Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Nên giao cho tổ chức hành nghề luật sư

Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ (hay còn gọi là dịch vụ 'đòi nợ thuê') hiện nay được thực hiện theo quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP. Qua hơn 10 năm đi vào thực tiễn, hoạt động này ngày càng bộc lộ nhiều điểm bất cập, có dấu hiệu 'xã hội đen' như đe dọa, chửi bới, khủng bố về mặt tinh thần, tâm lý đối với bên nợ, khiến họ 'khiếp sợ' mà có thể trả nợ.

Ảnh: Báo An Ninh Thủ Đô

Người viết đã nhiều lần tiếp xúc với các khách hàng là nạn nhân của công ty đòi nợ. Có trường hợp một người trước đây từng là con rể (đã ly hôn) thuê công ty dịch vụ đòi nợ đến nhà đòi nợ đối với hai vợ chồng lớn tuổi từng là cha mẹ vợ của mình.

Mục đích của anh này không gì khác hơn là nhằm "phá hôi", "trả thù" cha mẹ vợ cũ. Mặc dù đòi nợ, nhưng bản thân người này cũng đang còn nợ bên kia một số tiền, thậm chí còn lớn hơn số tiền mà mình đòi. Đến khi phía bị đòi đưa ra giấy nợ của bên đòi, thì công ty đòi nợ mới lặng lẽ rút lui, sau khi đã có rất nhiều hành động ngang tàng, khiêu khích, thậm chí đe dọa, chửi bới khiến hai vợ chồng già sợ phát khiếp.

Trong không ít trường hợp, cơ sở để công ty đòi nợ đến đòi nợ hoàn toàn không rõ ràng, tài liệu họ đưa ra không đủ căn cứ để có thể xem là chứng cứ chứng minh. Hay nói khác đi là họ đã đòi nợ mà chưa/không có đủ căn cứ. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP, dịch vụ đòi nợ thuê chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đủ hai yếu tố sau: có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp và đã quá hạn thanh toán.

Thực tế hành vi của nhân viên các công ty đòi nợ tạo ra cảm giác bất an sợ hãi, thiếu vắng sự nghiêm minh, trật tự của pháp luật cho nhiều người và trong xã hội.

Chuyện cho vay, đòi nợ là điều bình thường và tất yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong giao dịch dân sự giữa cá nhân với cá nhân. Nếu bên nợ vi phạm cam kết trả nợ, thì bên chủ nợ có quyền đòi nợ. Nếu đòi không được thì có quyền kiện ra tòa án, và yêu cầu cơ quan chức năng hỗ trợ thu hồi nợ (gọi là "thi hành án dân sự").

Đối với dịch vụ đòi nợ, trong Nghị định 104/2007/NĐ-CP xác định rõ hai vấn đề: đòi nợ phải có "căn cứ hợp pháp" và công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ có chức năng "tư vấn pháp luật cho chủ nợ hoặc khách nợ về việc xác định nợ, biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ".

Như vậy, rõ ràng dịch vụ đòi nợ có đủ yếu tố của một "dịch vụ pháp lý".

Tuy nhiên, việc xác định một tài liệu có giá trị và là chứng cứ để đòi nợ (khoản nợ hợp pháp) rõ ràng không thuộc chức năng và thẩm quyền của một công ty đòi nợ, mà thuộc thẩm quyền của cơ quan duy nhất là tòa án. Vấn đề này được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Tố tụng dân sự. Nói cách khác, trừ trường hợp bên nợ thừa nhận, thì việc phía công ty đòi nợ đơn phương áp đặt quyền đòi nợ thông qua những chứng cứ do khách hàng của mình đưa ra và đang có tranh cãi, để làm căn cứ đòi nợ là không hợp lý, thậm chí trái pháp luật.

Đòi nợ là một quyền dân sự. Nếu bản thân người chủ nợ không tự mình đòi thì có thể ủy quyền cho người khác. Do vậy, pháp luật không thể cấm dịch vụ đòi nợ, vì như vậy là hạn chế quyền dân sự của công dân. Vấn đề là ai, tổ chức nào nên được phép cung ứng dịch vụ đòi nợ?

Hiện nay, theo quy định tại Luật luật sư, chỉ duy nhất các tổ chức hành nghề luật sư mới có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý và những người hành nghề trong lĩnh vực này (luật sư) phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp.

Với quan điểm cần xác định dịch vụ đòi nợ là một dịch vụ pháp lý, pháp luật nên quy định dịch vụ đòi nợ chỉ do các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện, không nên cho phép đăng ký dịch vụ đòi nợ như một hoạt động kinh doanh bình thường.

(*) Đoàn luật sư TPHCM

Ls. Trần Hồng Phong(*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/280340/kinh-doanh-dich-vu-doi-no-nen-giao-cho-to-chuc-hanh-nghe-luat-su-.html