Kinh doanh vàng gian dối tại Đồng Nai: Người tiêu dùng bị lừa

DN mang vàng đến kiểm tra tại Sở KHCN tỉnh Đồng Nai.

Chỉ trong tháng 5 - 6.2016, Sở KHCN tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra 50 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn thì có đến 47 cơ sở vi phạm. Nhiều cơ sở bán vàng 24K, hàm lượng vàng được doanh nghiệp công bố là 98% nhưng kết quả kiểm định chỉ đạt 93,5%, cá biệt có doanh nghiệp chỉ đạt 65%. Vàng 18K hàm lượng vàng công bố là 75%, tuy nhiên qua kiểm định chỉ đạt 65 - 73%.

Vàng cầm trên tay có hàm lượng thấp hơn công bố

Ngày 20.6, Sở KHCN tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ trên địa bàn. Dù đã được thông báo trước sẽ bị kiểm tra, nhưng vẫn có 47/50 cơ sở bị vi phạm, số tiền phạt khoảng 1 tỉ đồng. Ngay sau đó, thì hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh vàng khác trên địa bàn đã lần lượt “tự giác” tới Sở KHCN để kiểm tra hàm lượng vàng. Theo đại diện Sở KHCN, có nhiều doanh nghiệp vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng về chất lượng, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Nhiều cơ sở bán vàng 24K, hàm lượng vàng được doanh nghiệp công bố là 98% nhưng kết quả kiểm định chỉ đạt 93,5%, cá biệt có doanh nghiệp chỉ đạt 65%. Vàng 18K hàm lượng vàng công bố là 75%, tuy nhiên qua kiểm định chỉ đạt 65 - 73%.

Bà Đỗ Ngọc Thanh Phương (36 tuổi) - Chi Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Sở KHCN Đồng Nai) cho biết: “Hiện nay trên cả nước, tôi chưa thấy có tỉnh nào xử phạt được doanh nghiệp kinh doanh vàng gian dối, cụ thể là hàm lượng vàng thực tế thấp hơn hàm lượng công bố”. Theo bà Phương, mặc dù đã có quy định chặt chẽ về kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ yêu cầu phải có cân được kiểm định định kỳ, còn đối với sản phẩm vàng để xác định hàm lượng vàng phải có thiết bị máy đo được hiệu chuẩn bởi Viện Đo lường - Bộ KHCN. Tuy nhiên, khi kiểm tra hầu hết các cơ sở đều vi phạm. Một số cơ sở kinh doanh còn lý do rằng “vì lấy vàng từ nhà sản xuất nên không nắm rõ được hàm lượng vàng là bao nhiêu”. Sản phẩm vàng là kinh doanh có điều kiện thì phải nắm rõ sản phẩm để kinh doanh cho đúng. Còn các nhà sản xuất vàng cũng có lý do rằng, do bị cạnh tranh nên phải vì lợi nhuận. Chính từ thực tế này, khiến người tiêu dùng đang bị lừa, thiệt hại nặng nề.

Kết quả kiểm tra, đa số các cơ sở vi phạm về nhãn hàng hóa, cân giao dịch mua bán vàng không có giấy chứng nhận kiểm định định kỳ, và chủ yếu là vi phạm hàm lượng vàng không đúng công bố tiêu chuẩn.

Thông báo trước, doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm

Theo Sở KHCN Đồng Nai, khi kiểm tra đã có thông báo trước cho các doanh nghiệp nhưng số vi phạm vẫn rất lớn do các doanh nghiệp chưa sợ và không biết Đồng Nai có máy xác định được hàm lượng vàng.

“Do trước đây chưa có tiền lệ ở tỉnh nào trên cả nước xử phạt được các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ ở nội dung xác định hàm lượng vàng do khó kiểm tra. Tuy nhiên, tại Đồng Nai, chúng tôi bắt được các cơ sở vàng gian, nhờ 3 yếu tố: Đầu tư trang thiết bị, kinh nghiệm công tác kiểm tra chúng tôi có đội ngũ đi mua mẫu của các tiệm vàng và xác định tiệm vàng đó có vi phạm mới kiểm tra, cán bộ phải rất vững chuyên môn” - bà Phương chia sẻ.

Theo ông Phạm Văn Sáng - GĐ Sở KHCN tỉnh Đồng Nai, để thiết lập trật tự kinh doanh vàng tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong tháng 3 - 4.2016, Sở KHCN đã có đội ngũ bí mật tới các cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn, đi mua thử vàng để xác định việc kinh doanh có đúng như công bố, niêm yết không. Nếu vi phạm, sở sẽ liệt vào danh sách đi kiểm tra khẩn cấp. Hiện trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Nai có hơn 400 doanh nghiệp kinh doanh vàng, sở sẽ kiểm tra hết. Trong tháng 7 - 8.2016, sở sẽ thanh tra liên ngành. Sau 2 tháng đánh giá lại nếu còn doanh nghiệp vi phạm chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra.

“Đối với người tiêu dùng, cũng cần có trách nhiệm, đưa vàng đi kiểm tra chất lượng, nếu phát hiện hàm lượng vàng thấp hơn công bố, chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân tiêu dùng làm đơn khiếu nại và cũng lấy làm căn cứ lập đoàn thanh tra ngay đối với cơ sở vàng vi phạm trên” - ông Sáng khẳng định.

Bộ KHCN đã chấp thuận cho Đồng Nai thành lập trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Đồng Nai - Sở KHCN, hiện đang hoàn tất các thủ tục để tháng 7.2016 hoạt động chính thức. Trang thiết bị đủ điều kiện về con người và thiết bị, gồm 2 máy cố định và 1 máy cố định đầu tư hơn 4 tỉ đồng, có khả năng kiểm tra tương đương trung tâm 3 của cấp bộ. Đối với người tiêu dùng khi kiểm tra chất lượng vàng tại trung tâm nếu phát hiện vàng có hàm lượng thấp hơn công bố thì người tiêu dùng còn được hỗ trợ ngược lại 100.000 đồng. Đối với các trường hợp chất lượng đảm bảo, trung tâm chỉ thu 10.000 - 30.000 đồng để bù đắp công lao động do trung tâm hoạt động tự chủ tài chính.

“Đối với việc thanh, kiểm tra để tránh “tình riêng”, chúng tôi cũng lựa chọn phương pháp bốc thăm ngẫu nhiên để kiểm tra” - ông Sáng chia sẻ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-doanh/kinh-doanh-vang-gian-doi-tai-dong-nai-nguoi-tieu-dung-bi-lua-564957.bld