Kinh nghiệm chuyển hóa địa bàn ở một đơn vị Công an cơ sở

Đọc lá đơn của bà Mạc Thị Nh - một người mẹ ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương bị chính con đẻ bạo hành do không có tiền cho nó đi mua ma túy, Thượng tá Lê Minh Hoàn, Phó trưởng Công an huyện Thanh Hà không giấu được nỗi buồn. Mẹ nào mà chẳng thương con, có lẽ khi phải tố cáo đứa con dứt ruột sinh ra, chắc bà cũng đứt từng khúc ruột...

Đó chỉ là một trong những lá đơn mà Thượng tá Lê Minh Hoàn nhận được trong rất nhiều những trường hợp bức xúc như những kẻ ghen tuông vô cớ thường xuyên hành hạ vợ; những kẻ nghiện rượu, ma túy rồi càn quấy, phá phách gia đình, hàng xóm và cộng đồng, những đứa con hư hỏng đẩy cả gia đình vào khủng hoảng...

Cùng với chủ trương chuyển đổi cây trồng, vùng vải thiều Thanh Hà từ ban đầu chỉ có một vài xã đến nay đa số đất lúa đã chuyển thành đất trồng vải. Người lao động, trong đó có nhóm thanh niên choai choai, vào thời vụ nông nhàn thường bỏ nhà đi các tỉnh, thành phố làm ăn mang theo các tệ nạn xã hội về địa phương như trộm cắp, cờ bạc, nghiện rồi mua bán ma túy..., đây là nguyên nhân chính gây mất trật tự xã hội.

Nếu như trước đây, theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính 2002, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện có thể ra quyết định các đối tượng nghiện hoặc vi phạm hành chính về trật tự xã hội nhiều lần vào cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng thì hiện nay Luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) 2012 và các Nghị định hướng dẫn lại quy định thêm nhiều điều kiện thủ tục rất khó thực hiện và thẩm quyền quyết định thuộc Tòa án.

Vì thế mà từ năm 2013-2015, đơn vị không đưa được đối tượng nào vào diện cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Đến năm 2016, bắt đầu thử nghiệm cũng chỉ đưa được 1-2 đối tượng. Năm 2017, con số này là 5 người... Các đối tượng nghiện, côn đồ, càn quấy thường xuyên gây mất trật tự trên địa bàn.

Sau những cuộc họp bàn, tính toán kỹ lưỡng, Ban Chỉ huy Công an huyện Thanh Hà quyết định xây dựng kế hoạch số 06 “tăng cường phối hợp lập hồ sơ đưa đối tượng vào giáo dục tại xã, thị trấn, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cai nghiện bắt buộc góp phần phòng ngừa phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội. Quán triệt phương châm lấy công tác phòng ngừa, cảm hóa giáo dục là chính, Công an huyện Thanh Hà xác định yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đúng người và đúng tính chất hành vi.

“Những ngày đó, lãnh đạo Công an huyện cùng với 24 cán bộ được phân công phụ trách địa bàn đã nghiên cứu kỹ các hướng dẫn và quy định của pháp luật, các nghị định và văn bản hướng dẫn. Rồi kế đó là việc tuyên truyền để chính quyền địa phương hiểu rõ được tầm quan trọng của công tác này - Thượng tá Lê Minh Hoàn tiếp lời.

Để kế hoạch thành công, cùng với việc đôn đốc Công an xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, tổ chức thu thập thông tin, tích lũy tài liệu lập hồ sơ đưa đối tượng giáo dục thường xuyên, Đội CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy và các lực lượng khác, thường xuyên quản lý chặt số đối tượng nghiện ma túy, đối tượng hình sự, tích cực, chủ động phát hiện xác minh, củng cố hồ sơ về các vi phạm hành chính về sử dụng trái phép chất ma túy, trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình...

Trong quá trình này, Công an huyện Thanh Hà phải đối mặt với không ít trở ngại khi nhiều gia đình do chưa hiểu hết tính nhân văn của chủ trương này đã cho rằng đi vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cai nghiện bắt buộc như đi tù nên cùng đối tượng chống đối, cản trở lực lượng làm nhiệm vụ.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, Công an huyện Thanh Hà đã có một sáng kiến là đưa người thân trong gia đình các đối tượng đi tham quan các cơ sở này. Sau khi tham quan, một số đã hiểu ra, tự nguyện vận động người thân trong gia đình chấp hành các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cai nghiện bắt buộc.

Nhiều gia đình đã tin tưởng, đồng thuận như trường hợp của ông Nguyễn Văn Cần và vợ là bà Đỗ Thị Chứa (đều trú tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) có cháu nội là Nguyễn Văn Minh. Sau khi bố mẹ ly hôn rồi bỏ đi làm ăn xa, Minh ở với ông bà. Thương đứa cháu thiếu thốn vòng tay chăm sóc của bố, mẹ, ông bà dồn hết tình cảm cho Minh - Chính điều đó đã khiến cho cậu thanh niên hư hỏng.

Đến thời điểm này, Minh đã được đưa vào trường giáo dưỡng và đang có những chuyển biến tích cực. Cứ thấy cán bộ Công an huyện Thanh Hà là ông bà hỏi thăm đứa cháu đang ở trường giáo dưỡng. Ông bà chỉ mong rằng, sau khi rời trường Minh sẽ tu tâm đổi tính.

Ý tưởng đột phá này theo Thượng tá Lê Minh Hoàn chia sẻ là từ những đòi hỏi của thực tiễn. Đồng chí Trưởng Công an huyện – Đại tá Phạm Minh Hải đã nêu vấn đề và bàn bạc kỹ lưỡng với Ban Chỉ huy Công an huyện để chọn làm công tác trọng tâm đột phá trong năm 2018.

Do vậy, dù hết sức vất vả, khó khăn, tốn kém kể cả về nhân lực, vật lực nhưng Công an huyện Thanh Hà đã quyết tâm xây dựng, thực hiện kế hoạch, tập hợp các văn bản có liên quan thống nhất với các ngành chức năng, xây dựng thành quy trình thực hiện. Đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND huyện mở Hội nghị tập huấn, triển khai đến tất cả các ngành chức năng, UBND các xã.

Kết quả, từ đầu năm 2018 đến nay đã đưa 107 đối tượng vào giáo dục tại xã, thị trấn; chuyển Tòa án 36 hồ sơ đề nghị đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cai nghiện bắt buộc; Tòa án đã ra 29 quyết định đưa các đối tượng vào các diện trên.

Kết quả trên đã có tác động hết sức tích cực đến tình hình ANTT trên địa bàn huyện Thanh Hà. Các đối tượng khi bị đưa vào diện giáo dục tại xã ý thức được mình đang bị các lực lượng kèm cặp nên hạn chế các hành vi vi phạm; nếu có hành vi vi phạm thì sẽ bị đề xuất các hình thức xử lý cao hơn như đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cai nghiện bắt buộc; nhiều đối tượng khi được đưa vào giáo dục tại xã đã tự nguyện xin đi cai nghiện…

Xuân Mai

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/kinh-nghiem-chuyen-hoa-dia-ban-o-mot-don-vi-cong-an-co-so-509611/