Kinh doanh tự phát, khó quản lý

Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, người dân bán cây ăn quả trên địa bàn đa phần đều là kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ và rất khó để quản lý.

 Bà Hoàng Thị Thúy Nga, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm. Ảnh: Kế Toại.

Bà Hoàng Thị Thúy Nga, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm. Ảnh: Kế Toại.

Kinh doanh nhộm nhoạm

Theo bà Hoàng Thị Thúy Nga, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, từ lâu trên địa bàn người dân đã hình thành nên các khu vực bán giống cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả. Bà Nga khẳng định, người dân chủ yếu kinh doanh nhỏ lẻ, ít khi đăng kí kinh doanh.

Bên cạnh một số hộ sản xuất, nhân giống, thì không ít hộ nhập nhiều loại giống từ khắp nơi, thậm chí giống ở nước ngoài về kinh doanh. Họ bán hàng theo nhu cầu thị trường, người mua cần gì họ sẽ tìm nguồn hàng đó.

Bà Nga cho biết, từ lâu việc thanh kiểm tra những cơ sở, hộ kinh doanh này chủ yếu thuộc trách nhiệm của đơn vị ngành dọc, mà gần nhất là Trạm trồng trọt và BVTV Gia Lâm. Đối với UBND huyện, Phòng Kinh tế chỉ có nhiệm vụ phối hợp cùng đoàn liên ngành để kiểm tra, đôn đốc.

Bà Nga thừa nhận, việc sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả trên địa bàn đang nhộm nhoạm, thật giả lẫn lộn. Điển hình như việc, hàng chục cơ sở kinh doanh giống đều treo biển Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Người dân như lạc vào ma trận khi tìm mua cây giống.

Cũng theo bà Nga, trách nhiệm trước hết là Trạm trồng trọt và BTVT, Sở NN-PTNT Hà Nội. Riêng các giống cây độc lạ, cần phải kiểm tra, truy xem nguồn gốc từ đâu mà có. Ai nhập, nhập ở đâu, khi nào? Từ đó mới xác định nguồn gốc vi phạm để xử lý. Đây là trách nhiệm của nhiều đơn vị chức năng như kiểm dịch thực vật, quản lý thị trường, công an…

Cũng theo bà Nga, những đơn vị bị nhái tên tuổi như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Rau quả… cần lên tiếng, phối hợp cơ quan chuyên môn xử lý, yêu cầu tháo dỡ biển hiệu.

Ai cũng kêu khó thì ai quản!

Sau khi có thông tin phản ánh trên Báo Nông nghiệp Việt Nam về “Ma trận giống cây ăn quả độc, lạ”, ngành NN-PTNT Hà Nội đã có động thái kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh giống tại khu vực huyện Gia Lâm.

Cơ sở kinh doanh giống nhái tên tuổi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Kế Toại.

Theo đó, ngày 8/7, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Gia Lâm và thị trấn Trâu Quỳ… tiến hành kiểm tra. Phòng Kinh tế Gia Lâm cho biết, đoàn đã kiểm tra hai hộ kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ.

Trong đó, một hộ không hề có đăng ký kinh doanh, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan về việc mua bán, nhập khẩu giống cây. Hộ còn lại có giấy đăng kinh kinh doanh, nhưng cũng không chứng minh được nguồn gốc các loại cây giống đang bày bán. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản theo quy định.

Bà Nga khẳng định, không chỉ riêng hai hộ kinh doanh kể trên, nếu mở rộng kiểm tra, có lẽ trên 90% các cơ sở bán giống có hành vi vi phạm.

“Theo quy định, khi kinh doanh, các hộ dân phải đăng ký với Sở NN-PTNT về mặt hàng, cơ sở, điểm điểm kinh doanh. Đồng thời phải đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc cây giống bán ra thị trường. Tuy nhiên, hầu như các hộ kinh doanh không làm việc này, cũng không ai kiểm tra, kiểm soát nên gần như chưa xử phạt bao giờ. Có chăng là chỉ kiểm tra, nhắc nhở…”, bà Nga chia sẻ.

Để tìm hiểu rõ hơn công tác quản lý kinh doanh, sản xuất giống trên địa bàn, PV đã liên hệ với Trạm Trồng trọt và BVTV Gia Lâm. Tuy nhiên, vị Trạm trưởng từ chối làm việc với lý do “thông cảm”, đề nghị liên hệ với Chi cục để nắm thông tin.

Qua điện thoại, vị này khẳng định, Trạm chỉ làm đúng quy định của pháp luật, phân công chuyên môn của ngành.

“Tới đây chúng tôi sẽ rà soát, tuyên truyền phổ biến sâu hơn các quy định tới các hộ kinh doanh cây giống. Việc quản lý việc sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả trên địa bàn khá phức tạp, chúng tôi cần sự vào cuộc, phối hợp hơn nữa của các cơ quan nhà nước như Phòng Kinh tế huyện, UBND các xã, thị trấn… Nếu không thì quá sức”, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV Gia Lâm cho hay.

Xin đừng mắc nợ nông dân!

Trong khi các cơ quan từ chuyên môn, quản lý nhà nước đều kêu khó, thì nguy cơ thiệt hại sản xuất cho chính người dân trên địa bàn lại đang hiện hữu.

Nếu không quản lý được, ngành NN-PTNT sẽ mắc nợ nông dân. Ảnh chụp màn hình.

Toàn huyện Gia Lâm có 22 xã, thị trấn thì có đến 20 xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Thậm chí nhiều xã, sản xuất nông nghiệp trở thành trọng điểm, tạo thành vùng hàng hóa giá trị cao.

Thống kê mới nhất, huyện Gia Lâm có tới hơn 1.100ha cây ăn quả các loại. Trong đó, chủ yếu là cây có múi như cam, bưởi. Riêng diện tích bưởi có xu thế tăng nhẹ qua các năm.

Theo bà Nga, những năm qua, huyện Gia Lâm luôn quan tâm tới sản xuất nông nghiệp. Huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt tại các vùng khó khăn để chuyển đổi cây trồng. Đặc biệt là về cơ sở hạ tầng như điện, đường, kênh mương thủy lợi… luôn được quan tâm đầu tư.

Về khâu giống, bà Nga cho biết, vẫn chủ yếu là do người dân tự tìm mua về sản xuất. Chính quyền chỉ hỗ trợ về mặt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Như vậy, có thể thấy, nếu như người dân thiếu kinh nghiệm, mua phải những giống cây ăn quả lâu năm chất lượng kém, chắc chắn thiệt hại sản xuất là nhãn tiền. Ai chịu trách nhiệm cho nỗi đau này của người nông dân?

Xin đừng mắc nợ nông dân!

KẾ TOẠI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/kinh-doanh-tu-phat-kho-quan-ly-d268140.html