Kinh Môn - Miền du lịch đồng quê hấp dẫn

Kinh Môn là huyện lớn thứ ba trong số 12 đơn vị huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hải Dương, với diện tích là 163,5km2. Đây là một trong hai huyện thị được công nhận là huyện miền núi và cũng là huyện đầu tiên được công nhận là huyện nông thôn mới của Hải Dương. Đối với khách du lịch thì đất Kinh Môn cũng vô cùng hấp dẫn vì có nhiều nét độc đáo và mới lạ.

Bức phù điêu ở khu vực đền Cao An Phụ

Kinh Môn có vị trí độc đáo và thế đất phong thủy rất đẹp. Nằm giữa 3 tỉnh thành lớn (Hà Nội, Hải phòng, Quảng Ninh); nằm sát với quốc lộ 5 và rất gần quốc lộ 18, 10. Bất kỳ ở đâu về với Kinh Môn cũng thuận lợi và nhanh chóng. Hoặc từ Kinh Môn ra biển Đồ Sơn- Hải Phòng, đi vịnh Hạ Long, tới Móng Cái (Quảng Ninh) hoặc về thủ đô Hà Nội đơn giản và rất dễ dàng.

Theo phong thủy thì thế đất của Kinh Môn rất đặc biệt. Kinh Môn có hình con cá. Đầu cá ở phía tây bắc, thuộc đất xã Quang Trung, Phúc Thành. Đuôi cá ở phía Đông Nam, chõe ra hai nhánh thuộc đất thôn Tử Lạc (Minh Tân) và thôn Tam Đa Ngoại (xã Minh Hòa). Toàn bộ vùng đất hình con cá ấy được các sông lớn bao kín xung quanh. Như vậy là cá nằm trong nước, rất thuận với lẽ trời. Con cá ấy lại bơi từ hướng biển vào, mang của cải đến thì còn gì bằng. Trong phong thủy, con cá là biểu tượng cho sự mau lẹ, linh hoạt, vươn lên và thịnh vượng. Giữa vùng đất Kinh Môn lại có dãy núi An Phụ chạy hướng tây bắc - đông nam (từ đầu đến đuôi cá) thành cái xương sống vững chắc. Phía bắc và nam dãy núi là hai dòng sông lớn.

Các sông lớn tổng chiều dài tới 80km. Kinh Môn có cả núi đất, núi đá vôi, có hàng trăm hang động, nhiều đèo, nhiều rừng và đi theo đó là một hệ động thực vật phong phú. Trên mặt đất thì Kinh Môn có nhiều dạng địa hình: đồng bằng châu thổ, các bãi sa bồi chân núi, sa bồi giữa sông, thung lũng..., là nơi canh tác được nhiều loại nông sản cây trồng và vật nuôi độc đáo, quý giá vì chất lượng tuyệt vời như nếp cái hoa vàng, hành tỏi, sắn dây, rươi, ruốc, các loại tôm cá, cua, cáy, rạm, cà ra... tạo nên những đặc sản ẩm thực lạ và ngon.

Là vùng đất cổ nên Kinh Môn dày đặc dấu tích của lịch sử. Động Thánh Hóa bên chùa Nhẫm Dương xã Duy Tân, nơi lưu giữ nhiều hiện vật xương hóa thạch cách ta hàng vạn năm. Dòng sông Kinh Thầy, Đá Vách là trung lưu nối với sông Bạch Đằng nổi tiếng. Tại các dòng sông này, bao lần quân xâm lược vào cửa Bạch Đằng cũng là bấy nhiêu lần qua đất Kinh Môn để lên Thăng Long.

Bãi dầm thuyền ở Ninh Xá; núi Dương Nham với cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên thế kỷ 13; Đống Ngô, đống Thảm và sông Vận (tức sông Kinh Môn) cùng địa bàn xã Long Xuyên, Hiến Thành trong công cuộc chống quân Minh thế kỷ 15 gắn liền với tên tuổi bảy anh em họ Phạm đều là tướng chỉ huy các trận huyết chiến với giặc Ngô.

Mảnh đất này còn xuất hiện bao danh nhân nổi tiếng như Phạm Sư Mạnh, Phạm Tông Mại, Phạm Tông Ngộ, Trần Khắc Chung, Nguyễn Húc, Nguyễn Đại Năng... với những dấu tích như thơ văn, bia ký, đền thờ... còn đó.

Trên đất Kinh Môn có cụm 3 di tích quốc gia đặc biệt: An Phụ, Kính Chủ, Nhẫm Dương. Cả huyện còn có 15 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh. Kèm theo các di tích là các lễ hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh, hội hè của người dân. Điển hình là lễ hội An Phụ (còn gọi là đền Cao), hằng năm du khách Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội... lũ lượt trẩy hội. Có di tích còn giữ khá nguyên vẹn đó là cầu đá Hà Tràng - chiếc cầu đá lớn thứ hai của Việt Nam còn giữ được (cầu đá thuộc xã Thăng Long), hoặc đình Huề Trì (An Phụ) lớn nhất tỉnh Hải Dương.

Với tiềm năng du lịch phong phú, Kinh Môn có thể khai thác nhiều loại hình du lịch khác nhau, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch đồng quê, du lịch văn hóa- lịch sử, du lịch tâm linh...

Mặc dù có tiềm năng nhưng để Kinh Môn trở thành điểm đến hấp dẫn đông đảo khách du lịch, mang lại lợi ích cho ngân sách nhà nước và thu nhập của người dân địa phương thì vẫn còn vô số thách thức, còn nhiều việc phải làm.

Hiện nay, các điểm tham quan vẫn mang tính nguyên sơ, ít có sự đầu tư, chủ yếu tự phát. Thậm chí một số hạng mục bị xuống cấp hoặc tu sửa tùy tiện, thiếu tính chuyên nghiệp. Sản phẩm du lịch nghèo nàn; quà tặng, đặc sản địa phương của Kinh Môn rất sơ sài. Ngoài ít gạo nếp đóng túi nilon, ít bột sắn dây, mấy túm hành tỏi, mấy quả trứng đà điểu, gói bánh lòng bán dịp tết thì Kinh Môn không còn sản phẩm gì hấp dẫn du khách. Đội ngũ thuyết minh ở các điểm du lịch không có; tờ gấp, sách, ảnh giới thiệu các điểm du lịch in ấn cũng mang tính nhỏ lẻ, thời vụ; Kinh Môn cũng chưa có những nhóm văn nghệ phục vụ du khách...

P.V

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/12329/kinh-mon-mien-du-lich-dong-que-hap-dan