Kinh doanh thực phẩm bẩn: 'Giằng xé'… giữa lương tâm và đồng tiền

Càng về cuối năm cuộc chiến chống thực phẩm bẩn lại càng cam go và quyết liệt hơn bao giờ hết. Mặc dù, đã có rất nhiều hình phạt đối với việc kinh doanh thực phẩm bẩn, thế nhưng nhiều người vì 'đồng tiền' vẫn 'nhẫn tâm', ' tàn độc' với đồng loại mình. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 10% dân số thế giới bị ngộ độc do ăn thức ăn nhiễm độc, ở mức độ khác nhau, kể cả tử vong. Việt Nam có 35% số người mắc ung thư, là do sử dụng thực phẩm không an toàn. Thực phẩm bẩn trở thành nỗi kinh hoàng, ám ảnh của rất nhiều người dân.

Như ANTĐ đưa tin, trưa 6-11-2018, tổ tuần tra kiểm soát giao thông Trạm CSGT Quảng Xương, CA tỉnh Thanh Hóa, làm nhiệm vụ tại km 307 Quốc lộ 1A thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, phát hiện xe ô tô khách BKS: 29B-138.24 có dấu hiệu nghi vấn, đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Xe khách bị CSGT kiểm tra phát hiện chở thực phẩm bẩn

Xe khách bị CSGT kiểm tra phát hiện chở thực phẩm bẩn

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có nhiều thùng xốp, bao tải dứa bên trong là 250 kg bì lợn đã bốc mùi ôi thiu. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe khách không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng.

Được biết số hàng hóa trên được chở từ Hà Nội đi Thanh Hóa để tiêu thụ. Lực lượng CSGT đã lập biên bản, phối hợp với cơ quan chức năng tịch thu tiêu hủy số thực phẩm trên.

Còn theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Lạng Sơn, từ tháng 1 đến 10-2018, các lực lượng chức năng gồm: Công an, biên phòng, hải quan... đã phát hiện, ngăn chặn và thu giữ hơn 20 tấn thực phẩm "bẩn" nhập lậu gồm sản phẩm động vật như: Nầm lợn, mỡ lợn lòng, vịt, gà thịt sẵn... tăng gần 10% so cùng kỳ năm 2017.

Vì đồng tiền bán rẻ lương tâm

Rất nhiều người vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả, đồng tiền đã khiến bao kẻ quên đi mọi thứ. Biết là sai, biết là thất đức, biết là phạm luật nhưng vẫn làm. Họ làm mọi cách không từ bất cứ một thủ đoạn nào để cải thiện cuộc sống hoặc vét thêm cho đầy túi tham.

Có hộ gia đình khó khăn đã kiếm tiền nhanh bằng cách phun nhớt thải lên rau cho xanh, dễ bán hoặc dùng hóa chất kích thích giá đỗ, nấm rơm để lớn nhanh, hiệu suất cao. Có nhà giàu thì mở công ty mua thịt gia súc, gia cầm quá hạn dùng rồi sơ chế qua hóa chất, bán ra như thịt mới; có người mở cơ sở làm chà bông, xúc xích, lạp xưởng bằng nguyên liệu phế phẩm, dơ bẩn và độc hại vô cùng nhưng tuồn ào ào ra thị trường.

Nhiều người tiêu dùng lắm khi ngại ngần trước thực phẩm nghi bẩn nhưng vì thiếu thông tin nên cứ nhắm mắt cho qua. Và vô hình trung trở thành người tiếp tay cho kẻ sản xuất, bán buôn thực phẩm bẩn.

Thực phẩm bẩn, suy cho cùng, chẳng tội tình gì. Tội tình nằm ở con người. Con người “bẩn” kiếm sống hoặc làm giàu bằng thực phẩm bẩn. Cái họ có được đánh đổi bằng sức khỏe, sinh mạng của bao người, rộng hơn và nguy hiểm hơn là sự suy tàn của cả một thế hệ, một tộc người, một quốc gia.

Khối u ác tính vì thực phẩm bẩn

Theo thông tin trên báo Đại Đoàn Kết, nói về thực phẩm kém chất lượng, ông Phạm Xuân Đương- Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương lo lắng, thực phẩm không an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, sinh kế, đời sống và sức khỏe của người dân, thậm chí còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Đặc biêt, thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không được cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc như một khối u ác tính đe dọa sức khỏe con người

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây do 3 nguyên nhân chính: Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng. Trong đó tác nhân thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%. Một vấn nạn nhức nhối hiện nay là tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi trong nuôi trồng.

Người ta ước tính 50% thuốc kháng sinh trên thế giới đã được dùng trong nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi nhằm tăng năng suất, tăng lợi nhuận. Việc dùng thuốc kháng sinh phổ biến đã làm xuất hiện những chủng vi khuẩn có tính năng chống kháng sinh cao hơn. Về lâu dài, chúng sẽ vô hiệu hóa tất cả thuốc kháng sinh đang dùng cho người, đẩy nhân loại vào những dịch bệnh thảm khốc.

Quản lý chồng chéo, thực phẩm bẩn tràn lan

Theo thông tin trên báo NDĐT, trước khi Luật An toàn thực phẩm năm 2010 có hiệu lực, việc quản lý an toàn thực phẩm được phân chia theo từng công đoạn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý khâu sản xuất, Bộ Công Thương quản lý khâu lưu thông, Bộ Y tế quản lý khâu chế biến.

Tăng cường kiểm tra nguồn cung cấp thực phẩm để hạn chế tác hại cho cộng đồng

Tuy nhiên, chính điều này cũng tạo ra nhiều kẽ hở và chồng chéo. Một số ngành hàng đang có sự đan xen và không phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý. Điển hình như khi sản phẩm bún trên thị trường có chứa chất Tinopal - một loại hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp được sử dụng để tẩy trắng bún gây ngộ độc cho người tiêu dùng - thì lại liên quan tới Bộ Y tế. Hoặc với bánh Trung thu, vỏ bánh là tinh bột do ngành công thương quản lý; nhân bánh là thịt, trứng do ngành nông nghiệp kiểm soát, còn ngành y tế quản lý phụ gia phẩm màu…

Tất cả sự chồng chéo đó gây khó khăn, phiền phức cho công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm, gây trở ngại cho cả người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Và khi xảy ra vi phạm thì lại đùn đẩy trách nhiệm, không đơn vị quản lý nào nhận.

Hiện nay, hành lang pháp lý có nhưng các doanh nghiệp, nhà sản xuất và người dân vì ham lợi, sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ để sản xuất, tiếp tay cung ứng sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, những thực phẩm không bảo đảm an toàn chất lượng ra thị trường. Để thực phẩm bẩn không còn là nỗi kinh hoàng, khi công nghiệp hóa nền nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp xanh, các cơ sở giết mổ chăn nuôi phải đạt chuẩn thì sản phẩm mới bảo đảm chất lượng.

Nguyễn Thủy (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/kinh-doanh-thuc-pham-ban-giang-xe-giua-luong-tam-va-dong-tien/790359.antd