Kinh ngạc khi chứng kiến những màn 'đọ dáng' của các máy bay quân sự khổng lồ

Chỉ khi đặt cạnh một mẫu đối chứng thì những máy bay quân sự khổng lồ mới thể hiện được hết độ 'hoành tráng' về kích thước cơ thể của mình.

 Máy bay vận tải quân sự lớn nhất thế giới từng được chế tạo là chiếc Antonov An-225 Mriya của Ukraine, nó có chiều dài 84 m; sải cánh 88,4 m; chiều cao 18,1 m; diện tích cánh 905 m2; trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 640 tấn.

Máy bay vận tải quân sự lớn nhất thế giới từng được chế tạo là chiếc Antonov An-225 Mriya của Ukraine, nó có chiều dài 84 m; sải cánh 88,4 m; chiều cao 18,1 m; diện tích cánh 905 m2; trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 640 tấn.

An-225 Mriya thực sự là một "con quái vật" trong lịch sử hàng không thế giới, kích thước của nó lớn gấp 2 -3 lần khi đặt cạnh những loại máy bay chở khách phổ biến hiện nay.

Kích thước của chiếc An-225 Mriya trội hơn hẳn chiếc Boeing 747-400, giúp nó chuyên chở được những hàng hóa siêu trường siêu trọng, thậm chí cõng cả máy bay khác trên lưng.

Antonov An-22 Antei từng là máy bay vận tải lớn nhất thế giới, hiện tại nó vẫn giữ ngôi vị vận tải cơ cánh quạt đồ sộ nhất, chiếc An-22 có chiều dài 57,9 m; sải cánh 64,4 m; chiều cao 12,53 m; diện tích cánh 345 m2; trọng lượng cất cánh tối đa 250 tấn, nó không quá lép vế khi đứng cạnh An-225.

Antonov An-22 Antei "đọ dáng" cùng chiếc An-124 Ruslan, hiện nay An-124 đang giữ vị trí máy bay vận tải chiến lược hạng nặng lớn nhất của Không quân Nga.

Kích cỡ của chiếc An-124 có sự chênh lệch đáng kể so với một loại máy bay vận tải chiến lược phổ biến khác của Nga là Ilyushin Il-76, bất chấp Il-76 cũng được xếp vào hàng "nặng cân".

Máy bay vận tải chiến lược lớn nhất của Không lực Hoa Kỳ hiện nay là loại C-5M Galaxy, khi nằm trên sân đỗ cùng với tiêm kích F-15 hay vận tải cơ C-130 thì C-5M vượt trội hơn nhiều.

Ở góc nhìn này thì vẻ ngoài đồ sộ của chiếc C-5M Galaxy càng được thể hiện rõ, chiếc máy bay vận tải 4 động cơ C-130 Hercules chỉ như một chú bé khi đứng cạnh nó.

Bức ảnh cực hiếm ghi lại khoảnh khắc máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ cùng Tu-95MS của Nga đậu cạnh nhau, phía xa là một chiếc An-124, đây có lẽ là một cuộc triển lãm hàng không nào đó.

Khi đứng cạnh An-124 thì Il-76 trông có vẻ hơi nhỏ bé, nhưng chắc chắn quan điểm trên sẽ phải xem xét lại khi chứng kiến tiêm kích đánh chặn MiG-29 "lọt thỏm" dưới cánh của nó.

Mil V-12 là trực thăng lớn nhất từng được chế tạo với chiều dài 37 m; sải cánh 67 m; chiều cao 12,5 m; đường kính rotor 2 x 35 m; diện tích rotor lên tới 962 m2; trọng lượng cất cánh tối đa 105 tấn, nó đủ sức "nuốt chửng" với vài chiếc Mi-2 đứng cạnh.

Mặc dù vậy V-12 chỉ là một mẫu thử nghiệm, còn chiếc trực thăng lớn nhất thế giới đang hoạt động phải là Mi-26, nó có chiều dài 40,025 m; chiều cao 8,145 m; đường kính rotor 32 m; trọng lượng cất cánh tối đa 56 tấn, quá to lớn so với chiếc trực thăng hạng nhẹ đỗ bên cạnh.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-kinh-ngac-khi-chung-kien-nhung-man-do-dang-cua-cac-may-bay-quan-su-khong-lo/787829.antd