Kinh doanh các sản phẩm vi phạm, sàn TMĐT Shopee liên tục bị Cục Quản lý Dược 'điểm danh'

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) tiếp tục đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông báo cho Công ty TNHH Shopee và các sàn giao dịch thương mại điện tử, yêu cầu ngừng kinh doanh, gỡ bỏ các thông tin về các sản phẩm vi phạm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. ..

Ảnh minh họa từ Internet.

Ảnh minh họa từ Internet.

Các sản phẩm mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ 'ngang nhiên' kinh doanh trên sàn TMĐT Shopee

Văn bản của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành ngày 12/10 nêu rõ, ngày 28/7/2022, Cục Quản lý Dược có Công văn gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương về việc xử lý mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được phép lưu hành. Trong đó, Cục Quản lý Dược đề nghị Quý Cơ quan phối hợp trong việc xử lý 03 mẫu mỹ phẩm nhãn hàng Dr Therapy kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee (shopee.vn) vi phạm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa được phép lưu hành.

Đến ngày 29/8/2022, trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương có đăng tải Bài báo “Kiểm tra điểm tập kết, thu giữ trên 13.000 mỹ phẩm mỹ phẩm cao cấp Obagi”.

Văn bản nêu, “Trong đoàn kiểm tra gồm thành viên của Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường), đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh và Công an P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú, TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện tại nhà riêng (địa chỉ: số 2A Lê Niệm, P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) do ông Hoàng Đặng Quốc Phong (hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh) là chủ nhà.

Cũng tại địa chỉ nêu trên, đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ trên 13.000 sản phẩm mỹ phẩm nhãn hàng Obagi và Zo, chủ cơ sở chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định chủ cơ sở có dấu hiệu kinh doanh mỹ phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ cơ sở chưa thực hiện đăng ký kinh doanh mỹ phẩm theo quy định. Do đó đoàn kiểm tra đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên.

Để tăng cường quản lý việc kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử, ngăn ngừa kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm chưa được phép lưu hành, Cục Quản lý Dược một lần nữa đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chỉ đạo các sàn thương mại điện tử không được kinh doanh mỹ phẩm khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Yêu cầu rà soát, ngừng kinh doanh, gỡ bỏ các thông tin về các sản phẩm mỹ phẩm vi phạm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngày 06/7/2022Cục Quản lý Dược nhận được Công văn 89/KN-KHTC của Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm Thực phẩm Hải Dương báo cáo kết quả kiểm nghiệm 03 sản phẩm mỹ phẩm (sản phẩm Dr Therapy Melasma-Best for spa Night cream; NSX: 16/5/2022; HSD 16/5/2025, sản phẩm Dr Therapy Melasma - Best for spa Day cream: NSX: 16/5/2022; HSD: 16/5/2025 và sản phẩm Dr Therapy Melasma - Cream Perfect for spa; NSX: 05/01/2021; HSD: 04/012024) không đạt chất lượng. Theo đó: 8 - 03 sản phẩm nêu trên được Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Hải Dương mua tại shop "Nguyên liệu cho spa” tại trang giao dịch thương mại điện tử Shopee (shopee.vn) để kiểm tra chất lượng và có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Thủy ngân vượt quá mức cho phép, không đáp ứng yêu cầu về giới hạn kim loại nặng trong mỹ phẩm.

Thành phần công thức sản phẩm ghi trên nhãn có chứa chất không được phép có trong sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da theo quy định.

Nhãn sản phẩm ghi “Made by UK”, không ghi số lô sản xuất, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường theo quy định, không có tên và địa chỉ của nhà sản xuất, không đáp ứng quy định về ghi nhãn mỹ phẩm.

Qua tra cứu dữ liệu tại Hệ thống tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trực tuyến, 03 sản phẩm nêu trên chưa được Cục Quản lý Dược cấp số tiếp nhận Phiếu công bố đối với mỹ phẩm nhập khẩu, không được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm

Cục Quản lý Dược thông tin, hiện nay, việc quản lý mỹ phẩm được thực hiện theo Thông tư số 06/2011/TTBYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm;

Theo đó, Cục Quản lý Dược là cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu.

Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản xuất mỹ phẩm là cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước (điểm a Khoản 1 Điều 7).

Cục Quản lý Dược nêu rõ “các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải lưu giữ bản sao Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận và có trách nhiệm xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra yêu cầu (Điều 3, Điều 11, Điều 12 và Phụ lục số 07-MP).

Sản phẩm mỹ phẩm khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng quy định về ghi nhãn mỹ phẩm. Trong đó, số lô sản xuất, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường thuộc các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn sản phẩm mỹ phẩm (điểm đ Khoản 1 Điều 18)...

Mới đây nhất, hơn 1.000 sản phẩm là thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng hỗ trợ tăng chiều cao, an thần hay tăng cường sức khỏe là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc đã bị lực lượng chức năng thành phố Hà Nội phát hiện, tại một cơ sở bán hàng trực tuyến trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

"Em nhập trên các hội nhóm trực tuyến. Em nhập về cứ có lãi là em bán thôi. Em nhập 30.000 đồng về và bán 50.000 đồng", đối tượng kinh doanh hàng giả khai nhận.

Cứ có lãi là bán, không quan tâm chất lượng, thủ đoạn của đối tượng là lợi dụng các trang bán hàng trực tuyến để kinh doanh những mặt hàng này. "Em bán trên shopee. Em mua những trang yêu thích. Từ hôm bị bắt thì xóa trang rồi", đối tượng kinh doanh hàng giả nói.

Mỵ Châu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/kinh-doanh-cac-san-pham-vi-pham-san-tmdt-shopee-lien-tuc-bi-cuc-quan-ly-duoc-diem-danh-post458519.html