Kinh doanh du lịch ra nước ngoài: Không bài bản sẽ thất thu

Năm ngoái, số khách Việt du lịch nước ngoài đã chạm tới con số 10 triệu lượt. Thống kê này chắc chắn sẽ còn tăng nếu các hãng lữ hành trong nước có cách làm bài bản, còn không 'miếng bánh' trên sẽ về tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Ảnh minh họa nguồn Internet

Thị trường ngày một lớn

Du lịch có 3 loại hình là đón khách vào (inbound), đưa khách ra (outbound) và du lịch nội địa. Những năm gần đây, loại hình outbound ngày càng nở rộ, người Việt ngày càng chịu chi cho du lịch, mua sắm ở nước ngoài. Dịch vụ outbound của các công ty lữ hành nở rộ như “nấm sau mưa”, với các mức giá cạnh tranh thông qua việc phối hợp với các cơ quan du lịch của một số quốc gia.

Theo ông Đoàn Ngọc Xuân - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Xã hội (Ban Kinh tế T.Ư), cùng với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng hàng năm, lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng tăng trưởng liên tục 2 con số. Nếu như năm 2016, khoảng 6,6 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài thì đến năm 2018, con số này tăng lên 10 triệu lượt người.

“Người Việt Nam không chỉ quan tâm đến thị trường Đông Nam Á mà đang dần để ý tới thị trường Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông... Việc người Việt Nam có khả năng chi trả cao là đáng mừng, thể hiện mức sống dân cư ngày một tăng, bên cạnh đó các công ty du lịch cũng tăng trưởng về doanh số”, Vụ trưởng Xuân chia sẻ.

Xung quanh vấn đề này, đại diện Công ty Saigontourist chi nhánh tại Hà Nội - bà Nghiêm Ái Phương nhận định, đang có nhiều đường bay quốc tế thuận tiện, thủ tục làm visa thuận lợi nên nhiều hãng lữ hành thiết kế các gói sản phẩm outbound, đồng thời coi đây là một trong những thế mạnh để phát triển, khiến lĩnh vực này trên thị trường đang có sự cạnh tranh mạnh.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc HanoiRedtours cho biết, tại doanh nghiệp này, tổng lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài hàng năm tăng trưởng trung bình 30%. Các sản phẩm du lịch outbound của du khách Việt Nam cũng đã thay đổi nhiều, nếu trước đây chỉ là những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì nay đã mở rộng sang tất cả các thị trường như Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ, Châu Phi. Các mức giá đi du lịch nước ngoài trước đây chỉ từ 10 – 20 triệu đồng, nhưng nay các mức giá từ 50, 60 – 100 triệu đồng cũng được nhiều người lựa chọn. Đặc biệt, người Việt Nam hiện nay đi du lịch nước ngoài không chỉ một năm một lần nữa mà có nhiều người có điều kiện thì một năm đi vài lần…

Đi đường dài phải bài bản

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, việc tổ chức hoạt động outbound còn nhiều bất cập, chưa thật sự được quan tâm và có chính sách quản lý tốt…, đặc biệt trong thời gian qua đã xảy ra một số sự việc đáng tiếc liên quan tới du khách Việt Nam, như vụ 152 khách du lịch Việt Nam bị nghi bỏ trốn ngay khi xuống sân bay ở Đài Loan…

Thực tế, du lịch outbound phát triển nên có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Trong số này, có những đơn vị lớn, uy tín nhưng cũng có không ít đơn vị nhỏ, làm kiểu chộp giật, “vay mượn” những thương hiệu dẫn tới hiện tượng du khách bị lừa.

Bà Nghiêm Ái Phương, Trưởng phòng Outbound Chi nhánh Saigontourist tại Hà Nội cho biết, đang có những trở ngại ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường tiềm năng này là tình trạng khách du lịch ở lại nước ngoài bất hợp pháp hay tình trạng vi phạm pháp luật của khách Việt tại nước sở tại dẫn tới việc một số nước hạn chế cấp thị thực nhập cảnh cho người Việt Nam hoặc áp dụng một số thủ tục rườm rà. Bên cạnh đó là những trở ngại do tình trạng chậm, hoãn chuyến bay của các hãng hàng không và biến động về tỷ giá ngoại tệ… cũng gây ra những bất lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch outbound.

Để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này bài bản, các chuyên gia kinh tế du lịch, doanh nghiệp lữ hành cho rằng, cần có chính sách quản lý và bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Vì khi thị trường khách du lịch Việt Nam tăng trưởng, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người Việt tăng thì sẽ xuất hiện thêm những công ty du lịch nước ngoài muốn đầu tư, khai thác, thậm chí chiếm lĩnh thị trường này. Thị trường du lịch nước ngoài của Việt Nam sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó, nguy cơ thất thu thuế, mất việc làm cho nguồn nhân lực du lịch trong nước là rất cao và khi đó chúng ta sẽ thua ngay trên chính sân nhà.

Anh Vũ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-du-lich-ra-nuoc-ngoai-khong-bai-ban-se-that-thu-447359.html