Kinh doanh có lãi nhưng phải vay tiền nộp lợi nhuận vào ngân sách

Chuyện thật như đùa đã xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (Cty IPC). Trong quá trình thanh tra hoạt động của Cty IPC, Thanh tra TP HCM đã phát hiện, mặc dù kinh doanh có lợi nhuận nhưng công ty phải đi vay tiền ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách. Đây là sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 8 tỷ đồng.

Những tập thể, cá nhân nào sẽ phải bồi hoàn khoản chi phí lãi vay hơn 8 tỷ đồng trong 2 năm 2016 và 2017? Ảnh: TN

Ai phải bồi hoàn khoản chi phí lãi vay hơn 8 tỷ đồng?

Kết quả thanh tra đã phát hiện trong 2 năm 2016 và 2017, Cty IPC đã vay vốn ngân hàng 400 tỷ đồng với mục đích vay là để nộp lợi nhuận vào ngân sách. Điều này đã dẫn tới công ty phải trả tổng số tiền lãi hơn 8 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 30/6/2016, IPC đã vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) chi nhánh TP HCM số tiền 100 tỷ đồng trong vòng 14 ngày. Lãi vay buộc phải trả là hơn 223 triệu đồng. Ngày 29/7/2016, công ty vay Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Sài Gòn 100 tỷ đồng trong vòng 6 tháng. Lãi vay phải trả là hơn 2,4 tỷ đồng.

Tiếp đến, ngày 30/3/2017, IPC vay tiếp của Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Sài Gòn 100 tỷ đồng trong vòng 6 tháng. Lãi vay phải trả là hơn 2,7 tỷ đồng. Ngày 15/11/2017, tiếp tục vay ngân hàng này 100 tỷ đồng trong vòng 6 tháng và lãi vay phải trả là gần 2,7 tỷ đồng.

Lý giải về việc này, Cty IPC cho biết, khoản vay này giúp 2 bên tạo “quan hệ” tín dụng lần đầu, làm cơ sở cho sự hợp tác trong tương lai khi công ty có nhu cầu về các khoản tài trợ tín dụng từ ngân hàng để thực hiện dự án trong tương lai.

Thanh tra TP đã khẳng định, thực tế Cty IPC hoạt động kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách và nhằm tạo quan hệ tín dụng với ngân hàng là không phù hợp, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỷ đồng. Việc hạch toán chi phí lãi vay không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh vào chi phí là không đúng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thời, Thanh tra TP cũng chỉ ra, việc công ty vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách không có trong phương án vay và sử dụng vốn vay tại Kế hoạch tài chính 5 năm và hàng năm là không đúng với quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014…

Liên quan đến nội dung này, Chánh Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP, chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Cty IPC chấm dứt việc vay ngân hàng không có trong kế hoạch tài chính của đơn vị. Đồng thời, yêu cầu các tập thể, cá nhân có trách nhiệm liên quan, bồi hoàn khoản chi phí lãi vay hơn 8 tỷ đồng trong 2 năm 2016 và 2017.

Hơn 232 tỷ đồng nợ phải thu tồn đọng kéo dài

Ngoài việc vay ngân hàng sai quy định, Thanh tra TP cũng phát hiện công tác quản lý công nợ tại Công ty IPC còn nhiều bất cập khi chưa tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp để thu hồi các khoản nợ tồn đọng trong thời gian dài. Cụ thể, theo báo cáo của Cty IPC, tính đến 31/12/2017, các khoản phải trả của đơn vị là gần 502 tỷ đồng, trong khi đó các khoản phải thu lên đến gần 912 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu tồn đọng kéo dài là trên 232 tỷ đồng.

Thanh tra TP kết luận, Cty IPC thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, thực hiện các hợp đồng kinh tế không chặt chẽ, thanh toán tiền vượt giá trị quyết toán, để đối tác chiếm dụng vốn mà không thực hiện hợp đồng với số tiền bị chiếm dụng lớn…

Đáng chú ý, trong đó có 2 khoản nợ chiếm tỷ lệ lớn của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Sino Pacific với tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng. Ngoài ra, Cty IPC cũng chưa tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp để thu hồi đối với 49 khoản nợ phải thu tồn đọng với số tiền gần 90 tỷ đồng trong thời gian dài.

Trong quá trình thanh tra về khoản chi phí liên quan đến bến phao, đoàn thanh tra còn phát hiện một số sai phạm. Đó là, trong quá trình sử dụng bến phao (từ năm 2003 tới tháng 9/2013) đã phát sinh chi phí như khảo sát, kiểm toán, bảo dưỡng, đăng kiểm… với số tiền hơn 1,56 tỷ đồng. Công ty đã hạch toán vào chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang.

Đến tháng 9/2016, Cty IPC kết chuyển toàn bộ chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng bến phao với số tiền hơn 1,56 tỷ đồng nêu trên vào chi phí kỳ kế toán năm 2016 là phản ánh không đúng với thực tế phát sinh vi phạm Khoản 3, Điều 6, Luật Kế toán năm 2015.

Đáng chú ý, tổng số tiền hơn 1,56 tỷ đồng không được chấp nhận là chi phí hợp lý trong kỳ kế toán. Trong đó, có hơn 1,04 tỷ đồng là những chi phí không hợp lệ khi công ty sử dụng hóa đơn không hợp lệ như: Hóa đơn giá trị gia tăng không ghi địa chỉ, không ghi hình thức thanh toán, không ký tên người mua hàng…

Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng phát hiện Cty IPC chưa thực hiện chuyển cho công đoàn cấp trên khoản chi phí công đoàn 2% với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng là vi phạm Điểm b, Mục I, Phần II Thông tư liên tịch số 119/2004/TTLT/BTC-TLĐLĐVN của Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Chu Tuấn - Cảnh Nhật

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan/kinh-doanh-co-lai-nhung-phai-vay-tien-nop-loi-nhuan-vao-ngan-sach_t114c1002n141125