Kinh nghiệm đổi mới GD ở một xã vùng dân tộc

Trường Tiểu học và THCS Lương Mông, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) nằm trên địa bàn xã cách xa trung tâm huyện, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, công tác giáo dục có những chuyển biến tích cực, cùng nỗ lực của thầy cô giáo xây trường học hạnh phúc, GD Lương Mông đã đổi thay tích cực.

Cô trò cùng cảm nhận hạnh phúc khi đến trường

Cô trò cùng cảm nhận hạnh phúc khi đến trường

Nỗ lực vượt khó

Theo nhà giáo Hoàng Đình Thỏa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lương Mông: Những khó khăn khách quan của vùng dân tộc

là một trong những rào cản để nâng cao chất lượng giáo dục của trường. Một số giáo viên (GV) trẻ kinh nghiệm còn hạn chế, một số có tuổi việc tiếp cận, ứng dụng CNTT chậm. Đa số GV THCS gia đình ở thị trấn, các lớp tiểu học không ở tập trung, khoảng cách giữa các cơ sở khá xa nên GV ít có điều kiện học tập kinh nghiệm lẫn nhau, khó có điều kiện nâng cao được trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Lương Mông là một xã miền núi đặc trưng của vùng dân tộc, những vấn đề tồn tại của GD của vùng dân tộc ít người cũng là tồn tại của nhà trường. Hơn 90% số HS là người dân tộc thiểu số. Nhiều gia đình chưa quan tâm đến học tập của con em nên nhận thức của các em còn hạn chế, tiếp thu bài chậm. Nhà giáo Hoàng Đình Thỏa cho biết thêm: Trường đã có những quan tâm đầu tư, nhưng thiết bị dạy học, phòng học chức năng còn thiếu, hoặc không sử dụng được do đã xuống cấp nên ảnh hưởng đến việc dạy và học.

Dù các cấp quản lý có quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ, nhưng vẫn có những rào cản khó vượt qua. Cấp THCS, việc duy trì sĩ số, nề nếp bán trú còn hạn chế do cha mẹ học sinh chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của con mình. Tuy nhiên, các thầy cô giáo vẫn nỗ lực để nâng chất dạy - học, vẫn biết đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, nên một bộ phận nhân dân nhận thức về công tác giáo dục chưa đầy đủ. Bằng sự đồng cảm sẻ chia, các thầy cô đã cùng trò vượt khó để HS cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường.

Thành công ngoài mong đợi

Theo bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ: Những năm gần đây, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học của trường được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng dạy - học. Ngoài ra, từ nỗ lực bền bỉ của các thầy cô giáo, hoạt động dạy - học được đổi mới tích cực.

Cả HS và GV đều cảm nhận niềm vui, hạnh phúc khi đến trường bằng nỗ lực dạy tốt, học tốt. Nhà trường giữ vững mạng lưới điểm trường, lớp các cấp học so với kế hoạch đề ra. Có 2 điểm trường, 1 điểm trường chính và 1 điểm trường lẻ. Với 13/13 lớp đạt 100% kế hoạch. Số HS đầu năm học là 231 (tăng 5 học sinh so với cùng kỳ năm học trước); trong đó tiểu học có 140, THCS có 91.

Với một trường vùng cao khu vực có nhiều người dân tộc, việc duy trì theo kế hoạch số điểm trường, huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi ra lớp ở cả hai cấp học đều đạt cao, từ 95 - 98% là điều đáng mừng. Nhà giáo Hoàng Đình Thỏa, cho biết: Nhà trường tiến hành chỉ đạo, đồng thời kiểm tra công tác quản lý hoạt động dạy học, giáo dục; qua theo dõi, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của chuyên môn, giáo viên đảm bảo nghiêm túc, chịu khó học hỏi, vướng mắc xin ý kiến chỉ đạo. Trường cũng quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS; việc xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, an toàn, vệ sinh.

Thầy Hoàng Đình Thỏa tâm sự: Quan điểm xây dựng trường học hạnh phúc ở miền núi cũng khác đồng bằng. Chúng tôi xây dựng kế hoạch GD của từng môn học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường theo hướng sắp xếp lại các nội dung dạy học, cập nhật nội dung dạy học nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tổ chuyên môn. Việc tổ chức các cuộc họp trao đổi, thảo luận chia sẻ kinh nghiệm về quản lý hoạt động dạy học, giáo dục, quản lý lớp, quản lý HS bán trú và phối hợp trong công tác giáo dục HS.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/kinh-nghiem-doi-moi-gd-o-mot-xa-vung-dan-toc-4070228-b.html