Kinh doanh rượu bia nộp ngân sách 50 nghìn tỷ đồng, xã hội gánh hậu quả 65 nghìn tỷ đồng

Ngày mai (9/11), dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình trước Quốc hội. Trước sự kiện quan trọng này, ngày 8/11, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các tổ chức phi chính phủ đối với dự án Luật này.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Những hệ lụy đau lòng của rượu, bia

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết, tác hại của rượu bia có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đang ở mức rất cao và gia tăng mạnh cả về tỷ lệ sử dụng và mức độ tiêu thụ. Trong vòng 5 năm (từ 2010-2015), tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới (25-64 tuổi) đã tăng từ 69,6% lên 80,3%, ở nữ giới tăng gấp đôi từ 5,6% lên 11,2%.

Tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít (năm 2016). Đặc biệt, tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể: 44,2% nam giới và 1.2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60 g cồn trở lên), cao hơn mức trung bình của thế giới, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Lào) và xếp thứ 3 Châu Á. Xu hướng uống rượu ở giới trẻ gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, trong đó có tai nạn giai thông, bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng…

Dẫn chứng những vụ việc đau lòng liên quan đến rượu bia thời gian gần đây, ông Nguyễn Huy Quang nhắc đến vụ một phụ nữ có nồng độ cồn trong máu cao gây ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông ở khu vực Hàng Xanh, TP. Hồ Chí Minh; hay vụ tài xế Innova sau khi uống rượu bia đã đi nhầm đường rồi lùi xe gây tai nạn ở Thái Nguyên…

Nhiều vụ bạo lực gia đình, gánh nặng bệnh tật do tác hại của rượu bia cũng trở thành vấn đề đáng lo ngại. Ông Quang nêu ví dụ, mới đây ông bị ám ảnh bởi câu hỏi của một cậu bé trong phóng sự phát trên VTV. Cậu bé đã hỏi bố: “Bố ơi tại sao bố lại uống rượu?”. Bố của cậu bé nghiện rượu đã lâu. Có bao nhiêu tiền của vợ con ông ta mang đi mua rượu hết, đến thức ăn của con ông này cũng mang ra nhậu, gia đình ngày càng khánh kiệt. Khi say rượu, ông ta đập phá đồ đạc, đuổi đánh vợ con, cuối cùng là chết trong bệnh tật.

Không chỉ có tác hại về sức khỏe, rượu bia cũng gây ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế. Cụ thể, mỗi năm người dân bỏ ra 4 tỷ USD để uống rượu bia, trong khi giá trị xuất khẩu gạo chỉ 2,41 tỷ USD. Đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu cho ngân sách Nhà nước là 50 nghìn tỷ đồng, nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới (WTO), mức thấp nhất để khắc phục hậu quả do rượu bia gây ra như bệnh tật, tai nạn giao thông, mất việc làm… lại lên tới 65 nghìn tỷ đồng. Do đó, nếu không có các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ từ bây giờ, hậu quả mà Việt Nam phải đối mặt trong những thập kỷ tới sẽ rất nghiêm trọng.

Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đang yếu đi?

Đây là nỗi băn khoăn mà người đứng đầu Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ tại Hội thảo sáng 8/11. Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, thời gian qua đã diễn ra nhiều hội thảo, diễn đàn thảo luận về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

“Trong quá trình thảo luận, tranh luận tại các diễn đàn, đã có sự “giằng xé” giữa lợi ích về mặt sức khỏe và lợi ích kinh tế trong dự thảo Luật, trong đó thông tin được đưa ra công luận phần nhiều phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia, còn ý kiến của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh chính sách đồ uống có cồn toàn cầu (GAPA), Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (Health Bridge Canada), Liên minh nếp sống lành mạnh (IOGT), Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam, của các chuyên gia y tế, sức khỏe… lại ít được quan tâm” – ông Quang thẳng thắn nêu quan điểm.

Ông Quang cho rằng, những người coi trọng lợi ích về kinh tế sẽ coi nhẹ lợi ích về sức khỏe. Ông chỉ rõ, có một thực tế là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia luôn phản ứng trái chiều đối với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia; hạn chế địa điểm bán rượu và quy định độ tuổi sử dụng rượu bia; kiểm soát quảng cáo khuyến mại tài trợ).

“Hiện có nhiều ý kiến khiến tôi có cảm giác dự thảo Luật này đang ngày càng yếu đi. Ví dụ, tên của luật đã được Quốc hội đưa vào Dự thảo Luật và Chính phủ đã quyết định đưa ra trình Quốc hội là “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại muốn thêm chữ “lạm dụng” vào là “Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia”. Điều này sai về bản chất. Vì để đến khi lạm dụng rồi thì đã có sự lệ thuộc, tâm thần không ổn định. Chờ đến khi lạm dụng rượu bia rồi mới phòng chống thì quá muộn. Rõ ràng với rượu bia là không thể lạm dụng được, vì chưa gì nó đã gây tác hại ngay, đó là không làm chủ được hành vi của mình, gây tai nạn giao thông, gây bạo lực cho người khác… vô cùng nguy hiểm. Đến khi lạm dụng rồi thì chi phí bỏ ra cho việc phòng, chống là rất lớn...” – ông Quang nêu quan điểm.

“Với lợi ích về sức khỏe – kinh tế - xã hội thì thấy, việc xây dựng Luật phòng chống tác hại rượu bia phải đứng trên quan điểm phát triển bền vững, bảo đảm tính khoa học, khách quan và luôn đặt lợi ích bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển bền vững đất nước lên ưu tiên hàng đầu” – ông Quang cho biết thêm.

Nhằm phòng chống tác hại của rượu bia, ông Jun Nakagawa, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, trước hết phải làm giảm khả năng tiếp cận và khả năng sẵn có của rượu bia. Thực tế của Việt Nam hiện nay là ở đâu cũng có thể mua được rượu bia. Nhưng nếu đi sang các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới thì rất khó để mua. Bên cạnh đó, Việt Nam cần hạn chế giờ bán, phương thức bán loại đồ uống có cồn này.

Lo doanh nghiệp vận động chính sách!

Đặc biệt, ông Jun Nakagawa cũng cho biết, trong các kiến nghị của WHO, đáng chú ý có sự lo ngại về sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia làm giảm hiệu quả của những quy định pháp luật, và tạo ra những kẽ hở sẽ làm suy yếu hiệu quả của pháp luật…

Vị này nêu ví dụ: “Kinh nghiệm của các nước trên thế giới, cụ thể là Na uy cho thấy, nước này không cho sự tham gia của doanh nghiệp rượu bia trong việc xây dựng hoạch định chính sách. Vì điều đó sẽ gây ra xung đột lợi ích rất lớn trong vấn đề này” – ông Jun nói.

Bàn về nội dung của dự thảo Luật hiện nay, bà Phạm Hoàng Anh, đại diện của Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (Health Bridge Canada) nhấn mạnh: “Tờ trình của dự thảo Luật thì mục tiêu rất rõ ràng, nếu thực hiện đúng mục tiêu mà dự thảo Luật ban đầu đặt ra thì những nội dung của Luật rất mạnh mẽ nhằm hướng tới giảm đà tăng của tiêu thụ rượu bia hiện nay. Trước đây ta có quy định về giờ bán và phương thức bán rượu bia, nhưng hiện nay trong dự thảo Luật không còn nữa mà giao cho chính quyền địa phương có lộ trình về vấn đề này... “ – bà Hoàng Anh chia sẻ.

Được biết, trong vòng 3 tháng qua kể từ khi dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được lấy ý kiến rộng rãi, đã có tổng cộng 10 thư kiến nghị/góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ. Bên cạnh đó là các góp ý cụ thể của một số tổ chức đối với dự thảo Luật như đề nghị giữ tên Luật như đề xuất của Chính phủ là “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”; kiểm soát, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ; điều kiện tài chính bảo đảm thực thi luật.

Một lần nữa ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh, sử dụng rượu, bia là trở ngại cho sự phát triển bởi chúng hủy hoại nguồn nhân lực và cản trở sự phát triển bền vững của con người. Do đó, việc ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một công cụ pháp lý mạnh mẽ nhất để thực hiện các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững.

THẠCH HƯƠNG

Việt Nam đã đưa ra cam kết của mình liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030...

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/kinh-doanh-ruou-bia-nop-ngan-sach-50-nghin-ty-dong-xa-hoi-ganh-hau-qua-65-nghin-ty-dong-17423.html