Kinh doanh kiểu Facebook, Google tạo cạnh tranh không cân bằng

Theo TS Vũ Sỹ Cường việc không thể hoặc đánh thuế không đầy đủ những doanh nghiệp có hoạt động thương mại hoặc dịch vụ xuyên biên giới đã tạo môi trường cạnh tranh không cân bằng.

"Các doanh nghiệp trong nước phải có pháp nhân, phải nộp thuế thu nhập nên môi trường cạnh tranh với các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tất nhiên sẽ không công bằng", PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính, chia sẻ tại cuộc tọa đàm ngày 20/12. Tọa đàm có chủ đề: "Đánh thuế thế nào đối với các hoạt động thương mại và dịch vụ xuyên biên giới" do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (IPS) phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường khẳng định đánh thuế Facebook, Google rất khó, nhiều nước phát triển cũng đang ở những bước đầu. Ảnh: Ngô Minh.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường khẳng định đánh thuế Facebook, Google rất khó, nhiều nước phát triển cũng đang ở những bước đầu. Ảnh: Ngô Minh.

Gian nan tìm cách đánh thuế Facebook, Google

Trả lời câu hỏi của Zing.vn về việc nếu không thể đánh thuế đầy đủ những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google... điều gì sẽ xảy ra với các doanh nghiệp cùng ngành tại Việt Nam khi đang cạnh tranh không công bằng, PGS.TS Cường cho rằng có những xu thế không thể chống lại, và Việt Nam không phải là nước duy nhất đang gặp tình trạng này.

"Khi Netflix vào, không chỉ truyền hình, rạp chiếu phim ra đi cũng là bình thường. Đó là xu thế mà đôi khi không thể chống lại và thuế cũng chỉ là một trong những hình thức bảo hộ, không thể ngăn chặn xu thế được", giảng viên của Học viện Tài chính chia sẻ.

Cũng theo PGS.TS Cường, đánh thuế Google, Facebook là chuyện rất khó vì muốn đánh thuế phải tính được giá trị hàng hóa. Tuy nhiên trong thời đại công nghệ, thông tin cũng là một loại hàng hóa và rất khó kiểm soát.

"Họ không có hàng hóa hữu hình, không có pháp nhân tại Việt Nam, do đó việc xác định giá trị đánh thuế là rất khó khăn", ông nói thêm. Hiện nay các quốc gia khác cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định giá trị đánh thuế của Facebook và Google.

Với những dịch vụ kết nối như Grab hay Airbnb, chuyên gia này cho rằng việc đánh thuế các đối tác tại Việt Nam, với Grab là các tài xế, với Airbnb là những chủ nhà cho thuê, là phương án khả thi nhất vì đây là những đầu mối có doanh thu rõ ràng và có hiện diện tại Việt Nam, có thể thực hiện quản lý thuế.

Ông Vũ Sỹ Cường cũng cho rằng việc đưa ra hành lang pháp lý để đánh thuế những ông lớn như Facebook, Google sẽ rất khó khăn vì nếu làm mạnh, họ sẵn sàng từ bỏ thị trường Việt Nam nếu cân bằng giữa chi phí và lợi nhuận không hấp dẫn. Khi đó, Việt Nam sẽ mất nhiều.

Bên cạnh đó, PGS.TS Cường nhận định trong cuộc chiến pháp lý về thuế với cơ quan thuế Việt Nam, các tập đoàn này gần như nắm chắc phần thắng vì "làm sao với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng, cơ quan thuế Việt Nam thuê được những luật sư đủ trình độ để 'đấu' với những luật sư lương 10.000 USD/tháng của những ông lớn".

Các ông lớn công nghệ lách thuế ra sao?

Hiện doanh thu của Facebook trên toàn thế giới được điều hướng về trụ sở của hãng ở Dublin, Ireland. Theo số liệu năm 2015, hãng chuyển 4,83 tỷ euro doanh thu về Ireland nhưng chỉ đóng thuế 3,4 triệu euro, tương đương khoảng 0,08% doanh thu.

Facebook, Google và nhiều ông lớn cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khác đang lợi dụng luật pháp về thuế đã lỗi thời để lách hàng tỷ USD tiền thuế mỗi năm. Ảnh: Getty.

Sở dĩ Facebook nộp thuế thấp như vậy là vì thuế trên được tính theo lợi nhuận và Facebook báo cáo với chính quyền Ireland hãng đang có lợi nhuận vô cùng thấp.

Kiếm tới 4,83 tỷ USD, những lợi nhuận của Facebook vẫn thấp vì hãng phải trả tiền tác quyền cho một công ty có tên Facebook Holdings Limited, một công ty được chính Facebook lập ra.

Công ty con Facebook Holdings Limited dù có trụ sở tại Ireland nhưng lại là pháp nhân đến từ Cayman Islands (lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh), một thiên đường thuế, nơi không đánh thuế tác quyền.

Đây chính là một trong những hình thức né thuế vô cùng phổ biến mà các tập đoàn lớn như Facebook hay Google đang sử dụng. Đôi khi để lắt léo hơn, tác quyền được một công ty con tại Hà Lan nắm giữ và công ty tại Cayman Islands nắm 100% cổ phần, thêm một bước giúp khó truy thu thuế mà số tiền thuế phải đóng vẫn không tăng thêm đồng nào.

Cơ quan chức năng nhiều nước đang thúc đẩy soạn thảo những hành lang pháp lý mới để buộc Facebook phải "thu ở đâu đóng thuế ở đó". Mười bộ trưởng tài chính EU, dẫn đầu bởi Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno le Maire, đã nhóm họp hồi tháng 9/2017 để yêu cầu những gã khổng lồ Internet như Facebook phải nộp thuế theo doanh thu thay vì theo lợi nhuận.

Giữa sức ép từ các nhà lập pháp và dư luận, Facebook đã chính thức thông báo sẽ bắt đầu nộp thuế cho doanh thu quảng cáo của hãng tại các nước sở tại thay vì điều hướng thu nhập về Ireland bắt đầu từ tháng 1/2018 và sẽ áp dụng hoàn toàn cơ chế này vào nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng ở những nơi mà Facebook có văn phòng.

Ngô Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/kinh-doanh-kieu-facebook-google-tao-canh-tranh-khong-can-bang-post902099.html