Kinh doanh nước sạch: Nhà nước hay tư nhân?

Ngay sau sự cố Nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu khiến người dân Hà Nội lao đao, dư luận lại tiếp tục 'nóng' trước thông tin Nhà máy nước sông Đuống chưa được nghiệm thu đã đi vào hoạt động, đồng thời giá bán nước lại cao hơn so với một số cơ sở khác. Liên tiếp những bất cập, tồn tại trong việc sản xuất, kinh doanh nước sạch xảy ra dấy lên lo ngại về 'lỗ hổng' lớn trong việc quản lý loại hình kinh doanh này.

Hình ảnh người dân xếp hàng chờ lấy từng giọt nước sạch vừa qua là minh chứng rõ nét cho việc quản lý mặt hàng này đang tồn tại nhiều bất cập. Ảnh: ST.

Hình ảnh người dân xếp hàng chờ lấy từng giọt nước sạch vừa qua là minh chứng rõ nét cho việc quản lý mặt hàng này đang tồn tại nhiều bất cập. Ảnh: ST.

Độc quyền, “béo bở”?

Theo tìm hiểu phóng viên được biết, hiện nay, nước sạch khu vực Hà Nội đang được cung cấp chính bởi 5 DN là: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco), Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống và Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).

Theo ý kiến một số chuyên gia kinh tế, kinh doanh nước sạch là mặt hàng thu lợi nhuận cao. Ông Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nước sạch là thị trường “béo bở”, bởi nếu như cà phê có thể nay uống mai không, đi du lịch có thể năm nay đi năm sau không, nhưng nước hay điện là nhu cầu tất yếu, giống cơm ăn, áo mặc gần như không thay đổi.

Về độ “béo bở” trong việc sản xuất, kinh doanh nước sạch, qua báo tài chính quý III/2019 của Viwasupco cho thấy doanh thu và lợi nhuận của DN tăng mạnh, vượt khá nhiều so với kế hoạch lợi nhuận năm. Cụ thể, doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018, ở mức 138 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 28%, đạt mức 72 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng, doanh thu của Viwasupco tăng 21% lên hơn 400 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 30% lên gần 200 tỷ đồng, vượt khá nhiều so với lợi nhuận đề ra cho cả năm là 75,5 tỷ đồng.

Ngoài Viwasupco, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom) hai năm gần đây, mỗi năm DN này sản xuất tổng cộng 230 triệu m3, tương đương năng lực sản xuất một ngày đêm trên 650.000m3. Năm 2018, Hawacom đạt mức lãi ròng 356 tỷ đồng với tỉ suất lợi nhuận tăng 19% trong năm 2018.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế còn lo ngại đang có tình trạng độc quyền trong sản xuất, cung cấp nước sạch. Sở dĩ như vậy là do đây là loại hàng hóa đặc thù, không phải DN nào cũng có khả năng sản xuất nước sạch. Mặt khác, người dân không phải cứ có tiền là mua được nước, càng không phải thích mua của DN nào thì mua, DN cũng không không phải thích bán cho ai thì bán.

Tóm lại, cả người bán và người mua đều không có quyền “tự quyết” và người quyết định không ai khác chính là chính quyền TP. Chính quyền quyết định nhà sản xuất nào cung cấp nước cho địa bàn nào, cũng có nghĩa là người dân nào phải dùng nước của nhà máy nào. Không ai có thể làm khác được.

Chính vì thế, nước Sông Đà nhiễm bẩn, nhưng người dân thuộc khu vực dùng nước sông Đà không thể tự mình chạy sang mua nước của nhà cung cấp khác được. Cho nên, ngay đến như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khi trả lời báo chí trong những ngày khủng hoảng nước Sông Đà cũng phải thốt lên rằng, chính ông và gia đình cũng đã phải 3 ngày dùng nước bẩn.

Cạnh tranh bình đẳng

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nước sạch liên quan đến sự sống của hàng triệu người nên được quản lý chặt bởi Nhà nước song lại đang bị “thả nổi” giao toàn quyền cho các DN.

Liên quan vụ việc nhà máy nước sạch sông Đuống bị người Thái mua lại quyền kinh doanh, nhiều chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần xem lại danh mục kinh doanh có điều kiện. Theo đó, có những ngành nghề cần hạn chế chuyển nhượng ở bên ngoài biên giới Việt Nam, cụ thể là mặt hàng nước sạch. Một số chuyên gia cho rằng, cần giữ nguyên hoạt động kinh doanh nước sạch trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, phải đưa ra các tiêu chuẩn, quy định để quản lý chặt chẽ khi đăng ký đầu tư kinh doanh lĩnh vực nước sạch.

Bên cạnh đó, để tránh "thả nổi" kinh doanh nước sạch như hiện nay, bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nêu ý kiến, các cơ quan quản lý nên có quy định yêu cầu chứng minh nguồn vốn khi đầu tư sản xuất, kinh doanh nước sạch.

Ngoài ra, theo bà An, khi đã chứng minh được tính hợp pháp của nguồn vốn, mọi DN, không phân biệt thành phần kinh tế đều có thể vào việc sản xuất cung ứng nước sạch, dựa trên cơ sở đảm bảo chất lượng nước. “DN nào đáp ứng được những yếu tố đó thì Nhà nước mua. Có thể có nhiều đầu mối cung cấp nhưng quản lý và điều phối thì chỉ nên có một”, bà An nêu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng nên có sự tham gia của các DN tư nhân bởi nếu trong thị trường dịch vụ công không có cạnh tranh về chất lượng thì rủi ro của việc chất lượng không đảm bảo sẽ rất lớn. “DN sẽ đặt tiêu chí chất lượng xuống dưới lợi nhuận và vụ việc sông Đà có thể lại xảy ra một lần nữa", vị chuyên gia chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, nên phá bỏ độc quyền sản xuất, cung ứng và áp dụng nguyên tắc của kinh tế thị trường, đấu thầu công khai, minh bạch. Khi đấu thầu, cần kiểm tra năng lực tài chính để đảm bảo tiến độ đầu tư, có hiệu quả”, ông Dũng chia sẻ.

Một chuyên gia khác là ông Nguyễn Xuân Lai, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, mặc dù nước là loại hình đặc thù nhưng không phải vì thế mà chỉ cho một vài DN sản xuất, kinh doanh khiến người dân không có quyền lựa chọn. Như vậy khi xảy ra sự cố, người dân chỉ có 2 phương án, một là ngưng dùng nước, hai là chấp nhận dùng nước không an toàn.

Theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự báo đến 2030, nhu cầu nước của Hà Nội đạt 1.939.000 m3/ngày đêm; tới năm 2050 dự báo đạt 2.576.000 m3/ngày đêm. Trong đó, nguồn cung cấp nước đến từ 3 nhà máy nước mặt Sông Đà, Sông Hồng và Sông Đuống (phần cấp cho Hà Nội). Địa bàn cung cấp và mục tiêu nâng cấp công suất cho các nhà máy cũng được xác định rõ.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/kinh-doanh-nuoc-sach-nha-nuoc-hay-tu-nhan-116552-116552.html