Kinh nghiệm kiểm sát về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tùy vào từng yêu cầu của người khởi kiện, Kiểm sát viên làm rõ các nội dung liên quan xem yêu cầu của người khởi kiện có căn cứ hay không. Từ đó, Kiểm sát viên cần lưu ý đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính là đúng hay không về mặt thẩm quyền…

Theo thông báo của VKSND tối cao về một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tùy vào từng yêu cầu của người khởi kiện, Kiểm sát viên làm rõ các nội dung liên quan xem yêu cầu của người khởi kiện có căn cứ hay không.

Cụ thể đó là điều kiện, đối tượng được nhà nước giao đất, thẩm quyền và trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên cần lưu ý đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính là đúng hay không về mặt thẩm quyền; trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính; căn cứ pháp luật áp dụng để ban hành quyết định hành chính, thực hiện hay không thực hiện hành vi hành chính. Từ đó làm cơ sở cho việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.

Về điều kiện giao đất, cho thuê đất, điều kiện, căn cứ giao đất được quy định tại Điều 52 Luật Đất đai năm 2013; trong đó Kiểm sát viên lưu ý: Đối với việc giao đất để thực hiện dự án đầu tư cần làm rõ các dự án đầu tư có nằm trong trường hợp các dự án được Nhà nước giao đất theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, khoản 11 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 148/2020/ND-CP hay không.

Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. (Ảnh minh họa)

Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. (Ảnh minh họa)

Đối với việc cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện theo quy định tại Điều 56, 57 Luật Đất đai năm 2013.

Việc xác định người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư không vi phạm pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đối với dự án tại địa phương.

Đồng thời, căn cứ nội dung công bố về tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

Thời điểm thẩm định các điều kiện này được thực hiện đồng thời với việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Kiểm sát viên đánh giá các nội dung liên quan đến điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo điều kiện đúng theo quy định của pháp luật. Từ đó Kiểm sát viên có những nhận định, đánh giá đối với hoạt động giải quyết của Tòa án khi giải quyết vụ án.

Về đối tượng được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Kiểm sát viên kiểm sát nội dung về đối tượng được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm làm rõ người được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp nào, có đảm bảo các điều kiện tương ứng với các Điều 54, 55, 56 Luật Đất đai năm 2013 hay không?

Nếu đối tượng được giao đất không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất thì hoạt động giao đất của cơ quan nhà nước là trái pháp luật. Kiểm sát viên cần lưu ý, trường hợp đất đang có người sử dụng mà giao đất cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai và phải thực hiện xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp giải phóng mặt bằng.

Mặt khác, để đánh giá việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất có bảo đảm đúng trình tự, thủ tục hay không, Kiểm sát viên căn cứ vào quy định của pháp luật về đất đai và các văn bản của UBND về trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013, Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, khoản 20, 21 Điều 1 Nghị định số 148/2020/ND-CP, Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT. Từ căn cứ pháp luật nêu trên, đối chiếu với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện xem có căn cứ hay không có căn cứ để đưa ra quan điểm chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Ngoài ra, khi kiểm sát về thẩm quyền giao đất, Kiểm sát viên căn cứ Điều 59 Luật Đất đai năm 2013; theo đó thẩm quyền giao đất, thuộc về UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền cho thuê đất, đồng nghĩa với việc người bị kiện trong vụ án hành chính liên quan đến quyết định giao đất được xác định với tư cách là cơ quan nhà nước chứ không phải cá nhân.

Đồng thời, Kiểm sát viên đối chiếu với nội dung đơn khởi kiện về đối tượng khởi kiện, nếu Tòa án xác định sai tư cách người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên phải đề xuất lãnh đạo kiến nghị Tòa án khắc phục. Đặc biệt, khi thực hiện hoạt động này, người có thẩm quyền không được ủy quyền cho bất kỳ cơ quan nào, vì vậy Kiểm sát viên cần lưu ý khi xác định thẩm quyền giao đất trong từng trường hợp cụ thể để đảm bảo đủ căn cứ xác định tính hợp pháp trong quyết định hành chính liên quan đến giao đất.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/kinh-nghiem-kiem-sat-ve-giao-dat-cho-thue-dat-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-107264.html