẻ em khi bị lạm dụng tình dục hay bị bỏ bê bởi người thân của mình thì mức độ khoảng 9 lần trở lên bị ảnh hưởng liên quan đến các hành vi phạm tội.

PV: Đối với điều tra tội phạm liên quan hành vi lạm dụng tình dục trẻ em thì thường có nhiều khó khăn, ví dụ như lời khai của trẻ, hiện trường, dấu vết bị xâm hại tình dục không còn thì phía bên Công tố viên sẽ có những biện pháp gì để làm rõ được vấn đề này?

Bà Ryan Wechsler: Anh nói hoàn toàn đúng, không phải lúc nào cũng dễ dàng có thể điều tra và thu thập các chứng cứ bởi có những lúc các em và gia đình báo vụ việc rất muộn. Có những vụ xảy ra việc xâm hại tình dục cách đấy nhiều tháng, thậm chí nhiều năm rồi mới báo cơ quan chức năng biết vụ việc.

Thế nên, để có thể đảm bảo được công tác điều tra, truy tố thì chúng tôi cũng phải phối hợp với rất nhiều các đơn vị khác nhau, như cần phải tiếp cận trường học để xem quá trình học tập của trẻ bị ảnh hưởng như thế nào. Hay về mặt sức khỏe, chúng tôi cũng phải kiểm tra quá trình phát triển của trẻ có bệnh tật hay tác động gì không. Có rất nhiều yếu tố như vậy nên chúng tôi phải cố gắng để tìm được những manh mối cũng như chứng cứ để sớm điều tra ra được vụ án.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Tuấn (thực hiện)

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/y-te-suc-khoe/kinh-nghiem-tu-chuyen-gia-my-ho-tro-tam-ly-cho-tre-bi-lam-dung-tinh-duc-15794