Kinh hoàng tai nạn thảm khốc trên những cung đường đèo thơ mộng ở Đà Lạt

Vụ việc chiếc xe khách 42 chỗ của Công ty TNHH TMDV- VT Tấn Hà mất phanh lao xuống đèo Bảo Lộc vào ngày 6/9 mới đây tuy không gây thiệt hại về người, nhưng nó cũng là hồi chuông đáng báo động về tình hình tai nạn giao thông qua các con đèo nối thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) với các địa phương lân cận.

Những con đèo này phần lớn chỉ có chiều dài trung bình, nhưng lại khúc khuỷu, quanh co,nhiều khúc cua hình cùi chỏ, hay chới với một bên là núi cao, bên là vực thẳm, làn đường hẹp cùng với đó là sự xuất hiện của sương mù dày đặc vào sáng sớm và đêm khuya. Chính bởi vậy, việc điều khiển phương tiện lưu thông qua đây từ lâu đã là một thử thách với những người cầm lái.

Hãy cùng Báo Người tiêu dùng tìm hiểu sơ qua những con đèo này và những vụ tai nạn nghiêm trọng từng xảy ra ở đây.

Đèo Prenn

Là một đèo núi dài 11 km thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên Quốc lộ 20, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10 km. Đèo tuy không dài nhưng rất nguy hiểm vì có nhiều đoạn quanh co, cua gấp, tầm nhìn khuất. Mặt đường đèo khá nhỏ trong khi một bên đèo là vách núi, bên còn lại là vực sâu.

Đèo Prenn. Ảnh: Sưu tầm

Sáng 19/6/2016, xe khách của công ty Lê Mỹ trong lúc đổ đèo Prenn hướng từ TP.Đà Lạt đi TP.HCM đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng với xe khách của Công ty Thanh Lịch lưu thông hướng ngược lại khiến 7 người tử vong và hàng chục người bị thương.

Trước đó, vào khoảng 4h45 ngày 30/3/2016, trời sương mù dày đặc, ôtô khách 50 chỗ của Công ty du lịch lữ hành P.T chở khách từ TP.HCM lên Đà Lạt, đến khúc cua dưới chân đèo, gần trạm thu phí đường cao tốc Liên Khương- Đà Lạt, tài xế đánh lái sát lề phải tránh xe máy đi ngược chiều khiến xe khách lao thẳng xuống mương nước, lật nhào.

Vụ tai nạn làm phụ xe bị thương rất nặng, rất may là tất cả hành khách đều an toàn.

Hay như vụ tai nạn diễn ra khoảng 5h20 ngày 3/4/2013 giữa xe khách BKS 83B- 000.40 và một ô tô chạy ngược chiều. Vụ việc làm 15 trong số 32 người trên xe khách phải vào Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu.

Đèo Bảo Lộc

Nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển trên tuyến Quốc lộ 20 nối TP.HCM với cao nguyên Lang Biang nên rất đông phương tiện lưu thông qua lại. Đèo Bảo Lộc còn được gọi đèo B’Lao (theo tiếng K’Ho) dài 10 km, cao hơn 1500m so với mực nước biển. Với khoảng 107 khúc cua gấp và độ dốc, đường đèo quanh co. Chính bởi vậy, nơi đây đã xảy ra rất nhiêu vụ tai nạn nghiêm trọng.

Đèo Bảo Lộc. Ảnh: Sưu tầm

Vụ tai nạn kinh hoàng nhất xảy ra là vào ngày 16/2/2013. Tài xế T.V.V. điều khiển xe tải BKS 60P- 1678 chở rau từ Đà Lạt đi TP.HCM, khi cách chân đèo Bảo Lộc khoảng 200m đã vượt một ôtô khác nên đã tông vào cùng lúc 3 xe máy đang lưu thông theo chiều ngược lại. Sau cú tông mạnh, xe tải cuốn theo 3 xe máy cùng những người ngồi trên xe lao xuống vực sâu gần 30m. Tài xế xe tải chỉ bị thương nhẹ, nhưng vụ tai nạn đã khiến 7 người đi trên xe máy thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em.

Hay như vụ tai nạn vào ngày 13/3/2016, khiến 1 người chết và 5 người bị thương. Thời điểm trên, xe khách BKS 53S- 7027 do tài xế Hậu (ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai) điều khiển đang lưu thông theo hướng từ Đà Lạt về TP.HCM. Khi đến km 101- Quốc lộ 20 (đèo Bảo Lộc, thuộc địa phận thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) tài xế Hậu phát hiện 1 xe tải đang đậu giữa phần đường cùng chiều bên phải, nên đánh lái để vượt. Vừa lúc đó lại có 1 xe tải khác đang lên đèo, nên buộc tài xế xe khách bẻ lái gấp và tông thẳng vào xe tải BKS 49C- 030.39 do tài xế Hoàng Văn Tưởng (ngụ tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) điều khiển đang đỗ bên phần đường cùng chiều. Cú va chạm mạnh làm bà T.T.T. (ngụ xã Túc Trưng, huyện Định Quán) ngồi trên xe khách chết tại chỗ.

Đèo Long Lanh

Hay còn biết đến với những tên gọi khác, như Omega, Khánh Lê, Hòn Giao, Bidoup. Nằm trên tuyến tỉnh lộ 723 nối phố biển Nha Trang với thành phố Đà Lạt. Đèo thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa với chiều dài hơn 30km và độ cao hơn 1500m so với mực nước biển.

Đèo Long Lanh (Omega). Ảnh: Sưu tầm

Đúng như tên gọi mĩ miều của nó, đây là một cung đèo với phong cảnh đẹp, hùng vĩ, nhưng không kém phần nguy hiểm với vô số các góc cua hiểm trở, một bên là vực sâu bên còn lại là vách đá dựng đứng. Chính vì thế, con đèo này từng là nơi chứng kiến một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Cụ thể, lúc 9h15 phút sáng ngày 7/6/2013 tại km 44+ 5 trên đèo Long Lanh, thuộc địa phận thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa xe khách BKS 43S- 6420 chở cán bộ, giáo viên và người thân Trường tiểu học Hòa Phước 2 (Hòa Vang, Đà Nẵng) đi tham quan thành phố Đà Lạt.

Trên đường về đến địa điểm trên thì xe mất phanh, tài xế đã điều khiển cho xe lao vào ta luy dương bên phía tài nhằm tránh cho xe rơi xuống vực sâu. Vụ tai nạn làm 5 người chết tại chỗ (gồm 4 phụ nữ và 1 trẻ em); 1 người chết trên đường cấp cứu và 22 người bị thương.

Đèo Ngoạn Mục

Đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Sông Pha, là một trong những đèo núi đẹp nhất Việt Nam. Nằm trên Quốc lộ 27, nối liền 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, men theo những sườn núi dựng đứng nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang là tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ giữa các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung.

Đèo Ngoạn Mục. Ảnh: Sưu tầm

Với chiều dài khoảng hơn 20km, có độ dốc trung bình trên 9 độ, uốn lượn qua núi non trập trùng và rừng thông tạo thành những khúc cua hiểm trở, đèo Ngoạn Mục luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách, nhưng đồng thời cũng là nỗi ám ảnh với cánh tài xế khi qua đây.

Khoảng 23h00, ngày 27/10/2014, xe tải mang biển kiểm soát của tỉnh Bình Định chở khoảng 9 tấn rau quả rơi xuống vực giữa đèo Ngoạn Mục trên Quốc lộ 27 thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, làm tài xế và phụ xe tử vong tại chỗ.

Trước đó, vào khoảng 7h30 sáng ngày 7/12/2013, xe khách BKS 49H- 8845 khi đổ đèo đã mất phanh rơi xuống vực sâu hơn 50m so với mặt đường. Nhưng rất may mắn là chỉ có 15 người bị thương.

Đèo Chuối

Nằm trên Quốc lộ 20 cách TP HCM hơn 150 km, thuộc thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Đèo Chuối là con đèo đầu tiên của cao nguyên Lâm Viên, nối Đồng Nai và Lâm Đồng. Được bao quanh bởi các dãy núi cao và cách trung tâm TP.Đà Lạt khoảng 110km về phía nam.

Đèo Chuối. Ảnh: Sưu tầm

Do trước đây khu vực quanh đèo có nhiều chuối rừng nên người dân địa phương đặt tên là đèo Chuối.

Nằm ở độ cao 350m so với mực nước biển. Đèo Chuối với chiều dài khoảng 10km, có rất nhiều khúc cua hình tay áo. Bởi vậy, nơi đây cũng đã từng xay ra một số vụ tai nạn thương tâm.

Tối ngày 5/9/2016, hai thanh niên (khoảng 26 tuổi, ngụ Đồng Nai) đi xe phân khối lớn loại 1000cc đổ đèo (hướng về Đồng Nai) với tốc độ cao, không làm chủ tốc độ nên lao xuống mương nước. Sáng hôm sau được người dân phát hiện thì đã tử vong, chiếc xe máy vỡ vụn.

Trước đó, vào hồi 1h45 ngày 23/6/2015, xe giường nằm 46 chỗ chở đầy khách mang BKS 49B- 007.04 chạy tuyến Gia Lai đi Đà Lạt. Khi qua một khúc cua trên đèo Chuối, ôtô được cho là tránh xe tải chạy chiều ngược lại, lấn trái. Bên phải là vách ta luy nên tài xế đánh lái ngoặt sang trái khiến ôtô khách lao xuống vực. Tuy nhiên, chiếc xe may mắn dừng lại khi hai bánh trước đã chơi vơi bên con suối nhỏ, phần đuôi xe khách còn nằm trên lề đường. Gần 50 hành khách trên xe, trong đó có nhiều trẻ em và hai du khách quốc tịch Pháp hoảng loạn.

Hay như trước đó, vào khoảng 8h55 ngày 23/2/2015 một xe ô tô mang nhãn hiệu Honda Civic bất ngờ lao thẳng xuống cống. Vụ việc làm 2 cô gái ngồi sau gãy tay, tài xế và người ngồi trước chỉ bị xây xát nhẹ. Nguyên nhân là do tài xế mãi ăn trái cây trên xe nên không quan sát được khúc cua sớm. Đến khi phát hiện thì đã quá trễ nên chiếc xe cứ thế mà lao thẳng xuống cống....

Minh Luân (T/h)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/kinh-hoang-tai-nan-tham-khoc-tren-nhung-cung-duong-deo-tho-mong-o-da-lat-d45784.html