Kinh nghiệm của lão ngư trọn đời với biển cả

Ngày đầu hè, ngoài khơi sóng cồn cào, nhưng gần bờ vẫn lặng gió. Ngư dân Trần Công Bình ngồi thong dong trên chiếc thuyền nhỏ đang hướng về Cù Lao Chàm. Trên thuyền đã có thiết bị dự báo thời tiết, nhưng theo thói quen, ông vẫn hướng mắt về Sơn Trà để tìm đụn mây trên đỉnh núi và nhớ đến câu ca: 'Đời ông cho tới đời cha/ Mây phủ Sơn Trà không gió thì mưa'.

Ngư dân Trần Công Bình trên chiếc thuyền nhỏ là phương tiện mưu sinh của mình. Ảnh: Lê Văn Chương

Ngư dân Trần Công Bình trên chiếc thuyền nhỏ là phương tiện mưu sinh của mình. Ảnh: Lê Văn Chương

Ngược dòng thời gian của vài chục năm trước, những ngư dân ở Cửa Đại hàng ngày chèo chống trên chiếc thuyền nhỏ, giật căng cánh buồm mượn sức gió để ra biển đánh cá. Đảo Cù Lao Chàm như bức tường thành chắn ngang, chở che cho người dân mưu sinh. Đứng trong bờ trông ra, hòn đảo này dường như nằm sát cạnh bên, nhưng thời còn chèo chống, để vượt quãng đường 18km ra đảo, trong khi trên thuyền không có thiết bị dự báo thời tiết thì đó là một chặng gian nan. Nếu trời bất thình lình đổ gió, nếu biển bất chợt xuất hiện một cơn lốc xoáy thì con thuyền ngược vào bờ không mấy dễ dàng. Vậy nên, những cụ già trong làng thường ngắm trời, ngắm biển, ngắm sao để đúc kết hiện tượng thời tiết, truyền lại cho con cháu đi mưu sinh trên biển.

Mỗi khi chèo thuyền vượt ra khỏi cửa biển, những người dân chài thường ngoái nhìn về phía Bắc để xem tình hình thời tiết, dựa vào những gì diễn ra trên ngọn núi Sơn Trà. Những ngư dân đang đánh cá ngoài biển, thỉnh thoảng lại dừng tay kéo lưới và hướng mắt về ngọn núi Sơn Trà. Nếu trên đỉnh núi kết một đám mây thì biển sẽ có gió. Càng có mây đen bao phủ thì thời tiết càng xấu đi nên phải nhanh chóng giật buồm, gò lưng chèo chống cho thuyền nan mau mau quay vào bờ.

Cái thời không có đài để nghe thông tin thời tiết, mỗi ngư dân khi đi biển phải học thuộc vài câu hò mà nội dung có chứa đựng những câu từ chỉ dẫn đường đi, lối về trên biển: “Ngó về cửa Đại thương ôi/ Hòn Nờm nằm đó mồ côi một mình...”. Ngoài việc nhớ câu hò định vị, xem thời tiết trên đỉnh núi, ngư dân còn phải học thêm kinh nghiệm từ các làng chài khác quy tụ về cửa Đại. Có những kinh nghiệm khác được truyền khẩu, ban đêm nếu thấy con sao biển nổi ngời ngời trên mặt nước, bơi xẹt cạnh thuyền thì có nghĩa là những ngày kế tiếp biển động. Nếu phía chân trời có quầng mây đen, sát mặt nước sáng rực lên gọi là he, có nghĩa là biển sắp nổi gió.

Thời cách mạng công nghiệp 4.0, đã qua rồi chuyện người đi biển ngắm trời, nhìn mây, xem nước để đoán tình hình thời tiết. Nhưng đối với các ngư dân lớn tuổi ở Cửa Đại thì thói quen ngày nào vẫn lưu giữ. Ngư dân Trần Công Bình, quê ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình chỉ vào chiếc thuyền nhỏ của mình và nói: “Tuổi thọ của hắn 7 năm, hắn chịu được mười mấy năm thì thay mới”.

Ông Bình cho biết, năm nay 61 tuổi nên nghỉ đi bạn trên tàu lớn, quay về sắm chiếc thuyền nhỏ trị giá 15 triệu đồng, mỗi đêm thả rập bắt ghẹ kiếm được 400 ngàn đồng, sống cuộc đời an nhàn, sáng đi chiều vô. Do một mình một thúng, hàng đêm lênh đênh trên biển, nên ông lại suy ngẫm về quãng đời biển cả thời trai trẻ, nhớ đến những lão ngư vạm vỡ đã khuất, nhưng vẫn để lại cho con cháu vô số những kinh nghiệm dân gian. Thời trước, mỗi khi nhảy lên thuyền, giật buồm ra biển, nếu ai đó không thuộc những bài vè nói về thiên nhiên, biển cả, thời tiết thì có nghĩa là dốt, kém. Vì thời đó không có sách vở, mọi cái được “khắc” trong câu vè và ngư dân lấy đó làm “cẩm nang” để lên thuyền đi khơi.

Chiếc thúng méo mà ngư dân này nói trông giống như một chiếc thúng, nhưng được làm hơi dài nên có cấu tạo nửa thúng, nửa thuyền. Phương tiện đánh bắt thô sơ, nhưng trên thuyền đều có đủ: Máy Icom kèm luôn chức năng dự báo thời tiết, trục kéo lưới ghẹ. Nhìn trong lòng thuyền thì có thể hình dung được, hàng đêm, ông thong dong trên con thuyền, với tay nấu ấm nước chè, hít thở hơi gió biển căng lồng ngực, thỉnh thoảng chia sẻ câu chuyện đánh bắt trên máy Icom để khỏi buồn ngủ, cảnh báo tàu đánh lưới giã cào đi lấn sát bờ, có thể cuốn nát giàn lưới rập đang thả dưới đáy biển. Người bạn thường đồng hành với ông là ngư dân Trần Công Gia cũng có mặt trên một chiếc thuyền gần đó.

Trên biển, những con thuyền nhỏ lạch xạch quay về bờ khi mặt trời nhô lên đỏ rực phía đường chân trời. Những người có phương tiện thô sơ như ông Bình vẫn thường nhìn về phía ngọn núi Sơn Trà để tìm đám mây trên đỉnh núi. Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương thường chỉ báo thời tiết một vùng rộng, không thể phân ô chi tiết từng vùng nhỏ. Còn mây trên ngọn núi Sơn Trà thì dự báo thời tiết ở một vùng biển hẹp. Vì thế, đối với những lão ngư quen đi biển ở những vùng nhỏ như ông, dù là thời buổi công nghệ số, nhưng những kinh nghiệm dân gian vẫn quý giá vô cùng. Nó giúp ông sống cuộc đời thong dong, an nhàn, ghe thuyền lúc nào cũng đầy ắp cá tôm và trọn đời gắn bó với biển cả.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/kinh-nghiem-cua-lao-ngu-tron-doi-voi-bien-ca/