Kinh doanh liêm chính - Nói 'không' với tham nhũng

Tại Hội thảo 'Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy cam kết kinh doanh liêm chính' do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 13/11/2019, đại diện các doanh nghiệp, 11 hiệp hội doanh nghiệp đã ký bản cam kết kinh doanh liêm chính, nói không với tham nhũng, nói không với sự thiếu minh bạch và đồng lòng cùng nhau chống lại những hành vi này. Tuy nhiên, cam kết đó có khả thi hay không? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, để tìm câu trả lời.

PV: Ông có thể cho biết, văn hóa kinh doanh liêm chính có thể hiểu như thế nào cho đúng nghĩa?

Ông Vũ Tiến Lộc: Theo tôi, kinh doanh liêm chính là nói không với tham nhũng và không dùng quan hệ cá nhân để đạt được mục đích kinh doanh một cách không chính đáng. Xây dựng văn hóa kinh doanh và thực hiện kinh doanh liêm chính đang là một yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp. Vì chỉ có kinh doanh liêm chính, chỉ có quyết liệt phòng chống tham nhũng, mới góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.

PV: Đó cũng chính là lý do khiến VCCI quyết tâm xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính trong cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Có thể nói, việc xây dựng văn hóa kinh doanh, kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh có liêm chính đang trở thành những chuẩn mực mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn chiến thắng trên thị trường phải đáp ứng được. Đó cũng là yếu tố để doanh nghiệp chiếm được cảm tình của khách hàng, của đối tác, của các nhà đầu tư. Kinh doanh liêm chính sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng và tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng và bảo đảm các nguồn lực xã hội được doanh nghiệp đưa vào khai thác hiệu quả trong kinh doanh.

Theo tôi, điều đó “ích nước, lợi nhà” ở chỗ, vừa có lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường, phát triển sản phẩm, đồng thời có lợi cho việc xây dựng môi trường kinh doanh nói chung. Hiện nay, các nhà đầu tư đang có xu hướng lựa chọn những môi trường kinh doanh có độ liêm chính cao. Các đối tác, bạn hàng bao giờ cũng chọn những đối tác thực sự liêm chính.

“Mảnh đất màu mỡ” nhất cho tham nhũng vặt chính là khu vực DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt là khu vực kinh tế hộ gia đình với mô hình quản trị còn rất sơ khai. Lợi dụng điều đó, không ít công chức Nhà nước đã có hành vi tham nhũng vặt khiến doanh nghiệp không thể liêm chính trong kinh doanh.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự liêm chính trong kinh doanh ở Việt Nam?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết phải nói rằng, nạn tham nhũng, hay chính là sự không liêm chính, đang là vấn nạn phổ biến trên thế giới và cả Việt Nam. Phòng, chống tham nhũng và kinh doanh liêm chính là một yêu cầu rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Như chúng ta đã biết, nạn tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt, ở Việt Nam diễn ra khá phổ biến, chủ yếu xuất hiện trong các quan hệ công chức Nhà nước với các DNNVV.

Tham nhũng, theo các chuyên gia tính toán, mỗi năm chiếm tới 5% GDP toàn cầu. Ở Việt Nam tỷ lệ này cũng không nhỏ. Hậu quả của tham nhũng là làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, làm tăng chi phí của doanh nghiệp và đặc biệt gây bất ổn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, tàn phá môi trường kinh doanh, làm suy giảm lòng tin của doanh nghiệp và xã hội, phân bổ nguồn lực không hiệu quả… Không riêng ở Việt Nam mà ở các nước đang phát triển nói chung, tham nhũng đang tác động lớn đến sự phát triển.

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến kinh doanh không liêm chính, liệu có phải chính là từ cơ chế, chính sách chưa rõ ràng để những công chức lợi dụng, nhũng nhiễu doanh nghiệp?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trong một môi trường kinh doanh chưa thực sự minh bạch, hệ thống pháp luật còn nhiều chồng chéo và hành vi, ứng xử của công chức Nhà nước có thể ảnh hưởng lớn đến các quyết định hành chính… đó là điều kiện để tham nhũng phát triển, thậm chí đó là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng.

Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật đang được hoàn thiện nhưng thực tế còn nhiều điểm chưa thực sự được minh bạch, còn chồng chéo, vô hình trung đã trở thành điều kiện cho tham nhũng phát triển. Theo tôi, “mảnh đất màu mỡ” nhất cho tham nhũng vặt chính là khu vực DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt là khu vực kinh tế hộ gia đình với mô hình quản trị còn rất sơ khai. Lợi dụng điều đó, không ít công chức Nhà nước đã có hành vi tham nhũng vặt khiến doanh nghiệp không thể liêm chính trong kinh doanh.

PV: Phải làm thế nào để giải quyết nạn tham nhũng vặt, giúp doanh nghiệp có thể kinh doanh liêm chính, cũng là thúc đẩy văn hóa kinh doanh liêm chính ở Việt Nam ngày càng mạnh hơn, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Khu vực nào “màu mỡ” nhất cho tham nhũng thì phải giải quyết khu vực đó đầu tiên, như khu vực DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ, kinh tế hộ gia đình. Đầu tiên phải chuẩn hóa, minh bạch hóa bằng việc đưa kinh tế hộ gia đình vào Luật Doanh nghiệp với tư cách là đối tượng điều chỉnh để giúp nâng cấp quản trị đồng thời minh bạch những quy định pháp lý liên quan đến họ. Điều này sẽ giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng vặt và xây dựng kinh doanh liêm chính ở khu vực doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất.

Bên cạnh đó, phải giúp doanh nghiệp nhận thức rõ liêm chính trong kinh doanh là một yêu cầu cho sự phát triển bền vững của chính mình và cũng là trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước trong việc xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính, lành mạnh để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Với khu vực DNNVV, siêu nhỏ có trình độ quản trị ở mức sơ khai, việc đưa vào ứng dụng bộ công cụ hướng dẫn cụ thể về kinh doanh liêm chính vô cùng quan trọng. Đó là những tiêu chuẩn, quy định cụ thể trong điều hành và vận hành doanh nghiệp.

Song song với nhận thức có vai trò rất quan trọng của hệ thống pháp luật và những thiết chế để thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh và thực hành liêm chính. Các cơ quan chức năng sẽ phải thực hiện nghiêm điều đó để bảo đảm minh bạch, công khai và thúc đẩy văn hóa kinh doanh liêm chính phát triển. Và cuối cùng, phụ thuộc vào hành động rất cụ thể của doanh nghiệp, của xã hội. Các doanh nghiệp cần tiếp cận những yêu cầu về kinh doanh liêm chính, về văn hóa kinh doanh, không chỉ tiếp cận dưới góc độ chung chung hay chỉ mang tính khẩu hiệu, triết lý mà phải tiếp cận những vấn đề văn hóa kinh doanh, những vấn đề kinh doanh liêm chính bằng những bộ công cụ cụ thể, bằng những chuẩn mực cụ thể. Theo hướng này, VCCI đã xây dựng bộ công cụ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, nhằm phòng, chống tham nhũng, như là kim chỉ nam, một mô hình cụ thể để các doanh nghiệp có thể thực hành liêm chính.

PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về phương hướng này của VCCI?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trong bộ công cụ nhằm phòng, chống tham nhũng để kinh doanh liêm chính, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp rất quan trọng. VCCI trên cơ sở liên kết với hàng trăm hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước và đặc biệt là với 11 hiệp hội dẫn đầu sẽ triển khai, thúc đẩy phong trào xây dựng liêm chính trong kinh doanh, xây dựng những bộ chỉ số về liêm chính và tổ chức tôn vinh những doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động xây dựng văn hóa kinh doanh và kinh doanh liêm chính. Tôi nghĩ, những biện pháp đồng bộ như vậy sẽ giúp thúc đẩy kinh doanh liêm chính ở Việt Nam.

Tôi muốn nhấn mạnh, kinh doanh liêm chính là điều cần thiết đối với tất cả các doanh nghiệp, từ các tập đoàn xuyên quốc gia đến các DNNVV, siêu nhỏ. Các tập đoàn xuyên quốc gia hay là các doanh nghiệp lớn đã có một hệ thống quản trị khá minh bạch. Chính bản thân hệ thống quản trị minh bạch đã là công cụ rất tốt cho doanh nghiệp phòng, chống tham nhũng. Nhưng đối với khu vực DNNVV, siêu nhỏ có trình độ quản trị ở mức sơ khai, việc đưa vào ứng dụng bộ công cụ hướng dẫn cụ thể về kinh doanh liêm chính, phòng, chống tham nhũng trở nên vô cùng quan trọng. Đó là những tiêu chuẩn, quy định cụ thể trong điều hành và vận hành doanh nghiệp.

PV: Hiện nay có không ít doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có dấu hiệu gian lận về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Theo ông, đó có phải là kinh doanh không liêm chính?

11 hiệp hội doanh nghiệp ký cam kết kinh doanh liêm chính có cơ hội được cấp hỗ trợ tài chính trị giá 160 triệu đồng/đề xuất (kinh doanh liêm chính). Nguồn tài trợ được trích từ Quỹ thịnh vượng Vương quốc Anh và dự án vùng thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).

Theo đó, mỗi hiệp hội doanh nghiệp sẽ được tài trợ 50-90 triệu đồng. Thời gian thực hiện trong 1 năm, chia thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (tháng 12-2019 đến tháng 3-2020), mức hỗ trợ tài chính cho mỗi hiệp hội doanh nghiệp là 50-90 triệu đồng (bao gồm 10% chi phí hoạt động chung cho hiệp hội). Giai đoạn 2 (tháng 4 đến tháng 11-2020), mức hỗ trợ tài chính cho mỗi hiệp hội doanh nghiệp là 50-70 triệu đồng (bao gồm 10% chi phí hoạt động chung cho hiệp hội).

Ông Vũ Tiến Lộc: Thực ra, vấn đề này phải nghiên cứu rất kỹ. Bây giờ chưa có cơ sở nào để kết tội được họ. Rất nhiều trường hợp không đúng như dư luận phản ánh. Vì Nhà nước phải có những quy định thật rành mạch, rõ ràng về việc sử dụng nhãn mác đối với hàng hóa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của Việt Nam để các doanh nghiệp tuân thủ. Tuy nhiên, hiện nay các quy định này cùng với khung pháp lý chưa đạt được như vậy, cho nên không thể kết tội doanh nghiệp được. Cũng chính bởi thực tế đó, theo tôi phải sớm ban hành những quy định về nhãn mác và xuất xứ hàng hóa trong kinh doanh nội địa của doanh nghiệp Việt Nam, trên cơ sở đó hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ cũng như có thể xử phạt những doanh nghiệp vi phạm. Asanzo là một ví dụ điển hình, thậm chí không phải chỉ là Asanzo mà nhiều doanh nghiệp khác cũng có vấn đề về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Nếu cơ quan chức năng xử lý không khéo sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chính đáng của hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh: Phải số hóa thủ tục hành chính, giao dịch

PV: Sau khi ký cam kết kinh doanh liêm chính, ông thấy trách nhiệm của doanh nghiệp như thế nào?

Ông Trần Việt Anh: Trước tiên doanh nghiệp phải minh bạch hóa trong tất cả hoạt động kinh doanh của mình, trong đó có chiến lược kinh doanh, tuân thủ pháp luật... Thứ hai, doanh nghiệp phải lên tiếng khi có những tác động liên quan đến vật chất cũng như tài chính dẫn đến bị phiền nhiễu, cản ngại trong hoạt động, để “nói không” với tham nhũng và thúc đẩy kinh doanh liêm chính.

PV: Với tư cách vừa là lãnh đạo một hiệp hội, vừa là người đứng đầu doanh nghiệp, ông có thể cho biết cụ thể những khó khăn đối với doanh nghiệp muốn kinh doanh liêm chính?

Ông Trần Việt Anh: Tôi nghĩ rằng doanh nghiệp nào cũng muốn mọi việc trôi nhanh và rất ngại va chạm, nên để tránh những điều đó, doanh nghiệp phải “chạy” bằng vật chất, tiếp tay cho tham nhũng, chấp nhận kinh doanh không liêm chính. Các doanh nghiệp đã đúc kết như thế này, kinh doanh không liêm chính chính là do tác động của những đối tượng tạo ra cơ chế, tạo ra những quy định để doanh nghiệp phải vượt qua bằng sự không minh bạch.

PV: Doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh có thường gặp tham nhũng vặt không, thưa ông?

Ông Trần Việt Anh: Ở các tỉnh thì tôi không biết, nhưng ở TP Hồ Chí Minh thì tình trạng tham nhũng vặt đã giảm rất nhiều, không như trước. Đây là một thành phố lớn có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động với tư duy rõ ràng, minh bạch nên cũng tác động tới sự liêm chính. Chưa kể bên cạnh đó có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền. Nhưng đôi khi tham nhũng vặt cũng vẫn xảy ra trong hoạt động hằng ngày, không thể đo đếm được. Nó như chuyện quá nhiều cái nhỏ tích tụ lại thành cái lớn làm chúng ta khó chịu. Tuy nhiên, hiện nay, ý thức của doanh nghiệp về việc lên tiếng với nạn tham nhũng vặt đã được nâng cao. Họ trao đổi với hiệp hội và hiệp hội đứng ra nói cho họ, giải quyết cho họ, vì nhiều khi doanh nghiệp không thể nói, hay đúng hơn là không dám nói ra. Hiểu rõ vai trò của hiệp hội doanh nghiệp như vậy nên lần ký cam kết kinh doanh liêm chính này, VCCI giao trách nhiệm rất lớn cho các hiệp hội.

Để xử lý tham nhũng vặt, đơn giản nhất là công nghệ hóa. Những thủ tục hành chính, hoạt động giao dịch được số hóa, dẫn đến việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người được hạn chế, từ đó hạn chế phiền nhiễu, tham nhũng, giúp doanh nghiệp có thể kinh doanh liêm chính.

PV: Ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, theo ông, cơ quan quản lý Nhà nước cần có trách nhiệm gì trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính?

Ông Trần Việt Anh: Thông điệp của Chính phủ hết sức rõ ràng, phải luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, sự tạo thuận lợi phải xuyên suốt từ trên xuống dưới. Vì hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến rất nhiều bộ phận trong các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng mà thực tế không phải bộ phận nào cũng thực sự tạo thuật lợi cho doanh nghiệp. Cho nên, tôi nghĩ rằng, mọi việc phải bắt đầu từ cơ sở và nếu được giải quyết từ cơ sở trở lên thì khó khăn của doanh nghiệp mới được tháo gỡ.

Để xử lý tham nhũng vặt, theo tôi đơn giản nhất là công nghệ hóa. Có nghĩa là những thủ tục hành chính, hoạt động giao dịch được số hóa, dẫn đến việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người được hạn chế, từ đó hạn chế phiền nhiễu, tham nhũng, giúp doanh nghiệp có thể kinh doanh liêm chính. Đây là điều cần làm ngay.

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/kinh-doanh-liem-chinh-noi-khong-voi-tham-nhung-556768.html