Kinh nghiệm hay về hòa giải án dân sự từ cơ sở

Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành tòa án năm 2018 mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) là đơn vị cơ sở của ngành trình bày tham luận, chia sẻ kinh nghiệm hay trong công tác hòa giải án dân sự.

Thời gian qua, đơn vị phấn đấu hoàn thành 98,5% số án đã thụ lý. Chất lượng xét xử được nâng lên rõ rệt, không có trường hợp kết án oan hay bỏ lọt tội phạm, không có án bị hủy hoặc bị cải sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Trong đó, hòa giải thành công của các loại án là 189 trong số 291 vụ, đạt tỷ lệ 64,9%. Tỷ lệ đưa ra xét xử án dân sự nói chung thấp (chín trong số 291 vụ, chỉ chiếm 0,03%). TAND huyện chú trọng làm tốt công tác hòa giải. Ðồng chí Trịnh Thị Trung, Chánh án TAND huyện Vĩnh Linh là một trong 27 thẩm phán đầu tiên của cả nước được vinh danh "Thẩm phán tiêu biểu" cho biết: Tại địa phương, mặc dù số vụ án dân sự tăng, nhất là loại án tranh chấp quyền sử dụng đất, đòi lại tài sản, đòi bồi thường thiệt hại… Trong đó, có nhiều vụ trước khi khởi kiện đến tòa án, đã qua nhiều cơ quan hoặc chính quyền địa phương giải quyết trong nhiều năm nhưng không thành, làm vụ án kéo dài và nguy cơ trở thành điểm nóng hoặc thường xuyên xảy ra xung đột gây mất trật tự ở địa phương. Sau khi thụ lý đơn khởi kiện, TAND huyện kiên trì hòa giải, thuyết phục, giải thích về chính sách pháp luật và phân tích đánh giá thấu tình đạt lý giúp đương sự nhận thức đúng sự việc tranh chấp để chọn phương pháp tốt nhất. "Ðiều quan trọng không chỉ giải quyết xong vụ án mà còn góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương, củng cố khối đại đoàn kết trong nội bộ nhân dân", đồng chí Trịnh Thị Trung nêu rõ.

Ðể có được kết quả nêu trên, trước hết thẩm phán phải đặc biệt quan tâm đến công tác hòa giải, xác định hòa giải là một biện pháp quan trọng không thể thiếu trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, là một thủ tục bắt buộc và phải tiến hành trước khi xét xử sơ thẩm. Về người chủ trì công tác hòa giải phải quán triệt đầy đủ để thẩm phán, thư ký tòa án nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng công tác hòa giải, trên cơ sơ đó căn cứ vào tính chất vụ án, đối tượng khởi kiện để chọn thẩm phán có đủ năng lực, uy tín, có tinh thần trách nhiệm và có tác phong thận trọng, khách quan, vô tư để chủ trì phiên hòa giải. Trình độ hiểu biết về tâm lý xã hội, về kinh nghiệm của thẩm phán cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quyết định kết quả hòa giải. Khi chọn thẩm phán để giải quyết án hôn nhân và gia đình phải chọn người không những chỉ có kiến thức chuyên môn mà cần phải có kiến thức xã hội sâu rộng, có kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình.

Ngược lại, nếu giao thẩm phán trẻ, chưa có kinh nghiệm về hôn nhân gia đình thì kết quả hòa giải mang lại không cao. Vì mục đích của việc giải quyết án ly hôn không chỉ đạt được yêu cầu của nguyên đơn, quan trọng hơn là tránh sự tan vỡ gia đình và chính bản thân các thành viên trong gia đình phải gánh chịu hậu quả. Vì thế nghệ thuật của người thẩm phán có tính chất quyết định đến hiệu quả công tác hòa giải.

Kinh nghiệm khác từ thực tiễn công tác tại TAND huyện Vĩnh Linh là sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa tòa án với chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Ðây là khâu kết nối hết sức quan trọng, là tiền đề quyết định sự thành công của phiên hòa giải. Thông qua chính quyền và các tổ chức đoàn thể cơ sở khi giải quyết vụ án để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Từ đó thẩm phán nắm bắt một cách chi tiết cụ thể các tình tiết liên quan vụ kiện, trên cơ sở đó mới đưa ra hướng hòa giải tích cực và hiệu quả.

Ðược biết, trong năm 2017, nhiều vụ án dân sự TAND huyện Vĩnh Linh đưa về nơi xảy ra tranh chấp hoặc nơi thường trú của các đương sự như thôn, làng, khóm phố, qua đó phối hợp các đoàn thể quần chúng, hoặc những người có uy tín ở cộng đồng địa phương cùng tham gia hòa giải. Như vậy, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các bên đương sự, đồng thời tạo tâm lý thoải mái để họ ít mặc cảm hơn so với tổ chức hòa giải tại trụ sở tòa án. Theo đồng chí Trịnh Thị Trung, với trình tự giải quyết tại phiên tòa, hội đồng xét xử một lần nữa thông qua việc xét hỏi, thẩm tra chứng cứ, dành thời gian và tạo cơ hội để các bên tự thỏa thuận việc giải quyết nội dung vụ án. Ðiều này đòi hỏi nghệ thuật và kỹ năng của các thành viên trong hội đồng xét xử, qua cách xét hỏi làm sao để các đương sự hiểu biết lẫn nhau, thấu hiểu quy định pháp luật, đi đến hòa giải ngay tại phiên tòa.

THÁI ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/35524402-kinh-nghiem-hay-ve-hoa-giai-an-dan-su-tu-co-so.html