Kinh doanh trà sữa có phải bước đi khôn ngoan của Kido Foods?

Bên cạnh sự cạnh tranh gắt gao từ các sản phẩm kem, sức ép từ những loại nước giải khát khác đang rất thịnh hành như trà sữa, thạch, trà thảo mộc cũng đang là bài toán lớn với Kido Foods.

Kì vọng vào trà sữa

Tại Đại hội cổ đông năm 2019 của Kido Foods, ban lãnh đạo của công ty cho biết, thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong năm 2018 tăng trưởng rất chậm, chỉ đạt 1,9%.

Các sản phẩm kem (Celano, Merino) đóng góp khoảng 80% doanh thu của Kido Foods, nhưng thị trường này đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ngoại như Unilever (kem Wall’s) hay các thương hiệu kem đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong năm 2018 của Kido Foods tăng trưởng rất chậm, chỉ đạt 1,9%.

Thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong năm 2018 của Kido Foods tăng trưởng rất chậm, chỉ đạt 1,9%.

Trong bối cảnh đó, Kido Foods đã giảm mạnh hoạt động đầu tư mới, tiết giảm chi phí sản xuất, thực hiện dịch chuyển kế hoạch sản xuất giữa hai nhà máy Bắc Ninh và Củ Chi... Đồng thời, Công ty cũng cẩn trọng trong việc ra mắt sản phẩm mới.

Tuy nhiên, các khoản chi phí sản xuất cố định, chi phí đầu tư mở rộng kênh phân phối và đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới trong nửa đầu năm đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến lợi nhuận của Kido Foods. Cả năm 2018, lợi nhuận của Công ty đạt 163 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2017.

Không chỉ chịu sự cạnh tranh gắt gao từ các sản phẩm kem của đối thủ, Ban lãnh đạo công ty cũng phải chịu sức ép không nhỏ từ các loại nước giải khát và tráng miệng khác đang rất thịnh hành như trà sữa, thạch, trà thảo mộc.

Được biết lĩnh vực này được ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kido chia sẻ từ giữa năm 2018 với nhiều tham vọng. Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, mảng trà sữa và nước giải khát tại Việt Nam khá tiềm năng, trong khi đó, sản phẩm tại Việt Nam chưa đa dạng nên hứa hẹn thị trường sẽ có nhiều bùng nổ. Cũng theo ông Nguyên, vào quý II/ 2018 công ty hoàn tất thủ tục hợp tác với đối tác Thái Lan để cung ứng cho thị trường Việt Nam các sản phẩm trà sữa, sữa bắp, và các loại trà thảo dược đóng chai, các sản phẩm đóng chai này không chỉ an toàn về chất lượng mà còn đáp ứng nhu cầu tiện lợi cho người dùng.

Cũng theo chia sẻ của Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, đối tác Thái sẽ sản xuất sản phẩm tại Thái Lan, còn Kido phân phối ra thị trường. Đối tác này liên doanh với doanh nghiệp Nhật nên vùng nguyên liệu được kiểm soát chặt chẽ để tạo sự ổn định. Sang giai đoạn 2, khi mọi thứ đã đi vào ổn định, có thể sẽ xây nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Toàn bộ sản phẩm được làm bằng nguyên liệu thiên nhiên, giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Đối với mảng mới này công ty dự kiến thu về hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2018.

Miếng bánh có dễ ăn?

Thống kê của Hiệp hội Bia rượu – Nước giải khát Việt Nam cho thấy, bình quân người Việt tiêu thụ nước giải khát trên 23 lít một người một năm (2016) và con số này ngày càng gia tăng qua các năm. Theo BMI (Tập đoàn khảo sát thị trường Anh) dự báo doanh thu bán hàng nước giải khát nói chung tăng với tốc độ trung bình ở mức 2 con số.

Bên cạnh báo cáo trên, thực tế, tính tới thời điểm hiện nay thì phong trào mở cửa hàng trà sữa liên tục tăng cao. Hiện nay, trà sữa được chia làm ba nhóm: trà sữa của các “ông lớn”, có thương hiệu khu vực; trà sữa nhà làm và sắp tới còn có trà sữa được chế biến theo dây chuyền công nghiệp. Mỗi nhóm đều đang phát triển theo một hướng riêng để giành khách.

Chẳng hạn, trà sữa “ông lớn” thuộc phân khúc cao cấp như Gong Cha, KOI, Royal Tea, R&B, Yuan Cha, Ten Ren, Toco Toco, Dingtea, Chago… luôn chú trọng không gian thiết kế bài bản, “độc lạ” hoặc thương hiệu Yutang kết hợp trà sữa và ẩm thực.

Các thương hiệu trà sữa nhà làm thì khẳng định thương hiệu bằng cách quảng cáo nguyên liệu tự làm tại nhà, kết hợp nhiều loại topping (hạt đi kèm) từ công thức tự nhiên.

Riêng về trà sữa đóng lon thì hứa hẹn không phải hương liệu giống các dạng nước uống đóng chai khác.

Theo nghiên cứu của hãng phân tích thị trường Q&Me, trà sữa hiện chỉ xếp sau cà phê trên thị trường giải khát tại Việt Nam, điều này cho thấy tiềm năng to lớn của loại hình giải khát này. Hầu hết những người uống trà sữa là nhóm đối tượng khá trẻ, thuộc thế hệ Y và Z. Bên cạnh mức độ phổ biến cao, tần suất sử dụng trà sữa cũng thường xuyên khi các nghiên cứu thị trường trà sữa cũng chỉ ra rằng 24% số người được hỏi ở độ tuổi từ 15-21 uống trà sữa 2-3 lần/tuần. Thêm vào đó, giới trẻ cũng thường ưu tiên các sản phẩm trà sữa thuộc hai nhóm trà sữa của các “ông lớn”, có thương hiệu khu vực; trà sữa nhà làm nên sản phẩm trà sữa đóng chai vô hình chung cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt.

Về phía Kido, có thể thấy việc tung quá nhiều sản phẩm mới sẽ gây khó khăn trong việc quản lý hiệu quả kinh doanh và làm tăng chi phí đầu tư, làm cho việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, không chỉ cạnh tranh trong cùng một ngành hàng mà còn giữa các ngành hàng khác nhau, buộc các nhà sản xuất phải không ngừng cải tiến.

Trong khi chưa biết đến bao giờ “cơn bão” trà sữa mới qua đi, các công ty sản xuất kem phải chuẩn bị phương án đối phó. Kido Foods cho biết, đối với ngành kem, Công ty sẽ tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi, tiếp tục chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và tăng cường phát triển khẩu vị địa phương. Với ngành hàng sữa chua, Công ty chủ trương cơ cấu danh mục sản phẩm để thâm nhập lại thị trường.

Ban lãnh đạo cho biết đang có sự chuyển biến lớn trong xu hướng tiêu dùng và Công ty cũng đang nghiên cứu hành vi người tiêu dùng trong sự thay đổi này. Trong đó, kênh bán hàng hiện đại (MT) cũng đang thay đổi và Kido Foods sẽ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm kem qua kênh này.

Nha Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/kinh-doanh-tra-sua-co-phai-buoc-di-khon-ngoan-cua-kido-foods-153146.html