Kinh doanh dịch vụ truyền hình: Việt Nam đang 'bảo hộ ngược' cho doanh nghiệp nước ngoài

Thời gian qua, nhiều sản phẩm phim ảnh từ các OTT TV xuyên biên giới đã vi phạm pháp luật, văn hóa của Việt Nam, để lọt nhiều sản phẩm bạo lực, khiêu dâm, xuyên tạc lịch sử, chủ quyền. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ hậu kiểm thì không thể kiểm soát được những bộ phim có nội dung độc hại, sai trái, không ngăn chặn được phim có nội dung xấu.

Hiện nay 80% thị phần OTT TV tại Việt Nam là từ các doanh nghiệp xuyên biên giới. Trong khi các doanh nghiệp trong nước chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật liên quan thì các đơn vị của nước ngoài gần như không phải chịu bất cứ sự kiểm duyệt hay chế tài luật pháp nào. Điều này khiến OTT trong nước rơi vào cuộc chiến bất bình đẳng, thua ngay trên sân nhà.

Ông LÊ ĐÌNH CƯỜNG - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền
Chúng ta phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về chủ trương, biện pháp, đặc biệt là các chế tài quản lý để hỗ trợ bình đẳng cho các đơn vị dịch vụ truyền hình trong nước có thể phát triển được. Và chúng ta cũng ngăn chặn những vi phạm một cách lách luật của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình ở nước ngoài vào Việt Nam
Hiện nay, đối với các với kênh chương trình truyền hình trong nước, phim, chương trình theo yêu cầu, kênh chương trình nước ngoài việc đăng ký, cung cấp, biên dịch, biên tập phải tuân theo quy định tại Nghị định 06 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Ngược lại, đối với các đơn vị OTT nước ngoài thì lại chưa định vị rõ ràng là họ thuộc đối tượng điều chỉnh của NĐ 06, chưa quy định rõ ràng việc chương trình, phim do các đơn vị này cung cấp buộc phải có giấy phép phổ biến phim, video, clip và cũng chưa có quy định về biên tập nội dung. Điều này tạo ra kẽ hở để lọt những sản phẩm xấu độc, xuyên tạc, vi phạm pháp luật Việt Nam và tạo ra tình trạng “bảo hộ ngược” cho các doanh nghiệp nước ngoài, khiến doanh nghiệp trong nước rơi vào cuộc cạnh tranh không công bằng.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN - Giám đốc công ty luật Phanlaw
Chúng ta cần có các nghĩa vụ giống nhau để đảm bảo, không phải tạo sân chơi đâu, mà còn phải đảm bảo quyền lợi người xem. Tôi thuê bao 1 dịch vụ xem truyền hình trả tiền nước ngoài ở VN, Đó là 1 điều rất tốt, nhưng cả gia đình tôi sẽ cùng xem. Và tôi rất lo ngại những người không tương thích với văn hóa đó lại tiếp cận với văn hóa không phù hợp theo cách mà tôi không thể kiểm soát được.

Ông LÊ ĐÌNH CƯỜNG - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền
Cái giải pháp duy nhất là chúng ta phải yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình, cung cấp chương trình thể thao, giải trí đặc biệt là chương trình giải trí – văn hóa văn nghệ từ nước ngoài qua các kênh OTT của nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn phải kiểm duyệt, tức là chúng ta phải tiền kiểm chứ không áp dụng biện pháp hậu kiểm. Không thể chấp nhận việc luật sửa đổi đồng ý cho các đơn vị cung cấp nội dung tự đăng ký, tự kiểm duyệt nội dung
Theo kế hoạch được quy định tại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 thì Luật Điện Ảnh sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp tháng 05/2022, trong đó bao gồm cả nghị định 06 đang trình sửa đổi bổ sung. Hy vọng thời gian tới, các nhà làm luật và chuyên gia sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp phù hợp, tạo sự công bằng trong cạnh tranh giữa OTT nội – ngoại và văn hóa trên không gian mạng được đảm bảo trong tương lai.

Thực hiện : Dương Hội Minh Hạ Hữu Bình Dung Hạ

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/kinh-doanh-dich-vu-truyen-hinh-viet-nam-dang-bao-ho-nguoc-cho-doanh-nghiep-nuoc-ngoai