Kinh nghiệm trồng lúa trên đất bị mặn xâm nhập

Bà con nông dân ĐBSCL đã quen sống chung với nước mặn từ lâu, nhất là các vùng ven biển thường xuyên bị mặn xâm nhập. Từ đó, việc trồng lúa trên đất nhiễm mặn, kể cả mô hình lúa thuần hay lúa tôm được hình thành.

Lúc ban đầu gặp khá nhiều khó khăn, tuy nhiên trải qua nhiều năm, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong thực tế, cộng thêm sự hỗ trợ của tiến bộ khoa học nên từng bước bà con cũng đã thành công. Dù đạt được kết quả trong việc trồng lúa trên đất nhiễm mặn nhưng do biến đổi khí hậu nên độ mặn ngày càng cao vì vậy để tiếp tục thành công với các vùng đất này bà con phải biết kết hợp nhiều mặt như chọn giống chịu mặn cao, xử lý giống và đất tốt, áp dụng liều lượng và chủng loại phân bón hợp lý… Những giống chịu mặn cao, nếu trồng trong môi trường nước ngọt thì vẫn cho năng suất cao nên việc tạo môi trường thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng một cách phù hợp vẫn là biện pháp cơ bản nhất.

Trong thực tiễn sản xuất ở Kiên Giang, các năm trước đây đã suy tôn các giống lúa sinh trưởng phát triển tốt cho vùng lúa - tôm có thể kể đến như: OM 4900,OM6976, OM2517, OM3747, OM6162. Các giống địa phương thì có: Một bụi, Lùn cẩn, Trắng tép, Tài nguyên, Ngọc nữ BTE1. Vùng Sóc Trăng có các giống ST5, ST10, ST13, OM5629, OM8923. Tất cả các giống này áp dụng đúng kỹ thuật đều mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao cho mô hình lúa - tôm.

Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền.

Cho tới thời điểm hiện nay chưa có loại giống lúa nào thành công ở mức độ mặn 6 0/00, ngay cả Viện Nghiên cứu Nông nghiệp của Trung Quốc cũng chỉ mới có giống chịu mặn 40/00, họ đang phấn đấu để lai tạo giống chịu mặn đến 60/00 nhưng đó là tương lai. Ở Việt Nam chúng ta có giống ST20, và 2 giống OM chịu mặn khá ở mức 40/00 cũng có thể coi đó là nền tảng để thực hiện mô hình lúa - tôm bền vững.

Dù đã có những giống lúa chịu mặn nhưng bà con cũng phải lưu ý né mặn, có 2 thời kỳ chủ lực cây lúa dễ bị mặn gây hại là từ lúc nảy mầm đến 2-3 lá và lúc trổ bông, thụ phấn. Vì vậy, cần xử lý hạt giống bằng nano kẽm hay kẽm thông minh với liều lượng 15mg/lít nước trong vòng 5-10 tiếng, ủ cho nẩy mầm rồi gieo, bón phân mặn, phèn liều lượng 400-500kg/ha trước khi gieo, nếu độ mặn lúc gieo cao trên 2 phần ngàn thì bà con tăng lượng bón lót để cho cây lúa vượt qua giai đoạn nẩy mầm nhanh. Sau đó dùng các loại phân NPK bón thúc đồng theo hướng dẫn và khi lúa khỏe có gặp mức mặn đến 40/00 cây lúa vẫn vượt qua để cho năng suất cao.

Thích ứng với biến đổi khí hậu để tồn tại là cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Đó là một thực tế, nếu bà con biết tận dụng kinh nghiệm của mình, kết hợp với áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật thì việc đạt kết quả cao trên đồng ruộng bị mặn xâm nhập là điều chắc chắn.

Lê Quốc Phong

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/kinh-nghiem-trong-lua-tren-dat-bi-man-xam-nhap-d67274.html