Kinh nghiệm chống thất thu thuế của một số quốc gia

Chống thất thu thuế là mối quan tâm chung của tất cả các quốc gia nhằm đảm bảo được nguồn thu cho ngân sách để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế. Xu hướng các nước cho thấy cần phải nhận diện được các hình thức chủ yếu làm thất thu thuế và từ đó có những biện pháp nhằm chống thất thu thuế.

Hoàn thiện hệ thống chính sách thuế là một trong các giải pháp hữu hiệu mà các quốc gia thực hiện để chống thất thu. Ảnh: S.T.

Hoàn thiện hệ thống chính sách thuế là một trong các giải pháp hữu hiệu mà các quốc gia thực hiện để chống thất thu. Ảnh: S.T.

Tránh thuế và trốn thuế gây thất thu lớn cho ngân sách

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược Chính sách tài chính, hiện nay, hầu hết các quốc gia đã tiến hành rà soát và nhận diện được một số hình thức chủ yếu làm thất thu thuế ở các quốc gia bao gồm: Tránh thuế; trốn thuế và dàn xếp về thuế. Đối với cơ quan thu, rất khó để xác định được hoạt động trốn thuế hoặc gian lận thuế so với hoạt động tránh thuế hoặc các ý định dàn xếp về thuế. Theo bà Phạm Thị Thu Hồng, Viện Chiến lược Chính sách tài chính, tránh thuế và trốn thuế là hai hình thức chủ yếu gây thất thu ngân sách khá lớn ở tất cả các quốc gia.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã chỉ ra, số thu thuế bị mất đi do các hành vi làm xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS) vào khoảng 100- 240 tỷ USD hàng năm, tương đương 4-10% số thu thuế Thu nhập doanh nghiệp hàng năm. Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển chịu tác động nhiều nhất do đây là những nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn thu từ thuế Thu nhập doanh nghiệp và do hệ thống pháp lý, chính sách thuế còn khiếm khuyết, còn thiếu kinh nghiệm và chưa đủ nguồn lực để quản lý, giảm thiểu thất thu thuế. Do đó, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, Chính phủ các quốc gia cần phải xác định và phân loại được các hoạt động tiềm năng gây thất thu thuế và có những biện pháp nhằm chống thất thu thuế một cách phù hợp với điều kiện của từng quốc gia.

Đơn cử như tại Indonesia, thất thu thuế thể hiện qua các vấn đề như mức độ tuân thủ thuế thấp, tỷ trọng đóng góp của thuế Thu nhập doanh nghiệp khá thấp. Rà soát các báo cáo thuế Thu nhập doanh nghiệp của Indonesia cho thấy các doanh nghiệp thực hiện báo lỗ ở tất cả các năm (liên quan đến chuyển giá) và có nhiều dàn xếp về thuế dẫn tới hiện tượng tránh/trốn thuế. Còn tại Trung Quốc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hành vi trốn thuế hay tránh đánh thuế làm thất thu thuế và một trong số đó có thể được biết đến thông qua các hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và Hồng Kông bao gồm: Khai báo thiếu, sai giá trị hàng hóa; khai báo thiếu, sai số thuế phải nộp; phân loại sai giữa hàng hóa thuế suất cao với hàng hóa thuế suất thấp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế

Theo bà Phạm Thị Thu Hồng, hiện nay, các giải pháp chống thất thu ở các quốc gia tập trung chủ yếu vào việc: Hoàn thiện hệ thống chính sách thuế (trong đó tập trung vào thuế Thu nhập doanh nghiệp và thuế Giá trị gia tăng); hoàn thiện hệ thống quản lý thu thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý thu thuế và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ cán bộ quản lý thu thuế.

Theo đại diện Viện Chiến lược Chính sách tài chính, xu hướng gần đây cho thấy, một số các quốc gia OECD thực hiện các biện pháp mở rộng cơ sở thuế Thu nhập doanh nghiệp nhằm mục đích chống thất thu thuế, cụ thể là hiện tượng tránh thuế ở tầm quốc tế. Chẳng hạn, Áo mở rộng cơ sở tính thuế đối với các giao dịch bất động sản. Còn Nhật Bản, ngoài việc tiến hành giảm thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp từ 25,5% xuống còn 23,2% vào năm 2018 thì quốc gia này cũng thực hiện các biện pháp mở rộng cơ sở thuế bao gồm đơn giản hóa hệ thống thuế đối với khấu hao và giảm ngưỡng tối đa của các khoản lỗ được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, một số quốc gia đưa ra các quy định chặt chẽ về quản lý thuế như tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi thông tin về thuế nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế. Đồng thời tập trung điều tra, đấu tranh đối phó với các hoạt động tránh thuế đối với doanh nghiệp có các tài khoản ở nước ngoài; ngăn chặn và giải quyết tranh chấp thuế và cải thiện công tác kiểm toán.

Đặc biệt, để chống thất thu thuế, phần lớn các quốc gia đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu thuế. Theo Viện Chiến lược Chính sách tài chính, mục đích chính của việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế không chỉ để cắt giảm chi phí thu thuế mà còn nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn quản lý thuế hiện đại. Chẳng hạn, tại Thái Lan, Malaysia, Kenya và Uganda áp dụng công nghệ dịch vụ thuế trên điện thoại di động. Indonesia giới thiệu một chương trình có tên gọi là “Biết người nộp thuế” trong đó cán bộ thuế được giao nhiệm vụ theo dõi và giám sát một số trường hợp cụ thể (khoảng 1.500 trường hợp) mà họ đã quen thuộc. Các dữ liệu người nộp thuế được ghi lại vào hệ thống dữ liệu của máy tính, qua đó quản lý các doanh nghiệp đăng ký. Khi cơ sở dữ liệu đầy đủ thì việc quản lý hệ thống thu thuế sẽ đạt hiệu quả hơn.

Các quốc gia khác sử dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy có tác động làm giảm đáng kể những chi phí phát sinh cho doanh nghiệp (do cho phép tuân thủ một cách tự động). Đi đầu trong lĩnh vực này là các quốc gia Mỹ La Tinh, ngoài ra, Trung Quốc và một số nước Châu Âu đang sử dụng hóa đơn điện tử để giảm thiểu hành vi trốn thuế/gian lận thuế Giá trị gia tăng. Hà Lan ứng dụng 100% công nghệ thông tin vào quản lý thuế và sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/kinh-nghiem-chong-that-thu-thue-cua-mot-so-quoc-gia-102421.html