Kim Yong Chol - Từ lính gác, cận vệ đến trùm tình báo Triều Tiên

Người được nhà lãnh đạo Kim Jong Un tin tưởng cử đến New York từng là lính biên phòng, cận vệ của gia đình ông Kim Jong Il, trước khi trở thành trùm tình báo Triều Tiên.

Khi chuyến bay số hiệu CA981 của hãng hàng không Air China hạ cánh tại New York ngày 30/5, ông Kim Yong Chol, 72 tuổi, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên (WPK), trở thành quan chức quyền lực nhất của nước này từng đặt chân đến Mỹ.

Người nắm giữ "danh hiệu" này trước ông Kim là Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên Jo Myong Rok. Ông Jo được Tổng thống Bill Clinton đón tiếp tại Nhà Trắng tháng 10/2000.

Không chỉ tạo nên sự xuất hiện lịch sử tại Mỹ, ông Kim Yong Chol được cho là đang nắm giữ chìa khóa cánh cửa quan hệ Washington - Bình Nhưỡng.

Cánh tay phải của ông Kim Jong Un

Ông Kim Yong Chol nổi lên là nhân vật chủ chốt trong chiến lược ngoại giao thần tốc của Triều Tiên năm 2018.

Vị tướng tình báo luôn hiện diện ở các sự kiện quan trọng liên Triều. Ông cùng cô Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, xuất hiện trong phái đoàn Bình Nhưỡng tham gia thế vận hội mùa đông PyeongChang ở Hàn Quốc. Bộ đôi này cũng là 2 người ngồi cùng ông Kim Jong Un trong phòng họp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ở thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4.

Ông Kim Yong Chol là một trong 6 người có mặt trong cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Hàn, Triều hôm 27/4. Đồ họa: CNN

Ông Kim Yong Chol là một trong 6 người có mặt trong cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Hàn, Triều hôm 27/4. Đồ họa: CNN

Mọi tiếp xúc của Washington với nhà lãnh đạo Triều Tiên đều phải đi qua “cánh cửa” Kim Yong Chol. Trong chuyến công du Bình Nhưỡng ngày 9/5, người đón Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại sân bay quốc tế Sunan chính là ông trùm tình báo Triều Tiên.

Theo lời kể của 2 phóng viên tháp tùng chuyến đi, sau buổi đón tiếp tại khách sạn Koryo do ông Kim chủ trì, ngoại trưởng Mỹ mới được thông báo sẽ gặp trực tiếp ông Kim Jong Un và đàm phán trả tự do cho 3 công dân Mỹ.

Vị phó chủ tịch WPK có chân trong nhiều cơ quan quyền lực hàng đầu Triều Tiên như: Bộ chính trị; Ủy ban Nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách cao nhất trong bộ máy chính quyền Bình Nhưỡng; quân ủy trung ương, cơ quan kiểm soát quân đội.

Ông Kim Yong Chol đón ngoại trưởng Mỹ tại sân bay Bình Nhưỡng ngày 9/5. Ảnh: AP.

“Ông ấy là người có nhiều vai diễn. Ông rất thông thạo vấn đề phi hạt nhân hóa và đã đảm bảo cho mình một chỗ ngồi trong đội ngũ thân cận của ông Kim Jong Un”, Duyeon Kim, nhà nghiên cứu tại viện cố vấn chính sách Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên, nhận định.

Việc ông Kim Yong Chol dẫn đầu phái đoàn 5 người đến New York trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore cho thấy ông thật sự là “cánh tay phải” của nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong ván bài đàm phán hạt nhân.

Trùm tình báo Triều Tiên

Theo trang phân tích Triều Tiên 38 North, ông Kim Yong Chol còn đang giữ chức vụ trưởng ban Mặt trận Thống nhất (UFD) của WPK, đứng đầu “Khối Văn phòng Số 3” bao gồm các cơ quan và viện nghiên cứu tình báo dân sự nhắm vào Hàn Quốc. Trợ lý đắc lực của ông Kim là Trung tướng Ri Son Gwon, hiện là chủ nhiệm Ủy ban Tái thống nhất Hòa bình Đất nước, cơ quan chuyên trách hoạt động liên Triều.

Ông Kim Yong Chol là một vị tướng tình báo lão luyện của Triều Tiên, đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng từ thập niên 1980. Từ năm 2009-2016, ông được thăng chức làm lãnh đạo Tổng cục Thám báo (RGB), tổ chức tình báo được mệnh danh là “CIA của Triều Tiên”. Vị trí này tương đương Giám đốc Tình Báo Quốc gia trong bộ máy chính quyền Mỹ.

Ông Kim Yong Chol được đánh giá là nhân vật có lập trường quân sự cứng rắn. Ảnh: AFP.

RGB có nhiệm vụ chính là thu thập và phân tích thông tin tình báo quân sự về Hàn Quốc. Cơ quan này bị nghi ngờ đứng sau nhiều vụ tấn công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ và tổ chức tài chính Hàn Quốc những năm qua.

Chính quyền Seoul từng quy trách nhiệm cho RGB trong vụ tàu hải quân Cheonan trúng ngư lôi vào tháng 3/2010, khiến 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng. RGB còn để lại các dấu vết gián điệp mạng tại Mỹ, nổi bật là vụ tấn công hệ thống dữ liệu của hãng phim Sony năm 2014.

Trùm tình báo Kim Yong Chol cũng nằm trong “sổ đen” cấm nhập cảnh của Mỹ và Hàn Quốc vào năm 2010 và 2016 liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

"Tấm gương vượt khó"

Bản lý lịch của vị tướng tình báo mô tả ông như một “tấm gương vượt khó” trong bộ máy chính quyền Bình Nhưỡng, thăng tiến dần qua 3 đời lãnh đạo dòng họ Kim bằng hiệu quả công việc, tài năng và sự cần cù, theo trang 38 North.

Theo Guardian, ông Kim Yong Chol có thời gian là sĩ quan biên phòng tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Trong những thập niên 1960-1970, ông được chọn là cận vệ của nhà lãnh đạo Kim Jong Il và các thành viên trong “gia đình đệ nhất” trước khi bước chân vào cộng đồng tình báo Triều Tiên.

Ông Kim được đánh giá có vai trò then chốt trong quá trình chuyển giao quyền lực sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il qua đời tháng 11/2011. Ông thường đi cùng ông Kim Jong Un trong các sự kiện đối ngoại và đối nội quan trọng những năm qua. Ngoài cô Kim Yo Jong, vị phó chủ tịch WPK là quan chức Triều Tiên duy nhất góp mặt trong cả 2 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.

Ông Kim Yong Chol trong lần tham dự lễ khai mạc thế vận hội mùa đông PyongChang. Ảnh: Reuters.

Trang 38 North cho biết trùm tình báo Triều Tiên là một người cực kỳ thông minh và thông thạo nhiều ngoại ngữ. “Những người từng gặp ông Kim trước kia đều mô tả ông là một người thông minh, nhạy bén và giỏi lắng nghe”, Robert Carlin, cựu quan chức CIA từng 30 lần đến Triều Tiên, trả lời Guardian.

Tuy nhiên, theo ông Carlin, tính cách của ông Kim Yong Chol có phần thay đổi sau khi ông thăng tiến trong RGB và bước vào nhóm những nhân vật quyền lực nhất Bình Nhưỡng. “Những người gặp ông Kim sau này lại nói ông có phần khinh thường người khác khi đối thoại. Tôi nghĩ rằng tùy đối tượng mà ông có những cách giao tiếp khác nhau”, chuyên gia hiện làm việc cho Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế tại đại học Stanford nhận định.

South China Morning Post đánh giá ông Kim là một nhà đàm phán đáng gờm và sẽ là thách thức lớn cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

90s: Thế giới 'chóng mặt' vì Kim - Trump 'chia tay rồi không chia tay' Thế giới lại một phen "chóng mặt" với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông gửi thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố "hủy kèo" hội nghị thượng đỉnh nhưng chưa đầy 24 giờ đã đổi ý.

Thanh Danh (tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/kim-yong-chol-tu-linh-gac-can-ve-den-trum-tinh-bao-trieu-tien-post847079.html