Kinh nghiệm thành lập công ty cho người nước ngoài

Theo Luật sư Đào Sơn - Công ty Luật Trí Nam cá nhân, công ty nước ngoài thành lập công ty mới triển khai kinh doanh tại Việt Nam được đảm bảo quyền lợi hợp pháp như công dân trong nước và bình đẳng trong áp dụng các chính sách về thuế, lao động, bảo hiểm.

Công ty do người nước ngoài thành lập được cấp những giấy tờ gì?

Luật doanh nghiệp 2014 đã kiện toàn công tác quản lý các loại hình doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn nước ngoài từ 01/07/2015, theo đó tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh/ thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính cấp. Chia sẻ về nội dung này Luật sư Đào Sơn – Công ty luật Trí Nam phân tích thêm các ưu điểm trong quy định về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với công ty vốn nước ngoài:

“Thứ nhất, trước thời điểm 01/07/2015 giấy phép hoạt động của công ty vốn nước ngoài có nhiều loại bao gồm: Giấy phép đầu tư đối với các công ty cấp phép trước khi luật đầu tư 2005 có hiệu lực, Giấy chứng nhận đầu tư đối với các công ty cấp phép theo luật đầu tư 2005 tính đến trước ngày 01/07/2015 và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các công ty vốn nước ngoài hình thành từ việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Trên Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đều ghi nhận nội dung đăng ký kinh doanh tuy nhiên do quy định pháp luật doanh nghiệp mỗi thời kỳ khác nhau nên tồn tại nhiều bất cập như có công ty chỉ ghi nhận tên là Công ty liên doanh mà không ghi nhận loại hình doanh nghiệp dẫn đến việc không xác định được quy định pháp luật áp dụng cho việc quản lý điều hành nội bộ công ty. Việc thống nhất quản lý doanh nghiệp theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã giải quyết triệt để được bất cập này, các doanh nghiệp đều phải đăng ký lại đầy đủ các thông tin theo quy định mới được cấp đổi sang giấy phép mới.

Công ty luật Trí Nam

Công ty luật Trí Nam

Thứ hai, trong giai đoạn trước 01/07/2015 tồn tại hai khái niệm: Công ty vốn nước ngoài hoạt động theo giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và công ty vốn nước ngoài hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Công ty Việt Nam có người nước ngoài góp vốn, mua cổ phần). Phương thức quản lý hai loại công ty này cũng có bất cập do thẩm quyền cấp giấy phép thuộc các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Sự thống nhất quản lý theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã giải quyế triệt để bất cập này.”

Những ưu điểm này giúp ích cho nhà đầu tư trong việc tìm hiểu cách thành lập công ty nước ngoài không gặp trở ngại trong việc tìm hiểu giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Công ty vốn nước ngoài có bắt buộc phải xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?

Quy định hiện hành ghi nhận Giấy chứng nhận đầu tư là một trong các giấy phép cấp cho công ty vốn nước ngoài theo hình thức đầu tư mà nhà đầu tư lựa chọn. Theo đó hình thức đầu tư được Luật đầu tư 2014 quy định thì: Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế quy định tại Điều 22 phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế quy định tại Điều 24 không phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ngoài ra luật đầu tư 2014 cũng quy định thêm một hình thức đầu tư của người nước ngoài bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư đó là đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC quy định tại Điều 28.

Như vậy Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không phải là giấy tờ bắt buộc phải có đối với một công ty vốn nước ngoài, nhưng nó khá quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy đây là giấy tờ cần để được xem xét áp dụng ưu đãi đầu tư theo luật đầu tư 2014, là giấy tờ cần thiết để thực hiện các thủ tục hành chính như: Thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài không được chính phủ bảo lãnh, thủ tục đánh giá tác động môi trường cho dự án, thủ tục nhập khẩu máy móc thiết bị cho dự án,... Doanh nghiệp khi đã đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà phát sinh các thay đổi thông tin tại loại giấy tờ này thì trong vòng 10 ngày phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo hướng dẫn tại nghị định 118/2015/NĐ-CP.

Người nước ngoài được thành lập công ty kinh doanh những ngành nghề nào?

Pháp luật cho phép người nước ngoài được thành lập công ty kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật Việt Nam cho phép. Chúng tôi dùng từ “cho phép” bởi khi xem xét nội dung ngành nghề công ty vốn nước ngoài cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ vào những yếu tố sau để chấp nhận hay từ chối cho đăng ký:

Thứ nhất là căn cứ vào hiệp định thương mại đa phương như WTO hoặc các hiệp định song phương để xác định với quốc tịch hiện tại của Nhà đầu tư thì lĩnh vực đầu tư kinh doanh nói trên có được Việt Nam cam kết hay không. Thực tế ngay cả những lĩnh vực chưa cam kết như hoạt động tư vấn đầu tư, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp vẫn được Việt Nam cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực kinh doanh đăng ký cũng là yếu tố quyết định thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư theo Luật đầu tư 2014. Người nước ngoài mong muốn thành lập công ty giá rẻ để tích kiệm chi phí thì cần tối ưu lĩnh vực kinh doanh đăng ký ngay khi chuẩn bị tài liệu.

Thứ hai là căn cứ vào quy định pháp luật Việt Nam về điều kiện kinh doanh áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài để cơ quan cấp phép kinh doanh quyết định có chấp thuận cho người nước ngoài thành lập công ty với ngành nghề kinh doanh đăng ký hay không. Ví dụ các dịch vụ về bất động sản thì người nước ngoài chỉ được đăng ký ngành nghề kinh doanh đối với hoạt động môi giới bất động sản, không được đăng ký ngành nghề kinh doanh về định giá bất động sản.

Thứ ba là căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh doanh của từng địa bàn cụ thể để xem xét lĩnh vực kinh doanh được phép đăng ký cho người nước ngoài. Như các bạn đã biết thẩm quyền giải quyết hồ sơ thành lập công ty vốn nước ngoài được xác định theo địa bàn đặt trụ sở chính công ty. Do đó lĩnh vực kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch của địa phương, địa bàn ví như: Không khuyến khích thành lập công ty vốn nước ngoài hoạt động thương mại đơn thuần đăng ký trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; Hoặc thành lập công ty vốn nước ngoài có ngành nghề sản xuất hàng hóa có ảnh hưởng đến môi trường trong các khu đô thị mới.

Một số kinh nghiệm chia sẻ nói trên hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc trong việc nghiên cứu thủ tục thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam. Chúc các bạn thành công.

Thu Hà

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/can-biet/tai-chinh-doanh-nghiep/kinh-nghiem-thanh-lap-cong-ty-cho-nguoi-nuoc-ngoai-a311309.html