Kinh nghiệm tiêu thụ nông sản của Sơn La: Thành công nhờ khác biệt

Tại Sơn La, từ lãnh đạo tỉnh, huyện đến doanh nghiệp đều cùng 'xắn tay' tìm cách tiêu thụ nông sản. Đó là cách làm khác biệt của địa phương và cũng là kinh nghiệm cho nhiều tỉnh, thành phố...

Những ngày này tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, bà con đang phấn khởi vào vụ thu hoạch xoài. Chị Hà Thị Chình – xã viên HTX– chia sẻ, năm nay niềm vui nhân đôi khi lần đầu tiên trái xoài Sơn La được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Anh. Còn tại thị trường trong nước, chỉ trong Tuần lễ giới thiệu xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La 2019 tại siêu thị Big C Thăng Long, doanh số bán hàng đã đạt gần 4 tỷ đồng.

Đưa xoài Sơn La đến gần hơn với người tiêu dùng

Đưa xoài Sơn La đến gần hơn với người tiêu dùng

Có được thành quả đó là nhờ lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Sơn La rất cầu thị trong công tác xúc tiến trái cây và nông sản địa phương đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ông Vũ Đức Thuận - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La - cho biết, để sản phẩm nông sản Sơn La có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, bên cạnh chất lượng sản phẩm ngon, sạch thì một kế hoạch xúc tiến thương mại chi tiết đã được tỉnh đặt ra ngay từ đầu năm để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Một chuỗi các hoạt động như: Tuần lễ xoài và nông sản an toàn Sơn La 2019 tại siêu thị Big C Thăng Long, các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản sản an toàn tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, hệ thống siêu thị LotteMart, HaproMart, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La sang thị trường Trung Quốc, “Ngày hội xoài Yên Châu 2019”… đã đưa xoài nói riêng và các nông sản an toàn khác đến gần hơn với người tiêu dùng. Đích thân lãnh đạo tỉnh Sơn La đã có mặt tại các sự kiện, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương.

Cùng với công tác xúc tiến thương mại, ông Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La - chia sẻ: Hiện tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh mối liên kết “4 nhà”; tăng cường cải cách hành chính; chính quyền thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp; minh bạch và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguồn vốn và thị trường; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ cao… Đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; liên kết để đầu tư vào chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi, kết nối với hệ thống tiêu thụ ổn định trong nước và xuất khẩu.

Là một trong những doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh Sơn La, bà Phùng Thị Thu Hương - Tổng giám đốc Công ty CP thương mại và xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam - đánh giá, thành công trong công tác xúc tiến thương mại của Sơn La thời gian qua là việc chung sức, đồng lòng vào cuộc của tất cả các sở, ban, ngành địa phương với một quan điểm thống nhất từ trên xuống dưới.

Từ nhiều năm nay, đầu ra vẫn là nút thắt đối với nông sản của Việt Nam. Hiện, xu hướng “được mùa, mất giá” hay “giải cứu nông sản” ở nước ta vẫn tiếp diễn. Cách thức xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản của Sơn La nói chung và xoài nói riêng của lãnh đạo tỉnh Sơn La sẽ là kinh nghiệm hay cho các địa phương trong việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản.

Tại Lễ xuất khẩu xoài Yên Châu diễn ra đầu tháng 6, đã có 3 tấn xoài đi Mỹ, 3 tấn đi Australia và 7 tấn xuất đi Anh và trước đó, 1.000 tấn được xuất sang Trung Quốc.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-nghiem-tieu-thu-nong-san-cua-son-la-thanh-cong-nho-khac-biet-121504.html