Kinh ngạc phát hiện loài gián dài hơn nửa mét

Phát hiện nói trên được các nhà nghiên cứu Singapore công bố kết quả nghiên cứu đáy biển ngoài khơi Indonesia.

Kết quả được công bố cho thấy, các nhà nghiên cứu đã phát hiện sinh vật 14 chân là loài gián biển Bathynomus raksasa trong chuyến khảo sát biển sâu ngoài khơi tỉnh Banten ở cực Tây đảo Java, Indonesia vào năm 2018.

Con vật có phần đầu và mắt kép giống chiếc mũ đội đầu của Chúa tể Sith trong phim Star Wars được đặt tên là Bathynomus raksasa. Con gián biển có được tìm thấy có chiều dài gần 60cm.

Gián biển Bathynomus raksasa khổng lồ được tìm thấy.

Gián biển Bathynomus raksasa khổng lồ được tìm thấy.

Nhà nghiên cứu Peter Ng ở Đại học Quốc gia Singapore và cộng sự khám phá tổng cộng 63 địa điểm trong hơn hai tuần.

Với sự cộng tác từ Viện Khoa học Indonesia, chuyến thám hiểm giúp họ thu thập hàng nghìn mẫu vật từ biển sâu bằng phương pháp rê lưới, nạo vét và sử dụng nhiều thiết bị dưới đáy biển.

Phần lớn khảo sát được tiến hành ở độ sâu khoảng 800 m, mẫu vật sâu nhất được lấy ở 2.100 m dưới mặt biển.

Tổng cộng, nhóm nghiên cứu đã thu thập 12.000 động vật biển sâu, bao gồm cua, sứa, cá, nhuyễn thể, tôm, bọt biển, sao biển, nhím biển và giun, thuộc 800 loài, trong đó có 12 loài chưa được biết tới.

Bathynomus raksasa thuộc chi chân giống khổng lồ, chi giáp xác lớn nhất trong bộ Chân đều. Dù có hình dáng giống gián và mối trên cạn, chúng có họ hàng gần với những loài động vật biển khác như cua và tôm hơn.

Gián Bathynomus thường sống ở đáy biển, chuyên ăn xác sinh vật biển chìm xuống nhưng có thể sống sót thời gian dài mà không cần thức ăn.

Phần lớn loài chân giống thường dài khoảng 33 cm, nhưng một số loài như Bathynomus raksasa có thể dài tới hơn 50 cm do ít gặp động vật săn mồi và môi trường lạnh dưới biển sâu. Trên thực tế, gián biển B. raksasa là loài chân giống lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Bathynomus giganteus.

Theo nhà nghiên cứu Cahyo Rahmadi ở Viện Khoa học Indonesia, phát hiện mới cho thấy tiềm năng đa dạng sinh thái của Indonesia vẫn chưa được khám phá hết.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/the-gioi-dong-vat/kinh-ngac-phat-hien-loai-gian-dai-hon-nua-met-3414899/