Kinh Bắc với nếp sống văn hóa trong lễ cưới

Xưa nay, lễ cưới vẫn được xem là việc trọng đại của đời người, song, để tiệc cưới vừa được tổ chức tự nguyện, vừa giữ nghi thức truyền thống, nhưng vẫn trang trọng, hiện đại, đúng Luật Hôn nhân - Gia đình, là vấn đề không dễ và luôn được Bắc Ninh đặt lên hàng đầu.

Theo quan niệm của người Việt xưa thì lễ cưới là một trong ba việc trọng đại của đời người: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”, và cách thức tổ chức đám cưới như thế nào cũng là biểu hiện nếp sống văn hóa của mỗi gia đình, làng xóm. Vì vậy, thời gian gần đây Bắc Ninh đã nỗ lực rất nhiều trong việc đấy mạnh công tác tuyên truyền, để việc cưới hỏi đi vào nề nếp, lành mạnh, tiết kiệm, văn minh và phù hợp với chuẩn mực xã hội.

Trầu cau, lễ vật không thể thiếu trong đám cưới người Việt.

Được biết, trong 5 năm, từ 2012-2017, toàn tỉnh Bắc Ninh có 65.293 đám cưới, trong đó, tỷ lệ đám cưới thực hiện tốt nếp sống văn minh đạt 90%. Số đám cưới tổ chức ăn uống linh đình, phô trương, lãng phí đã giảm hẳn. Đáng ghi nhận là các đám cưới đều được tổ chức trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đúng Luật Hôn nhân và Gia đình.

Nhiều xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt việc đăng ký, trao giấy chứng nhận kết hôn cho đôi nam nữ trước khi tiến hành lễ cưới. Những nghi thức truyền thống như dạm ngõ, lễ hỏi... vẫn được duy trì, để đảm bảo tính trang trọng, song, đã giản tiện hơn, phù hợp tiến bộ chung của xã hội.

Thực tế cho thấy, đa phần các lễ cưới ở Bắc Ninh, cơ bản đã gói gọn trong 1 - 1,5 ngày, không mời khách tràn lan, nhất là không dùng thuốc lá tiếp khách. Điều này biểu hiện rõ nhất ở những cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, tại nhiều địa phương, lễ ăn hỏi chỉ diễn ra trước lễ cưới 1 ngày. Lễ đón dâu được tổ chức trang trọng, lịch sự, tiết kiệm, phù hợp thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế từng gia đình.

Điều đáng ghi nhận nữa là, từ các thôn làng đến khu phố, đều đã xây dựng và đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, vào quy ước của địa phương. Coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, xếp loại gia đình văn hóa. Theo đó, đã xuất hiện nhiều đơn vị điển hình trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cưới như: xã Phật Tích, xã Việt Đoàn (Tiên Du); xã Xuân Lai, xã Tam Giang (Gia Bình); xã Phú Hòa (Lương Tài); xã Đình Tổ, Hoài Thượng, Mão Điền, An Bình (Thuận Thành); Phường Tân Hồng (thị xã Từ Sơn); các thôn: Đại Lai (xã Đại Lai), Lê Lợi (xã Nhân Thắng); xã Tam Giang (Yên Phong)…

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn tồn tại một số đám cưới mời khách tràn lan, phô trương, nặng hình thức, nhất là các gia đình trong khối doanh nghiệp. Hoặc, vẫn còn tình trạng dựng rạp cưới lấn chiếm lòng lề đường, gây ảnh hưởng an toàn giao thông, trật tự xã hội. Đáng chê trách là, thời gian gần đây, ở một vài địa phương, còn có tình trạng đón dâu 2 lần để tránh “xung khắc, ly tán” theo lời thầy bói.

Thực chất, việc đón dâu hai lần là quan niệm mê tín, dị đoan không những tốn thời gian, tiền của mà còn gây phiền toái cho cả hai gia đình cô dâu, chú rể. Mặt khác, Bắc Ninh cũng chưa có nhiều mô hình đám cưới văn minh, nhất là những lễ cưới chỉ tổ chức tiệc ngọt, tiệc trà để các đôi tân hôn lựa chọn.

Có một thực tế là, việc vận động người dân tổ chức lễ tang văn minh, tiến bộ thì dễ, còn tiệc cưới rất khó. Vì việc tang có cơ chế tài chính khuyến khích cụ thể, và là chuyện buồn, nên việc vận động nhân dân tổ chức văn minh dễ hơn.

Còn lễ cưới là niềm vui, các gia đình có nhiều thời gian chuẩn bị, nhất là khi đời sống kinh tế ngày càng khấm khá. Lại thêm tâm lý “cả đời chỉ cưới một lần”, nên phải “hoành tráng” không thua kém bạn bè, hàng xóm…Hoặc, còn nặng nguyên nhân “trả nợ miệng”, hoặc vì các mối quan hệ trong cuộc sống…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Ảnh, cho biết: “Thời gian qua, công tác thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới trên địa bàn Bắc Ninh đã góp phần tích cực trong việc xây dựng hạnh phúc cho nhiều đôi lứa. Tạo động lực phát triển toàn xã hội, bảo tồn được nét đẹp văn hóa xứ Kinh Bắc. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn hiện tượng tổ chức đám cưới xa hoa, lãng phí, gây phản cảm và dư luận xấu. Cá nhân tôi cho rằng, việc tổ chức lễ cưới linh đình không phải tỷ lệ thuận với hạnh phúc gia đình. Hoặc, đám cưới gọn nhẹ, tiết kiệm không có nghĩa là coi nhẹ hạnh phúc… Vì vậy, để việc cưới thực sự đi vào nề nếp, văn minh, lành mạnh, tiết kiệm và phù hợp với chuẩn mực xã hội, Bắc Ninh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để việc cưới, hỏi văn minh thấm sâu vào đời sống người dân”.

Ngoài ra, ông Ảnh còn cho biết, những lễ cưới văn minh, tiết kiệm, phù hợp giá trị chuẩn mực xã hội cần được nêu gương, khuyến khích. Đồng thời phải phê phán những đám cưới xa hoa, lãng phí, vì vậy, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Sự “bắt tay” chặt chẽ của các cấp ngành, đoàn thể liên quan, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện nếp sống văn minh nơi thôn xóm chặt chẽ hơn nữa, để ngày cưới thực sự trở thành kỷ niệm đẹp của các cặp uyên ương

Mùa xuân, mùa cưới và Tết Nguyên đán 2018 đang đến rất gần, hy vọng, những đôi lứa sắp sửa thành hôn ở Bắc Ninh sẽ có một mùa cưới giản dị, nhưng vẫn lịch sự và sang trọng.

Dương An Như

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/kinh-bac-voi-nep-song-van-hoa-trong-le-cuoi-post10715.html