Doanh nghiệp chăm lo cho công nhân để cùng nhau vượt khó

Mô hình '3 tại chỗ' hoặc '1 cung đường 2 điểm đến'… được xem là mô hình phù hợp đối với nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay.

Công ty Hưng Phúc Thịnh, TP.Long Xuyên, chuyên sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu. Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty đã phải giảm quy mô sản xuất, chỉ còn 50% số lượng công nhân làm việc; đồng thời, chủ động xây dựng phương án sản xuất “3 tại chỗ”.

Để thực hiện phương án này, công ty đã sắp xếp, trưng dụng nhà xưởng để bố trí nơi ngủ, nghỉ cho công nhân, người lao động; ngoài ra, công ty còn hỗ trợ công nhân, người lao động đang sản xuất trong thời gian này, mỗi người 1 triệu đồng và miễn phí tiền ăn mỗi ngày 3 bữa.

Trưng dụng nhà xưởng để bố trí nơi ngủ, nghỉ cho công nhân, người lao động

Trưng dụng nhà xưởng để bố trí nơi ngủ, nghỉ cho công nhân, người lao động

“Mặc dù cơ sở vật chất rất khó, nhưng công ty vấn cố gắng bố trí quy mô cho khoảng 300 công nhân làm việc. Công ty đã sàng lọc các địa chỉ để vận động công nhân đăng ký vào ở trong công ty. Trong sản xuất, về công tác phòng chống dịch, công ty làm rất quyết liệt theo yêu cầu, quy định về phòng chống dịch; công ty có trang bị các thiết bị để tầm soát đo nhiệt hàng ngày; tuyên truyền cho công nhân, người lao động trong việc sản xuất, ăn uống, ngủ nghỉ phải giữ khoảng cách theo quy định”, ông Phạm Sỹ Được, Phó Tổng giám đốc Công ty Hưng Phúc Thịnh cho biết.

Hiện nay, Công ty Hưng Phúc Thịnh đã bố trí nơi ăn uống, ngủ nghỉ tại công ty cho khoảng 250 công nhân. Ngoài ra, công ty đã thuê 10 nhà trọ để bố trí chỗ ngủ, nghỉ cho các công nhân, người lao động có con nhỏ, công nhân nữ đang mang thai… Nhờ đó, các công nhân đang lao động tại đây đều an tâm, tuân thủ theo hướng dẫn “3 tại chỗ”, chung sức cùng công ty duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Trong thời buổi dịch Covid-19 như thế này, được công ty bố trí nơi ăn ở, làm việc tại chỗ… tôi cảm thấy rất vui. Bởi vì, trong khi dịch Covid-19, nhiều anh, chị, em còn mất việc do dịch, đang phải ở ngoài, không có công ăn việc làm, mình vẫn được đi làm. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có biện pháp phòng chống, ngăn chặn được dịch bệnh để cho sản xuất được ổn định”, chị Nguyễn Thị Hạnh công nhân làm việc tại Công ty Hưng Phúc Thịnh chia sẻ.

Theo Liên Đoàn Lao Động tỉnh An Giang, hiện nay, toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp thực hiện mô hình “3 tại chỗ” và 1 doanh nghiệp thực hiện mô hình “một cung đường 2 điểm đến”, với gần 4.500 công nhân, người lao động tham gia.

Để đồng hành cùng các doanh nghiệp thực hiện, đảm bảo mô hình “3 tại chỗ” và mô hình “một cung đường 2 điểm đến”, các cấp công đoàn tỉnh An Giang đã hướng dẫn các doanh nghiệp, thành lập 44 tổ an toàn Covid-19 tại doanh nghiệp. Liên Đoàn Lao Động tỉnh đã tổ chức đoàn đến thăm và trao qua hỗ trợ cho 1.000 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thực hiện, đảm bảo mô hình “3 tại chỗ”, với tổng số tiền 100 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Giang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong việc thực hiện các thủ tục, đề nghị chính sách hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch, bệnh Covid-19, theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Ăn uống, nghỉ ngơi luôn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch

“Đối với Tổ chức Công đoàn, chúng tôi có chỉ đạo cho các Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố và Liên đoàn các Khu công nghiệp phải quan tâm đến điều kiện làm việc của người lao động; hỗ trợ để tăng xuất ăn, chất dinh dưỡng cho người lao động như: sữa, trứng và thực phẩm thiết yếu khác… Để đảm bảo làm sao cho người lao động ổn định về mặt tư tưởng, yên tâm làm việc trong điều kiện làm việc “3 tại chỗ”, vừa đảm bảo phòng chống dịch”, ông Nguyễn Hữu Giang thông tin.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại An Giang, còn rất nhiều doanh nghiệp đang phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh; nhiều doanh nghiệp lo ngại, gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” và mô hình “1 cung đường 2 điểm đến”. Thậm chí có những doanh nghiệp không thể duy trì được "3 tại chỗ" vì chi phí lớn, quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông, nhiều rủi ro dẫn đến phát sinh các ổ dịch mới... Đối với mô hình “1 cung đường 2 điểm đến”, hiện địa phương khuyến khích cho công nhân và nhà máy sản xuất cùng ở “vùng xanh”. Theo Liên Đoàn Lao Động tỉnh An Giang, để duy trì và nhân rộng mô hình này, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam cần phải hỗ trợ, tạo điều kiện về kinh phí, tiêm phòng vaccin cho công nhân, người lao động.

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, phải xác định trạng thái sống chung với dịch, cố gắng kiểm soát tốt, không chờ dịch hết hoàn toàn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh linh hoạt, chủ động trong sản xuất. Địa phương đang gấp rút ban hành kế hoạch, phương án chung cho toàn tỉnh trong việc sản xuất công nghiệp ổn định, ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, trước khi ban hành kế hoạch chung này, các doanh nghiệp vẫn phải duy trì phương án như đã đăng ký.

“Từ hoàn cảnh thực tế của tỉnh, xây dựng nhanh phương án: Trạng thái thứ nhất gọi là ngừng hoạt động, khi mà trong doanh nghiệp có phát sinh ổ dịch, thì dừng hoạt động cho đến khi kiểm soát dịch được ổn định; doanh nghiệp nằm trong vùng phong tỏa là dừng hoạt động. Trạng thái thứ 2 là doanh nghiệp nằm trong vùng cam, doanh nghiệp có hoạt động nhưng phải kiểm soát chặt. Trạng thái thứ 3 là doanh nghiệp được sản xuất bình thường, là đối với những vùng được tỉnh công nhận là vùng xanh. Trạng thái cuối cùng là doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, đó là phải xác định doanh nghiệp an toàn về dịch; khi mà xác nhận như vậy thì, các sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp rất là thuận lợi ”, ông Trần Anh Thư cho biết thêm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì sản xuất; ngoài sự nỗ lực, hỗ trợ, tạo điều kiện từ UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương, đòi hỏi sự chủ động từ các doanh nghiệp với nhiều giải pháp để chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất khẩu không bị đứt gãy./.

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-cham-lo-cho-cong-nhan-de-cung-nhau-vuot-kho-886579.vov