Kinh nghiệm của huyện Thanh Trì

Sau sáu năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác xây dựng Ðảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, huyện Thanh Trì đã thành lập mới bốn chi bộ, kết nạp 27 đảng viên mới; thành lập bốn tổ chức công đoàn với 255 đoàn viên. Hầu hết các doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh; đời sống của người lao động từng bước được cải thiện. Ðạt kết quả này là sự cố gắng của hệ thống chính trị các cấp, bằng nhiều giải pháp thực hiện kiên trì, bền bỉ.

Một buổi họp của Ðảng ủy Khối doanh nghiệp huyện Thanh Trì. Ảnh: BÁ HOẠT

Hiệu quả rõ nét

Ðược thành lập từ năm 2016 với ba đảng viên, đến nay Chi bộ Công ty cổ phần Feroli Việt Nam có tám đảng viên, đều được phát triển từ những hạt nhân ưu tú tại doanh nghiệp. Là một trong những đảng viên trẻ của doanh nghiệp, Chủ tịch HÐQT Công ty Trần Ngọc Huy cho biết, từ khi có Chi bộ, hoạt động của công ty bài bản hơn, tạo uy tín tốt trên thị trường. “Hầu hết nhân sự chủ chốt của công ty đều là đảng viên, cho nên các chủ trương, định hướng của Chi bộ đều được triển khai nhanh chóng, đồng bộ, tạo thêm lực đẩy để doanh nghiệp phát triển tốt hơn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 100 lao động”, ông Trần Ngọc Huy nói.

Nhiều doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tại huyện Thanh Trì sau khi thành lập được các tổ chức đảng, đoàn thể đều có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn trước. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 1.849 doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó 76 doanh nghiệp có tổ chức đảng với 832 đảng viên; 104 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn với hơn 4.000 đoàn viên. Riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã thành lập mới bốn chi bộ, kết nạp 27 đảng viên mới; thành lập bốn tổ chức công đoàn với 255 đoàn viên. Theo đánh giá của Huyện ủy Thanh Trì, đa số các doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước; việc làm, đời sống của người lao động từng bước được cải thiện; công tác xây dựng Ðảng với loại hình doanh nghiệp này có chuyển biến tích cực; các tổ chức quần chúng hoạt động khá thiết thực, hiệu quả.

Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cho rằng, việc thành lập được tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là sự cố gắng của hệ thống chính trị các cấp, bằng nhiều giải pháp thực hiện kiên trì, bền bỉ. Tuy nhiên, việc duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng của các tổ chức đảng lại là việc làm khó hơn.

Ðồng hành cùng doanh nghiệp

Thực tế ở huyện Thanh Trì cho thấy, khi mới triển khai Nghị quyết số 09, có chủ doanh nghiệp không đồng ý cho thành lập tổ chức đảng; có nơi đồng ý thành lập, nhưng không ủng hộ tổ chức đảng hoạt động, không cho chi bộ sinh hoạt trong giờ làm việc. Qua tìm hiểu cho thấy, bên cạnh nguyên nhân khách quan là chủ doanh nghiệp chưa mặn mà, còn có tình trạng cấp ủy, chi bộ trong doanh nghiệp chưa hiểu rõ mình lãnh đạo những việc gì, lãnh đạo thế nào. Trong sinh hoạt chi bộ, việc phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách mới của Ðảng, Nhà nước không có tranh luận, thảo luận. Việc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là tóm tắt, liệt kê những công việc đã làm hoặc chỉ bàn về nhiệm vụ chuyên môn; một số đảng viên không có thông tin để tham gia đóng góp ý kiến, còn có đảng viên coi sinh hoạt chi bộ đơn thuần là gặp gỡ, trao đổi công việc chuyên môn, kiểm điểm và đóng đảng phí.

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phạm Nguyên Nhung cho biết, để khắc phục tình trạng này, huyện Thanh Trì đã tăng cường vận động, tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho chi ủy, nhất là bí thư các chi bộ về chức năng, nhiệm vụ trong doanh nghiệp để các cấp ủy hiểu trong doanh nghiệp chi bộ lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ gì, cách lãnh đạo ra sao, việc gì chi bộ cần chủ động thực hiện, việc gì cần phối hợp tuyên truyền vận động. Huyện ủy đã cử cán bộ trực tiếp dự, hướng dẫn một số chi bộ thực hiện nội dung sinh hoạt, tập trung hướng dẫn các cấp ủy xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp với chủ doanh nghiệp, quy định cụ thể về chế độ sinh hoạt định kỳ, trách nhiệm của cấp ủy, đảng viên, trách nhiệm của doanh nghiệp, nhất là việc phải duy trì bằng được nề nếp sinh hoạt chi bộ và nề nếp quản lý đảng viên.

Bên cạnh đó, định kỳ tổ chức tọa đàm, gặp mặt doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nếu có để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn. Thường xuyên trao đổi thông tin, rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm trong các hoạt động thực tiễn, giúp bí thư chi bộ và chi ủy nâng cao năng lực điều hành, tổ chức các hoạt động của chi bộ. Phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn, doanh nghiệp dự sinh hoạt tại các chi bộ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước để giúp các chi bộ giải quyết khó khăn, vướng mắc. “Chúng tôi luôn chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, không khoán trắng việc cho
cơ sở mà cùng tham gia để nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả”, đồng chí Phạm Nguyên Nhung nói. Từ những kết quả và kinh nghiệm đã có, lãnh đạo huyện Thanh Trì đặt mục tiêu đến năm 2020 kết nạp thêm 100 đảng viên mới và thành lập ít nhất 25 chi bộ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Ðồng thời, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đoàn thể để giúp các doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững hơn.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37609002-kinh-nghiem-cua-huyen-thanh-tri.html